1. Công viên địa chất toàn cầu Cliffs of Fundy, Nova Scotia, Canada
BioBlitz - Khoa học Công dân giúp thu thập dữ liệu đa dạng sinh học
Mô hình “citizen science” (khoa học công dân) là những nghiên cứu khoa học được thiết kế để công chúng không chuyên có thể chủ động tham gia cùng tạo ra tri thức. Việc hợp tác thường dựa trên sự tự nguyện của người dân., họ đóng góp chất xám, thông tin, và thời gian nhàn rỗi của mình.
Sử dụng ứng dụng INaturalist, một mạng xã hội dành cho các nhà tự nhiên học chuyên và không chuyên công bố và thảo luận về các quan sát thực địa của mình, Công viên địa chất toàn cầu Cliffs of Fundy đã tổ chức một cuộc khảo sát sinh học khoa học công kéo dài một ngày vào mùa hè. Cuộc khảo sát này, được gọi là BioBlitz, tập hợp nhiều đối tượng tham gia bao gồm trẻ em, người già và thậm chí cả chó. Những người tham gia sẽ chụp ảnh quan sát của họ, đăng ký vị trí và tải hình ảnh lên iNaturalist, tạo cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cliffs of Fundy.
Ngoài việc giúp các nhà truyền thông khoa học thu hút cộng đồng địa phương tham gia nghiên cứu môi trường, BioBlitzes còn cho phép thu thập một lượng lớn dữ liệu môi trường tham chiếu địa lý có liên quan. Dữ liệu này sau đó có thể được ngữ cảnh hóa với nghiên cứu khoa học quy mô lớn hơn, cung cấp thông tin quan trọng về tình trạng và sự tiến hóa của đa dạng sinh học địa phương, từ đó cho phép các nhà nghiên cứu theo dõi tác động của biến đổi khí hậu.
Câu chuyện xói mòn bờ biển tại Công viên Five Islands
Như một cách để nâng cao nhận thức về hậu quả của xói mòn bờ biển và cách biến đổi khí hậu khuếch đại quá trình này, Công viên Cliffs of Fundy đã phát động một chiến dịch truyền thông xã hội nhân Tuần lễ Đại dương Thế giới năm 2021, nhấn mạnh tình trạng này ảnh hưởng đến lãnh thổ công viên địa chất nghiêm trọng ra sao.
Năm 2021, Công viên Five Islands, một khu vực được bảo vệ trong ranh giới của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cliffs of Fundy, đã mất một phần đáng kể diện tích do xói mòn bờ biển. Sự xói mòn bờ biển dữ dội này cũng là một mối nguy hiểm mà du khách cần phải lưu ý. Về vấn đề đó, ban quản lý công viên địa chất nhấn mạnh rằng “Cần lưu ý phải luôn đứng lùi lại ở khoảng cách ít nhất bằng chiều dài một xe buýt trường học (~ 10 mét) tính từ mỏm trên cùng và chân của các vách đá dựng đứng”.
Xói mòn bờ biển đang được khuếch đại bởi biến đổi khí hậu, không chỉ do mực nước biển dâng mà còn do tần suất và cường độ cao hơn của các cơn bão biển. “Tác động liên tục của thủy triều làm xói mòn các khu vực mềm của đường bờ biển. Các vách đá và đá sa thạch đỏ đặc biệt dễ bị tổn thương bởi tác động của sóng này vì chúng mềm và dễ bị xói mòn hơn các đảo bazan sẫm màu và mũi đất trong Công viên địa chất ”, nhân viên công viên địa chất giải thích.
Bất chấp nguy cơ, lực của thủy triều và xói mòn cũng là nguyên nhân tạo nên cảnh quan nổi bật của Công viên địa chất toàn cầu Cliffs of Fundy, nơi có thể được coi là một ví dụ hoàn hảo về cách các quá trình địa chất vừa tàn phá vừa mang tính sáng tạo. |
2. Công viên địa chất toàn cầu The Burren and Cliffs of Moher
Quy tắc thực hành về Công viên địa chất cho các doanh nghiệp du lịch bền vững
Công viên địa chất toàn cầu The Burren and Cliffs of Moher đã phát triển và ứng dụng bộ Quy tắc thực hành về du lịch bền vững được thông qua bởi 65 thành viên của Mạng lưới du lịch sinh thái Burren, một mạng lưới các doanh nghiệp du lịch hoạt động trong công viên địa chất.
