Đắk Lắk chi hơn 20 tỷ đồng để bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên với 49 dân tộc anh em sinh sống, có thế mạnh về cồng chiêng, tỉnh Đắk Lắk đã lên kế hoạch bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng giai đoạn 2022-2025 với kinh phí hơn 20 tỷ đồng.
Đắk Lắk chi hơn 20 tỷ đồng để bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” vào năm 2008. Nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên với 49 dân tộc anh em sinh sống, có thế mạnh về cồng chiêng, tỉnh Đắk Lắk đã lên kế hoạch bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng giai đoạn 2022-2025 với kinh phí hơn 20 tỷ đồng.

Theo thống kê, tỉnh Đắk Lắk hiện có 2.089 bộ chiêng, trong đó có 1.645 bộ chiêng Êđê, 319 bộ chiêng M’nông, 118 bộ chiêng Jrai, 5 bộ chiêng Xơ đăng, 4 bộ chiêng Mường, 3 bộ chiêng Vân Kiều, 3 bộ chiêng Thái và 1 bộ chiêng Ba Na. Tỉnh có 3.855 nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng, 186 nghệ nhân hát kể sử thi, 393 nghệ nhân chỉnh chiêng, 635 nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng, 568 nghệ nhân chế tác nhạc cụ dân tộc, 370 nghệ nhân tạc tượng…

Để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng, các cấp, ngành, địa phương tại tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng, cấp chiêng và trang phục truyền thống, phục dựng các nghi lễ, lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với diễn tấu cồng chiêng. Bên cạnh đó, tỉnh còn tổ chức nhiều hoạt động, chương trình ngoại giao, giao lưu văn hóa cồng chiêng, xét tặng danh hiệu và vinh danh nghệ nhân dân gian.

Tuy nhiên, văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang có nguy cơ mai một, thất truyền. Nhiều nơi, cồng chiêng không còn mang ý nghĩa linh thiêng mà trở thành vật mua bán, trao đổi. Đa số các nghệ nhân đều có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp, tuổi cao sức yếu.

Trong thời gian tới, để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng, tỉnh Đắk Lắk tăng cường tổ chức tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa cồng chiêng trên các phương tiện thông tin đại chúng; phục dựng các lễ hội truyền thống tiêu biểu gắn với sinh hoạt văn hóa cồng chiêng. Tỉnh xây dựng mô hình điểm buôn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng; nghiên cứu, sưu tầm, phục hồi, truyền dạy và nâng cao hiệu quả sử dụng các bài chiêng cổ của dân tộc Êđê, M’nông trong sinh hoạt cộng đồng.

Cùng với đó, tỉnh cấp chiêng, trang phục, hỗ trợ bàn ghế, âm thanh, ánh sáng cho nhà văn hóa cộng đồng, đội chiêng và đội văn nghệ của buôn đồng bào dân tộc thiểu số để duy trì sinh hoạt; thăm hỏi, động viên nghệ nhân vào dịp kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam, Tết Nguyên đán. Song song với các hoạt động trên, tỉnh hệ thống hóa tư liệu văn hóa cồng chiêng và hình ảnh các bộ chiêng cổ; tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng, hát kể sử thi, dân ca, dân vũ, chế tác nhạc cụ dân tộc trong các trường dân tộc nội trú...

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Đặng Gia Duẩn, giai đoạn 2022-2025, tỉnh từng bước khôi phục không gian văn hóa cồng chiêng trong đời sống cộng đồng dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, đảm bảo tính kế thừa, gìn giữ, phát huy có hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2025, tất cả các buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có đội chiêng và đội văn nghệ; 15/15 huyện, thị xã, thành phố tổ chức các lớp truyền dạy đánh cồng chiêng, chỉnh chiêng, tổ chức phục dựng nghi lễ, lễ hội truyền thống gắn với các hoạt động bảo tồn văn hóa cồng chiêng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.