Tòa cũng buộc Công ty Thiên Phú trả cho Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam hơn 2.059 tỷ đồng nợ vay, cấn trừ số tiền Công ty Kim Oanh trả 1.353 tỷ mua tài sản trúng đấu giá và 97 tỷ lãi chậm thanh toán. Công ty Thiên Phú tiếp tục còn phải trả ngân hàng gần 700 tỷ đồng. Thực tế Công ty Thiên Phú đã mất khả năng trả nợ, thất thoát của Ngân hàng Nông nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước trong vụ việc này vẫn chưa được xác định và có giải pháp xử lý, chưa có ai chịu trách nhiệm.
Agribank Chợ Lớn thất thoát bao nhiêu tiền?
Ngân hàng Nông nghiệp Chợ Lớn cho Công ty Thiên Phú vay tiền thế chấp bằng quyền sử dụng đất ở 3 dự án: Hòa Lân, Cầu Đò, Mỹ Phước 4. Trong các khoản vay cho dự án Hòa Lân, có khoản vay 738,2 kg vàng hạt (khoảng 250 tỉ đồng ở thời điểm vay). Ngày 13/01/2009, Ngân hàng Nông nghiệp Chợ Lớn và Công ty Thiên Phú ký Phụ lục hợp đồng chuyển đổi tiền vay từ vàng thành VNĐ, giá quy đổi 1,76 triệu đồng/chỉ, tương ứng số tiền vay sau chuyển đổi là hơn 327,9 tỉ đồng.
Theo tố cáo của đại diện Công ty Thiên Phú, ông Phạm Đăng Bộ - Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp Chợ Lớn đã không mua vàng ngay tại thời điểm chuyển đổi theo chỉ đạo của Hội sở. Đến tháng 5/2009, giá vàng tăng lên hơn 2,6 triệu đồng/chỉ dẫn đến nguy cơ thiệt hại cho ngân hàng. Để che đậy sai phạm của mình, ông Phạm Đăng Bộ thông báo Công ty Thiên Phú phải ký hợp đồng chuyển từ số tiền vay hơn 327,9 tỉ đồng thành vàng như cũ. Ông Phạm Đăng Bộ hứa tạo điều kiện cho Công ty Thiên Phú được giãn nợ, tiếp tục cho vay để thực hiện 03 dự án.
Nếu Công ty Thiên Phú không ký điều chỉnh, ông Phạm Đăng Bộ sẽ khởi kiện yêu cầu Công ty Thiên Phú tất toán các khoản vay. Ngày 22/5/2009, Công ty Thiên Phú buộc phải ký phụ lục hợp đồng chuyển đổi số tiền vay từ hơn 327,9 tỉ đồng sang thành vay vàng như cũ. Đến ngày 11/1/2013, theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, Công ty Thiên Phú lại phải chuyển đổi dư nợ vàng sang dư nợ VNĐ với giá quy đổi là 4,5 triệu đồng/chỉ dẫn đến dư nợ của Công ty Thiên Phú tăng vọt lên thành hơn 844,5 tỉ đồng, cao hơn dự nợ được chuyển đổi trước đó hơn 500 tỉ đồng.