Mạng lưới Du lịch Sinh thái Burren đã làm việc với công viên địa chất để xây dựng một hệ thống khuyến khích và công nhận các thực hành tốt trong du lịch bền vững. Kể từ đó, khái niệm Du lịch bền vững đã phát triển và gắn chặt hơn với biến đổi khí hậu, một máy tính lượng khí thải carbon (dựa trên mô hình của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Ireland) cũng đã được thêm vào Bộ quy tắc. Ngày nay, khi áp dụng Bộ Quy tắc, các doanh nghiệp cam kết thực hiện một quá trình cải tiến liên tục các hoạt động du lịch bền vững.
Văn phòng Công viên địa chất điều hành, quản lý và tài trợ cho sự phát triển của Bộ quy tắc, cung cấp đào tạo và cố vấn, đánh giá bên ngoài và trao giải thưởng. Đổi lại, các thành viên của Mạng lưới du lịch sinh thái Burren tham gia vào Bộ quy tắc thực hành của Công viên địa chất, quảng bá Bộ quy tắc như một tính năng đặc biệt của Mạng lưới. Mạng lưới cũng cam kết hỗ trợ Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO như một điểm đến du lịch bền vững.
Dự án phục hồi Cồn cát Fanore
Khi mực nước biển được dự đoán sẽ tăng do hiện tượng ấm lên toàn cầu, đường bờ biển của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO The Burren and Cliffs of Moher đang trở nên dễ bị xói mòn hơn. Điều này gia tăng áp lực lên các môi trường sống của cồn cát ven biển. Để ổn định các cồn cát, một loạt hàng rào lưới thép đã được lắp đặt thành công ở Bãi biển Fanore, cho phép tái tạo cỏ Marram và thúc đẩy sự ổn định của bờ biển. Một hệ thống giám sát toàn diện được thiết lập để đảm bảo tiếp tục khôi phục, cải thiện các hệ thống cồn cát đã xuống cấp.
Nhận thức về Khoa học Công dân
Năm 2020, dự án khoa học công dân Aille Engagedd đã được thành lập với sự hỗ trợ của Khoa Khoa học Trái đất và Đại dương, Đại học Quốc gia Ireland - Galway, và tài trợ bởi Cơ quan Khảo sát Địa chất Ireland. Dự án Aille Engaged khuyến khích các tình nguyện viên địa phương thu thập lượng mưa hàng ngày và dữ liệu mực nước sông cho lưu vực sông Aille. Dữ liệu này được nhập vào cơ sở dữ liệu và hiển thị trực tiếp trên trang web của công viên địa chất.
Bằng cách tương tác với người dân địa phương, công viên địa chất đang nâng cao nhận thức về tài nguyên nước, đồng thời sử dụng dữ liệu để ước tính tác động của các mô hình biến đổi khí hậu khác nhau đối với lưu vực địa phương, sau đó cung cấp thông tin về bất kỳ biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu cần thiết cho các ngôi làng dọc theo tuyến sông Aille.
Dự án Aille Engaged cũng thúc đẩy các nghiên cứu sâu hơn về hệ thống sông Aille, đặc biệt dọc theo một trong những phụ lưu nguồn. Các nhà nghiên cứu đã triển khai các thiết bị ghi dữ liệu theo dõi mực nước sông, độ dẫn điện và nhiệt độ cũng như các máy đo lượng mưa tự động và đang phát triển các mô hình dòng chảy từ nguồn để hiểu rõ hơn về hệ thống karst phức tạp. Điều này sẽ dẫn đến các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu tốt hơn cho hệ thống lưu vực sông Aille.
