Dù virus corona không thực sự ảnh hưởng tới hầu hết trẻ nhỏ, nhưng liệu các thai phụ bị nhiễm bệnh có thể truyền virus sang con hay không?
Các chuyên gia nêu lên mối lo ngại về việc "lây truyền dọc từ mẹ sang trẻ sơ sinh" có thể xảy ra sau khi một trẻ nhỏ đã được xác định nhiễm COVID-19 chỉ 30 tiếng sau khi ra đời.
Để nghiên cứu thêm về vấn đề này, các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Vũ Hán và Bệnh viện Công đoàn Vũ Hán đã nghiên cứu 4 phụ nữ mang thai bị nhiễm COVID-19. Tất cả đều được chẩn đoán mắc bệnh trong 3 tháng cuối của thai kỳ, và mỗi người sinh ra một đứa trẻ đủ tháng.
Tất cả những đứa trẻ sơ sinh được cách ly khỏi mẹ ngay sau khi sinh và được nuôi bằng sữa ngoài. Các bác sĩ đã tiến hành xét nghiệm axit nucleic cho 3 trong số các em bé, trong khi gia đình em bé còn lại không đồng ý làm xét nghiệm.
Cả ba đều cho kết quả âm tính, và không có em bé nào, kể cả đứa trẻ chưa được kiểm tra, cho thấy có các triệu chứng như sốt hoặc ho.
Kết quả nghiên cứu hôm thứ Hai phù hợp với báo cáo từ hai nhóm nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Dịch thuật nhi khoa vào ngày 10/2 và tuần san The Lancet vào ngày 12/2. Mỗi nhóm nghiên cứu 9 bà mẹ và trẻ sơ sinh của họ ở tỉnh Hồ Bắc và không tìm thấy bằng chứng cho thấy virus có thể vượt qua nhau thai và lây nhiễm cho em bé trong thai kỳ.
Nghiên cứu trên The Lancet cũng đã nghiên cứu nước ối, máu cuống rốn và sữa mẹ, ngoài việc kiểm tra axit nucleic cho trẻ sơ sinh, tất cả đều cho kết quả âm tính.
Các tác giả của nghiên cứu mới nhất đã thừa nhận rằng xét nghiệm axit nucleic không phải lúc nào cũng đáng tin cậy trong chẩn đoán COVID-19.
Dữ liệu hiện tại cho thấy thử nghiệm này chỉ chính xác trong 70% các trường hợp, nhóm nghiên cứu cho biết trong bài báo của họ. Do đó, độ tin cậy của xét nghiệm chẩn đoán nên được đánh giá cao hơn, đặc biệt là đối với trẻ em.
Cho đến nay, các tài liệu không chỉ ra vai trò lây truyền từ mẹ sang con khi mang thai hoặc sinh nở", bác sĩ nhi khoa Megan Freeman tại Đại học Y khoa Pittsburgh, cho biết. "Một số trẻ sơ sinh đã mắc phải COVID-19 sau khi được sinh ra, nhưng điều đó rất có thể là qua các giọt hô hấp hoặc tiếp xúc gần gũi với các thành viên gia đình bị nhiễm bệnh".
Các chuyên gia nói rằng vì có rất ít trường hợp trẻ sơ sinh được sinh ra từ các bà mẹ bị nhiễm COVID-19, nên rất khó có thể đưa ra kết luận chắc chắn.
Nhau thai có thể ngăn cản nhiều loại virus, bao gồm cả HIV, tiếp xúc với thai nhi, nhưng nó không phải là một hệ thống hoàn hảo: Một số mầm bệnh như virut rubella có thể lây qua và lây nhiễm cho thai nhi.
"Vẫn còn nhiều điều để tìm hiểu về những gì cho phép một số mầm bệnh xâm nhập và ngăn chặn các mầm bệnh khác", Freeman chỉ ra.