Củng cố nền tảng vững chắc của quan hệ Singapore-Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan về ý nghĩa của chuyến thăm Singapore của Thủ tướng Phạm Minh Chính và triển vọng quan hệ hai nước trong tương lai.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. (Ảnh: VOV)
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. (Ảnh: VOV)

Nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có chuyến thăm Singapore từ ngày 8-10/2, phóng viên TTXVN tại Singapore đã có cuộc trao đổi với Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan về ý nghĩa của chuyến thăm lần này và triển vọng quan hệ hai nước trong tương lai.

- Năm 2023 đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Singapore. Ngoại trưởng đánh giá như thế nào về hiệu quả của mối quan hệ Việt Nam-Singapore trong nửa thế kỷ qua và đặc biệt là trong 10 năm gần đây? Hai nước cần làm gì để quan hệ hợp tác song phương có thể đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của mỗi quốc gia?

Ngoại trưởng Vivian Balakrishnan: Mối quan hệ giữa Singapore và Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ kể từ khi chúng ta thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 50 năm.

Chúng ta là bạn bè lâu đời và là đối tác thân thiết, hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, cả trên bình diện song phương và tại các diễn đàn đa phương. Tôi vui mừng vì mối quan hệ song phương đã tiếp tục mở rộng và phát triển để giải quyết những thách thức mới trong thập kỷ qua.

Mối liên kết của chúng ta đặc biệt mạnh mẽ trong thương mại và đầu tư. 12 khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) trên khắp ba miền Bắc, Trung và Nam của Việt Nam đã thu hút 17 tỷ USD vốn đầu tư và tạo ra hơn 300.000 việc làm.

VSIP là một biểu tượng lâu dài của quan hệ đối tác song phương của chúng ta, được xây dựng trên tình hữu nghị thân thiết và các cuộc tham vấn giữa cố Thủ tướng Lý Quang Diệu và cố Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt, người đã đề nghị Thủ tướng Lý Quang Diệu tư vấn cho Việt Nam về việc mở cửa kinh tế vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990.

Ngay cả khi chúng ta tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống như thương mại và đầu tư, vẫn còn nhiều cơ hội hợp tác cùng nhau trong các lĩnh vực tăng trưởng mới như nền kinh tế kỹ thuật số, năng lượng tái tạo, tín chỉ carbon, tài chính xanh, an ninh mạng và cơ sở hạ tầng bền vững.

Tôi khuyến khích các bên quan tâm khám phá hợp tác trong các lĩnh vực này để thiết lập các quan hệ đối tác cùng có lợi nhằm thúc đẩy lợi ích của cả hai nước.

- Theo Ngoại trưởng, chuyến thăm Singapore của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính có ý nghĩa như thế nào và mở ra triển vọng gì cho quan hệ hợp tác Việt Nam-Singapore trong thời gian tới?

Ngoại trưởng Vivian Balakrishnan: Chúng tôi nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính lần đầu tiên thăm chính thức Singapore. Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính càng có ý nghĩa khi chúng ta kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Singapore trong năm nay.

Thủ tướng Lý Hiển Long cũng đã nhận lời mời thăm Việt Nam của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Chúng tôi tin tưởng rằng Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có chuyến thăm Singapore hiệu quả và tốt đẹp.

Tới đây, tôi muốn nêu bật hai lĩnh vực mà Singapore và Việt Nam có nhiều cơ hội hợp tác chặt chẽ hơn. Trước hết, chúng ta cần đẩy mạnh hợp tác trong nền kinh tế kỹ thuật số.

Đây là ưu tiên của cả Singapore và Việt Nam, và bao gồm nhiều lĩnh vực mới như an ninh mạng, luồng dữ liệu xuyên biên giới, thành phố thông minh, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo và thanh toán kỹ thuật số.

Đại dịch COVID-19 đã làm nổi bật vai trò quan trọng của thương mại kỹ thuật số và thương mại điện tử trong việc đảm bảo khả năng chống đỡ của chuỗi cung ứng và tính liên tục của hoạt động kinh doanh.

Trong một loạt cuộc trao đổi cấp cao vào năm ngoái, lãnh đạo hai bên cũng nhất trí về tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác trong chuyển đổi số.

