Rừng Di sản Thế giới hấp thụ 190 triệu tấn CO2 mỗi năm
Bằng cách kết hợp dữ liệu thu được từ vệ tinh với thông tin giám sát ở cấp địa phương, các chuyên gia nghiên cứu tại UNESCO, Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) và Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã có thể ước tính tổng lượng carbon ròng mà rừng Di sản Thế giới UNESCO hấp thụ và thải ra, cũng như xác định nguyên nhân của một số khí thải.
Theo số liệu mới công bố cuối tháng 10, các khu rừng Di sản Thế giới được UNESCO công nhận ở 257 địa điểm riêng biệt đã hấp thụ khoảng 190 triệu tấn CO2 từ khí quyển mỗi năm, tương đương với khoảng một nửa lượng khí thải CO2 từ nhiên liệu hóa thạch hàng năm của Vương quốc Anh.
Hiện chúng ta đang có trong tay bức tranh chi tiết nhất cho đến nay về vai trò quan trọng của những cánh rừng tại các Di sản Thế giới trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Ông Tales Carvalho Resende, Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO, đồng tác giả của báo cáo
Các khu rừng Di sản Thế giới có tổng diện tích 69 triệu ha (gần gấp đôi diện tích nước Đức) với hệ sinh thái đa dạng sinh học. Chúng hấp thụ CO2 từ khí quyển và lưu trữ một lượng carbon đáng kể (khoảng 13 tỷ tấn), nhiều hơn lượng carbon trong trữ lượng dầu của Kuwait. Nếu tất cả lượng carbon dự trữ này được thải vào khí quyển dưới dạng CO2, sẽ giống như phát thải 1,3 lần tổng lượng khí thải CO2 hàng năm của thế giới từ nhiên liệu hóa thạch.
Phát hiện 10 khu rừng Di sản Thế giới đang gây lo ngại
Trong 10 khu rừng bị "đảo chiều", thải ra khí carbon nhiều hơn là hấp thụ, có thể kể đến rừng nhiệt đới Sumatra (Indonesia), Công viên Kinabalu trên đảo Borneo (Malaysia), dãy núi Blue (Australia), Vườn Quốc gia Yosemite và Grand Canyon (Mỹ). Các Di sản Thế giới vốn được đánh giá cao và bảo vệ nghiêm ngặt, thế nên số liệu ghi nhận về việc 10 trong số 257 khu rừng thải ra nhiều carbon hơn hấp thụ được từ năm 2001 đến năm 2020, do những xáo trộn và tác động của con người, là một thực trạng đáng báo động.
Tại một số địa điểm, việc giải phóng mặt bằng làm đất nông nghiệp làm phát sinh lượng khí thải vô cùng lớn. Bên cạnh đó, quy mô và mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng của các vụ cháy rừng, cũng như thời tiết khắc nghiệt được nhận định là nguyên nhân khác gây ra hiện tượng "đảo chiều" nghiêm trọng tại các khu rừng Di sản.
Báo cáo kêu gọi chung tay bảo vệ các Di sản Thế giới của UNESCO và cảnh quan xung quanh, đảm bảo rừng Di sản có thể tiếp tục hoạt động như những bể chứa và lưu trữ carbon mạnh mẽ cho các thế hệ tương lai. Để đạt được điều này, báo cáo khuyến nghị ứng phó nhanh chóng với các sự kiện liên quan đến khí hậu, cũng như duy trì và tăng cường kết nối sinh thái thông qua cải thiện quản lý cảnh quan.
Ví dụ, ở Indonesia, các cơ quan chính phủ đã sử dụng hệ thống cảnh báo cháy gần thời gian thực để giảm đáng kể thời gian phản ứng hỏa hoạn trung bình. Phản ứng nhanh là yếu tố không thể thiếu để ngăn chặn những đám cháy rừng bùng phát mạnh mẽ, lan rộng và tạo ra lượng khí thải CO2 khổng lồ.
Báo cáo cũng khuyến nghị lồng ghép việc tiếp tục bảo vệ các Di sản Thế giới của UNESCO vào chiến lược khí hậu, đa dạng sinh học và phát triển bền vững cấp quốc tế, quốc gia và địa phương, phù hợp với Thỏa thuận Khí hậu Paris, Khung đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020 và các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SGDs).
Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) đã công bố tháng 7 vừa rồi chính là tháng nóng nhất từng được ghi nhận trên trái đất. Nnếu không ngăn chặn biến đổi khí hậu, những đợt nắng nóng chết người sẽ quay lại, thậm chí còn trầm trọng hơn.