3. Công viên địa chất toàn cầu Bergstrasse-Odenwald
Anh hùng khí hậu
Trong khuôn khổ Dự án Horizon2020 RURITAGE - nơi UNESCO là đối tác, Công viên địa chất thiên nhiên Bergstrasse-Odenwald (Đức) hợp tác với thành phố Mömlingen để triển khai dự án khoa học công dân “Anh hùng khí hậu” tập trung vào giáo dục về biến đổi khí hậu.
Dự án bao gồm bốn hội thảo và ứng dụng được phát triển bởi công viên địa chất. Trong hội thảo, khán giả, chủ yếu là dân cư sinh sống trong lãnh thổ công viên địa chất, có cơ hội tìm hiểu về các quá trình biến đổi khí hậu, những tác động ở cấp độ toàn cầu và địa phương, cũng như về các biện pháp giảm thiểu và thích ứng có thể thực hiện.
Sử dụng ứng dụng khoa học công dân của công viên địa chất, những người tham gia có thể cung cấp thông tin về thói quen đi lại của mình, so sánh với những người tham gia khác. Mặc dù tất cả dữ liệu được hiển thị ẩn danh, nhưng có thể tạo hồ sơ người dùng và thu thập “điểm anh hùng khí hậu”. Tùy thuộc vào các lựa chọn di chuyển được giới thiệu trong ứng dụng, "điểm anh hùng" sẽ được trao, sau đó có thể đổi lấy giải thưởng và tài liệu thông tin trên công viên địa chất.
Bằng cách này, công viên địa chất vừa thúc đẩy các lựa chọn bền vững vừa tạo ra nhận thức cho người dân địa phương về cách những thay đổi nhỏ trong lối sống có thể có tác động tích cực đến cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. |
4. Công viên địa chất toàn cầu Magma
Thông qua sáng kiến GEOfood bắt đầu từ năm 2015, Công viên địa chất toàn cầu Magma (Na Uy) đã thành lập một mạng lưới gồm 27 Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO đang hoạt động, nhằm quảng bá thực phẩm địa phương và định giá các cộng đồng nông nghiệp địa phương.
GEOfood ra đời nhằm mục đích nâng cao nhận thức về mối liên hệ giữa nguyên liệu thô của thực phẩm, lãnh thổ và di sản địa chất, thiết lập mối liên kết giữa thực phẩm và truyền thống văn hóa địa phương, nhưng cũng để cải thiện giáo dục về thực phẩm, ưu đãi đối với các sản phẩm zero-kilometre và sử dụng tài nguyên có trách nhiệm.
Bà Sara Gentilini, Công viên địa chất toàn cầu Magma
Thực phẩm Zero-kilometre (0km): nghĩa là thực phẩm chưa di chuyển xa hoặc theo nghĩa đen là nó đã đi "0 km" trước khi được ăn. Cách tiếp cận này đối với thực phẩm không chỉ đảm bảo sự tươi mới nhất trong hương vị và đồng thời mang bản sắc vùng miền, mà còn giảm thiểu các tác động đến môi trường trong quá trình sản xuất.
Để trở thành một phần của mạng lưới GEOfood, cần phải đáp ứng một số tiêu chí, tiêu chí đầu tiên là trụ sở của công ty đó và việc sản xuất phải được đặt bên trong lãnh thổ Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO.
GEOfood cũng đang soạn các tài liệu giáo dục, có mục tiêu cụ thể liên quan đến thực phẩm và nông nghiệp địa phương và gần đây đã được chấp nhận như một phần của các dự án do Chương trình Khoa học Địa chất Quốc tế tài trợ. Dự án nghiên cứu này sẽ thiết lập các phương pháp luận để đánh giá kết quả của GEOfood, và sẽ biên soạn mọi thủ tục, hướng dẫn, tài liệu in và các công cụ khác để thực hiện khái niệm này ở 26 khu vực trên thế giới.