Những vi phạm của ông Phạm Đăng Bộ, Ngân hàng Nông Nghiệp Chợ Lớn được Thanh tra Chính phủ nêu rõ tại Kết luận ngày 24/12/2013. Thanh tra Chính phủ xác định: Ngày 26/12/2008, Ngân hàng Nông nghiệp chuyển cho Chi nhánh Chợ Lớn 560,9 tỷ đồng mua 318.714,597 chỉ vàng xử lý rủi ro (giá vàng tại thời điểm 1,76 triệu đồng/chỉ); Tuy nhiên, Chi nhánh đã không mua vàng theo chỉ đạo để xử lý rủi ro. Vì vậy, đến 20/6/2012, Chi nhánh Chợ Lớn mua được 80.000 chỉ vàng, số còn lại chưa mua 238.714 chỉ vàng. Do không mua vàng ngay tại thời điểm 26/12/2008 dẫn đến hậu quả phải bỏ thêm chi phí hàng trăm tỉ đồng mới có thể mua đủ số vàng theo yêu cầu xử lý rủi ro. Theo báo cáo của Ngân hàng Nông nghiệp, tại 20/6/2012, phải mất thêm 614 tỉ đồng để mua đủ vàng theo chỉ đạo của Hội đồng xử lý rủi ro. Thanh tra Chính phủ xác định vụ việc có dấu hiệu cấu thành tội phạm, cần chuyển cơ quan điều tra xử lý quy định của pháp luật, việc cho vay đối với Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thiên Phú là vụ việc có dấu hiệu cấu thành tội “Vi phạm các quy định về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng quy định tại Điều 179 Bộ Luật Hình sự năm 2009".
Tại Tòa quận 7, riêng số tiền vay với dự án Hòa Lân, Ngân hàng Nông nghiệp Chợ Lớn yêu cầu Công ty Thiên Phú trả số nợ hơn 2.834 tỷ đồng, sau khi khấu trừ 1.450 tỷ đồng tiền bán tài sản và lãi chậm thanh toán của Công ty Kim Oanh thì Công ty Thiên Phú còn nợ Ngân hàng Nông nghiệp 1.384 tỷ đồng. Nếu tính cả các khoản vay tại dự án Cầu Đò, Mỹ Phước 4 thì sau khi xử lý hết tài sản, Công ty Thiên Phú còn nợ Ngân hàng Nông nghiệp Chợ Lớn hơn 2.000 tỷ đồng. Đây là số tiền ít nhất đã thất thoát theo số liệu của chính Ngân hàng Nông nghiệp Chợ Lớn.
Đến nay, vụ việc vẫn chưa được xử lý theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ.
Lợi ích của Nhà nước phải được đặt lên trên hết?
Ngoài các sai phạm nghiêm trọng như sau 2 năm Công ty Kim Oanh mới thanh toán hết tiền đấu giá thay vì 45 ngày như Thông báo bán đấu giá. Tại Tòa quận 7, quá trình công chứng Hợp đồng mua bán tài sản mới là tình tiết gây sốc.
Phiên đấu giá thành ngày 25/5/2017 có sự chứng kiến của Văn phòng công chứng Mỹ Phước. Thông báo đấu giá, Biên bản trúng đấu giá xác định người trúng đấu giá phải thanh toán toàn bộ số tiền trúng đấu giá trong vòng 45 ngày, phải làm thủ tục xin chấp thuận chuyên đổi chủ đầu tư dự án Hòa Lân trước khi ký Hợp đồng mua bán tài sản. Do đó, để công chứng Hợp đồng mua bán, Văn phòng công chứng Mỹ Phước đã có văn bản yêu cầu Công ty đấu giá Nam Sài Gòn bổ sung: văn bản chấp thuận của cơ quan Nhà nước chuyển đổi chủ đầu tư cho bên trúng đấu giá; đưa vào Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá nội dung nếu bên trúng đấu giá vi phạm nghĩa vụ thanh toán thì Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá đương nhiên không có hiệu lực. Các yêu cầu này hoàn toàn phù hợp với hồ sơ đấu giá, bảo vệ quyền lợi của Ngân hàng Nông Nghiệp Chợ Lớn, nhưng không được chính ngân hàng này ủng hộ. Ngân hàng Nông nghiệp Chợ Lớn đã cùng Công ty đấu giá Nam Sài Gòn và Công ty Kim Oanh công chứng Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá tại Văn phòng công chứng Thành phố mới, đơn vị không hề chứng kiến quá trình đấu giá. Công chứng là việc xác định tính xác thực, hợp pháp. Văn phòng công chứng Thành phố mới không chứng kiến quá trình đấu giá thì không thể xác nhận tính xác thực của Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá. Chính vì vậy, Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá được công chứng này không phù hợp với các yêu cầu của hồ sơ đấu giá, không đảm bảo tính xác thực của quá trình đấu giá.
