Đảng chính trị của ông Najib, Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất (UMNO), đã giành được vị trí thủ tướng hồi tháng trước sau khoảng thời ba năm suy yếu vì một vụ bê bối tham nhũng hàng tỷ USD.
Nhiều người phản đối đã bày tỏ lo ngại rằng các quan chức hàng đầu của đảng UMNO, hiện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, có thể được khoan hồng sau khi đảng này giành lại được quyền kiểm soát.
Ông Najib – người từng giữ chức Thủ tướng Malaysia trong 9 năm, đã bị kết tội tham nhũng hồi năm ngoái, và bị kết án 12 năm tù liên quan tới bê bối biển thủ hàng tỷ USD của Quỹ Đầu tư nhà nước Malaysia (1MDB).
Vị cựu Thủ tướng Malaysia sau đó đã phủ nhận các hành vi sai trái và kháng cáo bản án trên, đồng thời kêu gọi triển khai một cuộc điều tra về việc truy tố nhằm vào ông bởi cho rằng đằng sau đó có động cơ chính trị.
Ông hiện vẫn là một thành viên của quốc hội Malaysia nhưng theo quy định của hiến pháp nước này, ông sẽ không thể tham gia các cuộc bầu cử trừ khi được nhận lệnh tha bổng hoặc ân xá từ quốc vương.
Trong một cuộc phỏng vấn hôm Thứ Bảy, ông Najib bình luận trước việc bị cho là không có đủ tư cách để tham gia tranh cử, rằng: "Nó còn tùy theo cách giải thích."
"Điều này phụ thuộc vào cách giải thích dựa trên luật, hiến pháp và những gì xảy ra trong quá trình tố tụng tại toà án", ông Najib cho biết.
Khi được hỏi về khả năng tham gia trong cuộc bầu cử tiếp theo vào năm 2023, cựu Thủ tướng Malaysia đáp rằng: "Các chính trị gia muốn đóng góp một vai trò nào đó thì đều cần có một vị trí trong quốc hội."
Tuy nhiên, ông Najib đã từ chối nêu rõ làm cách nào để vượt qua các rào cản hiến pháp.
Lòng tin của công chúng
Đảng UMNO, từng nắm quyền hơn 60 năm và chỉ bị mất quyền lực sau vụ bê bối 1MDB, đang mong muốn lấy lại lòng tin của công chúng dưới thời Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob. Chính phủ của ông Ismail dù mới được thành lập nhưng cũng đang phải giải quyết các cuộc đấu đá phe phái trong nội bộ Malaysia.
Cựu Thủ tướng Najib cũng đã thực hiện các hoạt động nhằm đẩy mạnh tương tác với công chúng, từ đó xây dựng lại hình ảnh của bản thân với tư cách là một chính trị gia ưu tú của nhân dân. Ông ấy hiện vẫn được xem là một nhân vật nổi tiếng, có sức ảnh hưởng và được tán dương trên mạng xã hội khi từng nhiều lần công khai chỉ trích các hoạt động chính phủ trong quá khứ.
Ông Najib cũng cho biết ông và thủ tướng đương nhiệm đã từng trao đổi về một vị trí cho ông trong chính phủ mới. Một số hãng tin cho biết ông Najib có thể đã được chọn làm cố vấn kinh tế trong chính quyền Thủ tướng Ismail.
Tuy nhiên, vị cựu thủ tướng Malaysia không xác nhận rằng ông sẽ chấp nhận một vị trí trong chính quyền mới, ông cho biết ưu tiên hiện tại của bản thân là lấy lại danh dự cho chính mình.
Ông Najib nhận định rằng việc đảng UMNO trở lại nắm quyền sẽ đảm bảo "sự ổn định chính trị trong ngắn hạn", và cho biết ông sẽ không kêu gọi tổ chức bầu cử sớm, giống như đã từng làm với cựu Thủ tướng Muhyiddin Yassin. Chính phủ của ông Muhyiddin đã sụp đổ sau khi ông Najib và một số nhà lập pháp trong đảng UMNO công khai tuyên bố sẽ không tiếp tục ủng hộ.
Kể từ cuộc bầu cử năm 2018, Malaysia đã bị rơi vào tình trạng bất ổn chính trị kéo dài khi chứng kiến hai liên minh sụp đổ vì vấn đề đấu đá trong nội bộ.
Rào cản hiến pháp
Ứng cử viên Najib trong tương lai nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với một rào cản được hiến định rằng bất kỳ người nào bị kết án tù hơn một năm hoặc bị phạt hơn 2.000 ringgit (480 USD) sẽ không đủ tư cách tham gia tranh cử vào quốc hội.
Luật sư New Sin Yew cho biết ông Najib sẽ chỉ có thể tranh cử nếu như ông ấy có thể kháng cáo thành công, nhận được lệnh ân xá của hoàng gia, hoặc được nhà vua xóa bỏ điều kiện “không đủ tư cách tranh cử” bất chấp tội danh vẫn được giữ nguyên.
Giới trách Malaysia và Mỹ cho biết hơn 4,5 tỷ USD đã bị biển thủ từ quỹ 1MDB, một phần trong khoản tiền đó thậm chí còn được chuyển thẳng vào tài khoản ngân hàng cá nhân của ông Najib. Bộ Tư pháp Mỹ từng bình luận rằng đây vụ bê bối là "vụ việc tham nhũng chính trị tồi tệ nhất".
Cựu Thủ tướng Najib – hiện đang phải đối mặt với hơn 40 cáo buộc lạm dụng quyền lực, rửa tiền và các tội danh khác chủ yếu liên quan đến vụ tham ô thông qua quỹ 1MDB, khẳng định ông ấy sẽ chứng minh được sự vô tội của mình ngay cả khi nhiều tổ chức và cá nhân trên khắp thế giới đã thừa nhận tội danh, phải chịu các hình phạt và bồi hoàn khoản tiền thất thoát trong vụ bê bối. .
Các công tố viên Malaysia cho biết cựu Thủ tướng Najib– người đồng sáng lập quỹ 1MDB vào năm 2009, là cá nhân chịu trách nhiệm chính trong vụ việc.
Kể từ thất bại trong cuộc bầu cử của ông Najib, Mỹ đã hoàn trả lại cho Malaysia hơn 1 tỷ USD – khoản tiền mà nước này thu hồi được từ tài sản được mua bằng tiền tham ô quỹ 1MDB.
Ông Najib cho biết các cáo buộc chống lại ông có động cơ chính trị và ông đang kêu gọi thành lập một ủy ban điều tra hoàng gia (RCI) để xem xét, đánh giá trách nhiệm của cựu Bộ trưởng Tư pháp Tommy Thomas – người đầu tiên tiến hành các vụ kiện chống lại ông Najib vào năm 2018.
"Tôi đã từng khẳng định vấn đề này. RCI khi được thành lập muốn sẽ là một phiên tòa xét xử công bằng cho tất cả mọi người, không chỉ cho cá nhân tôi", ông Najib nhấn mạnh.
Ông Najib cho biết ông đã thảo luận đề xuất này với Thủ tướng Ismail Sabri nhưng đến nay ông ấy vẫn chưa đồng ý, còn ông Muhyiddin thì đã bày tỏ quan điểm phản đối khi ông đưa ra đề xuất trên.
Người phát ngôn của Thủ tướng Ismail Sabri và cựu Thủ tướng Muhyiddin đều đã từ chối trả lời về vấn đề này.