Với dự án này, Công viên địa chất toàn cầu Magma nhắm đến một số Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (SDGs), đặc biệt là đóng góp vào SDG 12 - Tiêu dùng và Sản xuất có trách nhiệm, đồng thời tham gia tích cực vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu bằng cách thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng địa phương, giảm mạnh CO2 phát thải liên quan đến nông nghiệp thâm canh và vận tải đường dài.
Hiện đã có hơn 100 doanh nghiệp địa phương thống nhất thực hiện theo Tuyên ngôn GEOfood. |
5. Công viên địa chất toàn cầu Sobrarbe Pirineos
Lễ hội sông băng
Công viên địa chất toàn cầu Sobrarbe-Pirineos (miền Bắc Tây Ban Nha) đã phát triển một số hoạt động ngoài trời nhằm nâng cao nhận thức về tác động của biến đổi khí hậu đối với các sông băng Pyrenean. Nhằm vào công chúng và trường học, và được chia theo mức độ yêu cầu về thể chất, các hoạt động này được thực hiện trong tháng 9 và tháng 10 khi các khu vực núi vẫn có thể tiếp cận được.
Trong nhiều thiên niên kỷ, các sông băng Pyrenean là một đặc điểm nổi bật của cảnh quan vùng núi phía Bắc Tây Ban Nha. Tuy nhiên, đây là những sông băng ở cực Nam châu Âu và là duy nhất ở Tây Ban Nha hiện có nguy cơ biến mất trong khoảng thời gian ngắn (20 năm), theo ước tính của các dự báo gần đây nhất.
Chỉ còn lại 18 sông băng trong dãy núi Pyrenees, Công viên địa chất toàn cầu Sobrarbe-Pirineos đã quyết định mang đến cho cư dân trong khu vực và những người đến thăm công viên địa chất cơ hội tìm hiểu về những đặc điểm địa chất đặc biệt này thông qua tiếp xúc trực tiếp.
Mục tiêu của công viên địa chất không chỉ là cung cấp thông tin khoa học có chất lượng chính xác về sông băng và biến đổi khí hậu, đồng thời thúc đẩy những thay đổi trong lối sống của người tham gia tôn trọng hơn hệ thống mong manh của hành tinh. Chúng tôi cũng muốn du khách và đặc biệt là học sinh các trường học địa phương thưởng thức và hiểu được cảnh tượng mà các sông băng và cảnh quan của dãy núi Pyrenean mang đến.
Ông Anchél Belmote, Công viên địa chất toàn cầu Sobrarbe Pirineos.
6. Công viên địa chất toàn cầu Đảo Lesvos
Cải thiện hiệu quả năng lượng
Tận dụng thời gian buộc phải đóng cửa do đại dịch COVID-19, Công viên Địa chất Toàn cầu Đảo Lesvos đã tiến hành một quá trình cải tạo đầy tham vọng của trụ sở chính, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên của Rừng Hóa đá Lesvos, với mục đích giảm tiêu thụ năng lượng hàng năm.
Với sự tài trợ của Liên minh Châu Âu, Bảo tàng đã thay thế tất cả các hệ thống chống sét và điều hòa không khí bằng các giải pháp thay thế năng lượng thấp và lắp đặt một bảng quang điện để cung cấp điện cho tòa nhà. Với những biện pháp can thiệp này, Bảo tàng hiện có thể tự cung tự cấp và đã giảm đáng kể lượng khí thải carbon.
Sử dụng Bảo tàng như một tấm gương để noi theo và như một cách để quảng bá các công trình xây dựng tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng thay thế, công viên địa chất đã tổ chức một số sự kiện dành cho cộng đồng địa phương và thiết kế một chương trình giáo dục cho các trường học.
Triển lãm về biến đổi khí hậu
Cùng với Công viên Địa chất Toàn cầu Bergstraße-Odenwald (Đức) và Di sản Thế giới Grube Messel, Công viên Địa chất Toàn cầu Đảo Lesvos đã mở ra một cuộc triển lãm khám phá hậu quả của biến đổi khí hậu được tổ chức tại Trung tâm Du khách Messel Pit, Đức.