Tài sản được định giá để bán đấu giá có 24,6 hecta đất được Nhà nước giao cho Công ty Thiên Phú không thu tiền, mức định giá 2,5 triệu đồng/m2. Luật pháp cấm thế chấp, cấm chuyển nhượng đất này. Ngân hàng Nông nghiệp Chợ Lớn không có quyền chuyển nhượng, bàn giao đất này cho Công ty Kim Oanh. Sau khi đấu giá, Ngân hàng Nông Nghiệp Chợ Lớn lại “tự nguyện” xác định diện tích thực tế đất không thu tiền sử dụng đất thiếu hụt so với định giá là hơn 8.400 m2 và trừ lại số tiền hơn 23 tỷ đồng cho Công ty Kim Oanh.
Tổng số nợ của Công ty Thiên Phú với dự án Hòa Lân theo chính Ngân hàng Nông nghiệp Chợ Lớn tính đến 16/04/2020 nếu tính cả gốc và lãi là hơn 2.834 tỷ đồng. Không đưa ra bất cứ căn cứ pháp lý nào để bác bỏ yêu cầu của Ngân hàng Nông Nghiệp, Tòa quận 7 phán quyết chỉ được tính lãi đến 17/4/2015, với tổng số tiền là 2.059 tỷ đồng, cho dù thời điểm này khoản vay chưa được tất toán. Bị Tòa quận 7 từ chối yêu cầu đòi nợ đến gần 800 tỷ đồng, nhưng Ngân hàng Nông Nghiệp Chợ Lớn tiếp tục “tự nguyện” từ bỏ lợi ích của mình khi không hề kháng cáo lên tòa phúc thẩm.
Theo nhiều chuyên gia bất động sản, nếu hủy kết quả bán đấu giá, định giá và bán đấu giá lại, riêng đất tại dự án Hòa Lân sẽ thu về ít nhất 5.000 tỷ đồng, tăng thêm hơn 3.500 tỷ đồng so với số tiền Công ty Kim Oanh đã trả từ cuộc đấu giá trái pháp luật. Số tiền thất thoát của Ngân hàng Nông Nghiệp Chợ Lớn sẽ được thu hồi toàn bộ. Số tiền Ngân hàng Nông nghiệp thiệt hại chính là lợi nhuận bất hợp pháp của Công ty Kim Oanh.
Rất nhiều doanh nghiệp Nhà nước đòi hỏi cơ chế tự chủ trong kinh doanh. Tự chủ là để các doanh nghiệp năng động, sáng tạo kinh doanh, nâng cao hiệu quả. Tự chủ không phải là kẽ hở để một số người lợi dụng, “tự nguyện” đem tài sản của Nhà nước cho tư nhân.
Một căn nhà tình nghĩa cho gia đình nghèo, có công có giá trị khoảng 50 triệu đồng, thì 3.500 tỷ đồng là 70.000 căn. Một cây cầu ở vùng sâu, vùng xa có giá trị khoảng 500 triệu đồng thì 3.500 tỷ đồng là 7.000 cây cầu. Vì vậy, việc xem lại bản án của Tòa quận 7 để hủy kết quả đấu giá, thu hồi tiền cho ngân sách Nhà nước là việc làm cần thiết.
Tại cuộc họp trực tuyến sáng 28/12 với Chính phủ và các địa phương, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhắc nhở về tình trạng tham nhũng, lãng phí: "Chúng ta là người trực tiếp quản lý khối tài sản lớn, tiền rất lớn và quyền rất to. Môi trường tạo thuận lợi cho ta làm việc, nhưng nếu không cẩn thận cũng dễ mắc vào cám dỗ". Qua vụ trúng đấu giá đất tại dự án Hòa Lân đầy “tai tiếng” của Công ty Kim Oanh, có thể thấy hàng ngàn tỷ đồng của Nhà nước có dấu hiệu thất thoát như “con voi chui qua lỗ kim”.