Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc dạy và học của các nhà trường trên toàn quốc. Trước thực trạng này, ngày 16/3, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Marie Curie (Hà Nội) đã gửi tâm thư tới Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Trong thư, thầy Nguyễn Xuân Khang viết: "Đại dịch Covid-19 đã 100 ngày. Việt Nam đã rất thành công giai đoạn 1... và chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng đón học sinh trở lại trường.
Tuy nhiên, đến ngày 6/3 ở Hà Nội xuất hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên và là bệnh nhân thứ 17 của Việt Nam. Tiếp đó số bệnh nhân tăng lên từng ngày và xuất hiện thêm các nguồn lây mới.
Tính đến ngày 15/3 Việt Nam có 57 bệnh nhân Covid-19, trong đó 16 người khỏi bệnh, còn 41 bệnh nhân đang được cách ly và điều trị…
Việt Nam đã bước sang giai đoạn 2 phòng, chống dịch bệnh Covid-19, phức tạp hơn và quyết liệt hơn!
Trước tình hình đó, đến ngày 15/3, tất cả các địa phương đều phải tiếp tục cho học sinh từ mầm non đến Trung học cơ sở nghỉ học, trong đó có những nơi đã cho học sinh đi học được một thời gian cũng phải thay đổi và tiếp tục đóng cửa trường.
Gần 30 tỉnh/thành phố vẫn chưa thể cho học sinh trung học phổ thông đến trường, trong đó có các thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…
Đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hai lần điều chỉnh thời điểm kết thúc năm học và thời gian tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2020. Các trường đã phải dạy và học online hoặc qua truyền hình...
Tuy nhiên, không phải địa phương, nhà trường, giáo viên, học sinh… nào cũng có đủ điều kiện để dạy và học từ xa có hiệu quả”.
Thầy Khang cho biết thêm, sau cuộc họp ngày 14/3, Văn phòng Chính phủ cũng đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trong đó có nội dung liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo: “Giảm nhẹ chương trình, rút ngắn thời gian học nhưng phải bảo đảm chất lượng học tập”.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nói “chống dịch như chống giặc, chấp nhận thiệt hại kinh tế để bảo vệ sức khoẻ nhân dân”!
“Không biết tình hình này tiếp diễn đến bao giờ?
Dịch bệnh Covid-19 không những ảnh hưởng đến giáo dục mà còn ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác, làm đảo lộn cuộc sống hàng triệu người", thầy Khang băn khoăn.
Trước tình hình trên, Hiệu trưởng trường Marie Curie đề xuất, đối với kỳ thi THPT quốc gia năm 2020, Bộ GD-ĐT có thể xem xét và quyết định chỉ thi các môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; bỏ các bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.
Nội dung đề thi năm nay cũng cần có những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Năm nay khi chưa xảy ra dịch bệnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương không công bố đề minh hoạ kỳ thi quốc gia.
Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh phức tạp khiến học sinh tiếp tục phải nghỉ học như hiện nay, thầy Khang cho rằng, Bộ cần cân nhắc, xây dựng và sớm ban hành đề minh hoạ các môn thi, giúp học sinh và các nhà trường có kênh tham khảo chính thức để ôn tập và yên tâm về định hướng ra đề trong năm học “đặc biệt” này.
Về kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020-2021 ở Hà Nội, thầy Nguyễn Xuân Khang cũng kính đề nghị Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung xem xét, sửa quyết định về kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020 – 2021.
Theo đó, chỉ thi các môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; bỏ môn thi thứ tư, là một trong các môn Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa, Giáo dục công dân (được chọn ngẫu nhiên vào cuối tháng 3)."
Trao đổi với báo chí về việc này, thầy Khang cho biết những đề xuất này xuất phát từ tình hình thực tế và mong muốn giảm áp lực cho giáo viên, học sinh cuối cấp, giúp người dân yên tâm, đồng lòng chống dịch.
“Kỳ thi quốc gia năm 2019 và kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020 của Thành phố Hà Nội thật sự thành công, trong “thời bình”. Việc đề xuất ý kiến này là trong tình hình đặc biệt chống dịch Covid-19, “thời chiến”! Những năm sau, “thời bình”, xã hội có điều kiện thuận lợi, các kỳ thi nói trên sẽ được tổ chức “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, thầy Khang nói.