Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam cho biết, Đà Nẵng đang đối mặt với các tác động của biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp. Đặc biệt, những năm gần đây, mưa cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều. Qua đó, thành phố thấy rõ được bất cập về cao trình nền và hệ thống thoát nước trên địa bàn.
UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai các giải pháp khắc phục tình trạng ngập úng. Một trong những giải pháp trọng tâm, then chốt mang tính ổn định lâu dài là hoàn thành xây dựng, phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chuyên ngành cao độ nền và thoát nước mặt đô thị thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên lập, dự kiến hoàn thành trong tháng 7/2024, trên cơ sở kế thừa kết quả nghiên cứu của các quy hoạch liên quan (quy hoạch chung, quy hoạch thoát nước thành phố...).
Theo ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng, mục tiêu của Đồ án nhằm xác định được các giải pháp quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt hợp lý; giải quyết tình trạng ngập úng, ngập lụt, cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Đồ án cũng là cơ sở để quản lý nhà nước trong các hoạt động quản lý cao độ nền đô thị, hành lang thoát lũ, chống ngập lụt, ngập úng, thoát nước mặt và đầu tư xây dựng các dự án trên địa bàn.
Đồ án xác định các giải pháp quy hoạch cao độ nền, thoát nước mặt hợp lý và xác định cao trình xây dựng khống chế của từng khu vực xây dựng cụ thể, các đường phố chính cấp đô thị có xét đến tác động biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng theo quy hoạch chung được duyệt. Ngoài ra, Đồ án xác định chỉ tiêu, thông số cơ bản, các lưu vực thoát nước; mạng lưới thoát nước cấp 1, cấp 2, kênh, hồ điều hòa và các nguồn tiếp nhận khác; vị trí, quy mô các công trình đầu mối tiêu thoát chính; các giải pháp phòng, chống thiên tai có lồng ghép yếu tố biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng.
Đồ án cũng xác định hành lang thoát lũ cho các sông trên địa bàn, ứng với tần suất thiết kế 1%, 2%; xác định cao độ mực nước lũ của các sông, ứng với tần suất lũ 1%, 2%, 5%, 10%, với bề rộng sông phù hợp; xác định sơ bộ khối lượng đào, đắp của các khu vực; xác định các chương trình và dự án đầu tư ưu tiên; xác định tổng mức đầu tư và phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn quy hoạch...
Đưa ra ý kiến trong việc triển khai Đồ án, Phó Giáo sư. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết, Đồ án cần làm rõ các khu vực được giữ nguyên cao độ nền, khu vực có sự thay đổi. Đối với khu vực không đáp ứng được tần suất tính toán 1%, cần bổ sung giải pháp “sống chung” với ngập nước khi mưa quá lớn. Trong các lưu vực thoát nước, hồ điều hòa đóng vai trò quan trọng nhưng Đồ án điều chỉnh chưa làm rõ được vai trò góp phần chứa, điều tiết nước mưa khi có mưa lớn của các hồ này. Ngoài ra, những khu vực bố trí công viên, vườn hoa, mảng cây xanh, mặt nước... cần được tận dụng làm nơi chứa nước mưa tạm thời, làm giảm ngập úng, thoát nước bền vững cho đô thị./.