Du khách có thể khám phá môi trường của Đảo Lesvos cách đây 19 triệu năm, ngay trước khi núi lửa Vatousa phun trào đã chôn vùi hàng trăm cây rừng cận nhiệt đới bằng tro núi lửa.
Những cây hóa thạch này, nhân chứng của một sự kiện thảm khốc, cho phép các nhà nghiên cứu tái tạo lại hệ sinh thái của thời kỳ đó và đưa ra manh mối về hậu quả của biến đổi khí hậu trong lịch sử Trái đất. Ngoài việc giới thiệu Rừng hóa đá Lesvos cho khán giả Đức, mục đích cuộc triển lãm là để chứng minh sự biến đổi khí hậu do một vụ phun trào núi lửa lớn gây ra, có những tác động đáng kể đến hệ sinh thái như thế nào.
Triển lãm sẽ mở cửa đến ngày 30/4/2022 tại Trung tâm Du khách Messel Pit, Đức. |
7. Công viên địa chất toàn cầu Chablais
Công viên địa chất toàn cầu Chablais (vùng Auvergne-Rhône-Alpes, Đông Nam nước Pháp) đã tổ chức một chương trình giáo dục ngoài trời để giải thích cách các nhà nghiên cứu có thể hiểu được biến đổi khí hậu thông qua hồ sơ địa chất, và vai trò của con người trong quá trình này.
Trong các chuyến đi thực tế dành cho học sinh trung học và người lớn, những người tham gia được đưa vào một cuộc hành trình đến một số địa điểm địa chất đáng chú ý nhất của Công viên địa chất Chablais. Những địa điểm này tiết lộ câu chuyện về sự hình thành của dãy Alps, từ sự lắng đọng của các đá vôi dưới đáy đại dương nhiệt đới đến sự va chạm của mảng kiến tạo mà sau này hình thành nên những ngọn núi, cũng như các sự kiện băng giá đã tạo nên cảnh quan ra sao.
Các chuyến đi thực tế này nhằm mục đích chứng minh cách Trái đất là một hành tinh năng động với những thay đổi liên tục, bao gồm cả những thay đổi về khí hậu và loài người là một phần tử nhỏ nhưng mạnh mẽ của hệ thống Trái đất với khả năng tác động đến các quá trình tự nhiên của hành tinh.
8. Công viên địa chất toàn cầu Muroto
Biến đổi khí hậu có thể mang lại những thay đổi đáng kể cho các hệ sinh thái trong khu vực. Tại Công viên địa chất toàn cầu Muroto UNESCO (đảo Shikoku, Nhật Bản), điều đó có nghĩa là sự bùng nổ về sự phát triển của nhiều loại cây xương rồng không có nguồn gốc trên đảo.
Như một cách để bảo vệ hệ sinh thái địa phương, công viên địa chất đã hợp tác với khu vực tư nhân để loại bỏ bớt số cây, chuyển làm nguyên liệu sản xuất thức ăn cho các loài vật nuôi bò sát như rùa và cự đà.
9. Công viên địa chất toàn cầu Hoàng Sơn
Ở Trung Quốc, tại Công viên Địa chất Toàn cầu Hoàng Sơn, những người trẻ tuổi đang tìm hiểu về thiên nhiên xung quanh thông qua các bài giảng và các chuyến đi thực tế trong dự án “Bài giảng Thiên nhiên Hoàng Sơn”. Đây là dự án tập hợp các trường phổ thông, đại học, cơ quan chính phủ, tổ chức xã hội và tổ chức phi chính phủ địa phương và đến nay, đã triển khai 27 bài giảng cho hơn 3000 gia đình.
Các dự án như “Bài giảng thiên nhiên Hoàng Sơn” giúp rút ngắn khoảng cách giữa cuộc sống thành phố và thế giới tự nhiên, cho phép trẻ em và người lớn kết nối lại với hành tinh, thúc đẩy lối sống lành mạnh hơn, sức khỏe tinh thần tốt hơn và cảm giác tự hào.