Thứ hai là phát triển bền vững. Giống như COVID-19, biến đổi khí hậu là một vấn đề toàn cầu, chỉ có thể được giải quyết thông qua nỗ lực chung của các chính phủ và người dân trên toàn thế giới.

Singapore mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, tín chỉ carbon và cơ sở hạ tầng bền vững với mục tiêu đầy tham vọng là đạt được mức phát thải carbon bằng không vào năm 2050.

Củng cố nền tảng vững chắc của quan hệ Singapore-Việt Nam ảnh 1
Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

- Trong cuộc gặp nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 ở Campuchia tháng 11/2022, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nhất trí chỉ đạo các bộ, ngành liên quan của hai nước nghiên cứu xây dựng khuôn khổ “Quan hệ Đối tác kinh tế số - kinh tế xanh” giữa hai nước. Ông đánh giá như thế nào về triển vọng hợp tác song phương trong các lĩnh vực này?

Ngoại trưởng Vivian Balakrishnan: Như đã đề cập trước đó, có nhiều tiềm năng cho cả hai nước chúng ta hợp tác trong hai lĩnh vực này.

Tôi nhớ lại rằng trong chuyến thăm Việt Nam lần trước của tôi vào tháng 6/2021, hai bên đã nhất trí thành lập Nhóm làm việc về kinh tế kỹ thuật số để xác định các lĩnh vực hợp tác hữu ích. Kể từ đó, chúng ta đã đặt nền móng để làm việc cùng nhau.

Đầu tiên, vào tháng 2/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông Singapore đã ký kết Biên bản ghi nhớ về kinh tế kỹ thuật số. Tiếp theo đó, vào tháng 10/2022, Biên bản ghi nhớ về hợp tác an ninh mạng, tội phạm mạng, luồng dữ liệu và bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được ký kết giữa Bộ Thông tin và Truyền thông Singapore với Bộ Công an Việt Nam.

Tôi tin chắc rằng những sự hợp tác này sẽ đem lại kết quả cụ thể, xét đến mối quan tâm chung của chúng ta trong việc khai thác tiềm năng của nền kinh tế kỹ thuật số nhằm cải thiện cuộc sống của người dân hai nước chúng ta.

Tôi được biết rằng bản thân Thủ tướng Phạm Minh Chính là người đóng vai trò tích cực với tư cách Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về chuyển đổi số và biến đổi khí hậu, và mục tiêu đặt ra là nền kinh tế số của Việt Nam sẽ đóng góp 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2025.

Việt Nam rất mong muốn xây dựng một chính phủ điện tử, xã hội điện tử và dân số kỹ thuật số. Tương tự, Chiến lược Quốc gia thông minh của Singapore nhằm mục đích xây dựng một nền kinh tế kỹ thuật số, chính phủ kỹ thuật số và xã hội kỹ thuật số, với mọi ngành, doanh nghiệp và cơ quan chính phủ thúc đẩy quá trình số hóa toàn quốc.

Đối với nền kinh tế xanh, cả Singapore và Việt Nam đều đặt mục tiêu đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Cả hai quốc gia cũng mong muốn hợp tác để khai thác năng lượng tái tạo vì một tương lai bền vững hơn.

Việt Nam có rất nhiều gió và ánh sáng mặt trời, có thể khai thác để tạo ra năng lượng tái tạo cho cả tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sang các nước khác.

Trong khu vực, đã có Dự án Tích hợp Điện lực Lào-Thái Lan-Malaysia-Singapore (LTMS PIP), và có nhiều cơ hội để các quốc gia trong khu vực hợp tác cùng nhau nhằm hiện thực hóa một mạng lưới điện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Giữa Singapore và Việt Nam có nhiều lĩnh vực mà hai bên có thể bổ sung cho nhau trong kinh tế kỹ thuật số và kinh tế xanh và còn nhiều hơn thế nữa mà hai nước chúng ta có thể làm cùng nhau.

Chúng tôi mong được đón Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Singapore. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để cả hai nước tái khẳng định mối quan hệ tuyệt vời của chúng ta, đánh giá sự hợp tác của chúng ta và thảo luận về các cách thức thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược khi chúng ta cùng nhau hợp tác để tạo ra một tương lai xanh và bền vững hơn cũng như một Đông Nam Á hòa bình và thịnh vượng.

- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./.

Theo TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.