Đắk Lắk: Nhà máy mía đường 333 chạy thử 'chui' gây ô nhiễm

Vừa qua Công ty cổ phần mía đường 333 (Cty 333) đã đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất đường. Tuy nhiên việc vận hành chạy thử chưa được cấp có thẩm quyền kiểm tra chấp thuận hoàn thiện công trình, biện pháp bảo vệ môi trường nhưng Cty 333 vẫn đưa nhà máy vào hoạt động xả khói bay mịt mù trời.
 
Khói bụi nhà máy sản xuất đường thải ra mịt mù trời.
Khói bụi nhà máy sản xuất đường thải ra mịt mù trời.

Việc chạy thử dây chuyền sản xuất đường mới đã được Cty 333 thực hiện hơn 2 tuần qua. Thế nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Lắk mới nhận được hồ sơ xin phép của công ty này vào ngày 28/1/2018 và đang xử lý. Nghĩa là công ty cổ phần mía đường 333 đang vận hành “chui”.

Người dân sống xung quanh nhà máy tại thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar, Đắk Lắk phản ánh: Từ khi nhà máy chạy thử đã xả khói bay mịt mùng trời gây ô nhiễm không khí khu vực thị trấn. Hơn nữa mùi nước thải từ khu vực nhà máy của Cty 333 bốc lên gây mùi khó chịu.

Đắk Lắk: Nhà máy mía đường 333 chạy thử 'chui' gây ô nhiễm ảnh 1 Ông Đoàn Ngọc Sơn – Tổng giám đốc công ty mía đường 333 (áo xanh) không đồng ý cho phóng viên khảo sát thực tế nhà máy và hệ thống xử lý nước thải.

Làm việc với Chi cục Bảo vệ môi trường Đắk Lắk được biết: Đơn vị vừa tổ chức kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại nhà máy sản xuất đường của công ty này vào tháng 7/2017. Ông Nguyễn Hoàng Tùng – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Đắk Lắk cho biết: Lúc kiểm tra Cty 333 đang sửa chữa nâng cấp nhà máy thay thế dây chuyền cũ bằng dây chuyền mới nâng công suất chế biến đường từ 2.500 tấn mía ngày đêm lên 3.500 tấn mía ngày đêm.

Tại thông báo kết luận kiểm tra số 569/TB-STNMT, ngày 1/8/2017 của Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Lắk nêu rõ: Công ty cổ phần mía đường 333 phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Chỉ được phép nâng cấp nhà máy sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và cũng chỉ được phép vận hành nhà máy sau khi đã được kiểm tra xác nhận đã hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định. Tuân thủ đúng, đầy đủ các nội dung bảo vệ môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và yêu cầu của quyết định được phê duyệt.

Thế nhưng thực tế Cty 333 đã vận hành nhà máy khi chưa làm các thủ tục báo cáo cấp có thẩm quyền để kiểm tra xác nhận hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường.

Đắk Lắk: Nhà máy mía đường 333 chạy thử 'chui' gây ô nhiễm ảnh 2 Nhà máy sản xuất đường thuộc Công ty cổ phần mía đường 333 đang vận hành chui gây khói bụi.

Ông Nguyễn Hoàng Tùng xác định: Việc công ty vận hành nhà máy khi chưa được cấp có thẩm quyền xác nhận là sai. Nếu hoạt động không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường gây ô nhiễm, xả khói bụi thì càng sai. Việc người dân phản ánh nhà máy xả khói bụi, nước thải bốc mùi khó chụi là đúng thực tế.

Làm việc với phóng viên, ông Đoàn Ngọc Sơn – Tổng giám đốc Công ty cổ phần mía đường 333 lý giải cho việc vận hành nhà máy “chui” của mình là vì sức ép vụ mía nên công ty đã vận hành cho kịp thời vụ rồi mới làm hồ sơ báo cáo các cơ quan. Rõ ràng trong trường hợp này, Ban lãnh đạo Cty 333 đã cố tình không chấp hành các quy định của pháp luật về việc xác nhận hoàn thành các công trình và biện pháp bảo vệ môi trường trước khi vận hành mặc cho đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Lắk đã kiểm tra và nêu rõ tại thông báo kết luận yêu cầu thực hiện trước khi đưa dây chuyền mới vào vận hành.

Về việc người dân phản ánh nhà máy hoạt động xả khói mịt mùng, mùi hôi trong nhà máy phát tán ra môi trường gây khó chịu cho người dân được ông Sơn giải thích là do nhà máy đang trong quá trình chạy thử, chưa ổn định nên mới bị như vây.

Song khi phóng viên đề nghị được khảo sát thực tế nhà máy và hệ thống xử lý nước thải để chứng tỏ nhà máy hoạt động không gây ô nhiễm môi trường thì ông Đoàn Ngọc Sơn không đồng ý và viện lý do “nhà máy đang vận hành nên khó” cho dù phóng viên tha thiết đề nghị. Điều đáng nói là công ty này có hệ thống tường rào khá cao, mọi hoạt động bên trong không thể nhìn thấy. 

Đắk Lắk: Nhà máy mía đường 333 chạy thử 'chui' gây ô nhiễm ảnh 3 Cột khói bụi nhà máy mía đường thải ra môi trường cách hàng km vẫn nhìn thấy rõ.

Hành vi coi thường pháp luật, bỏ qua những yêu cầu của cơ quan chức năng trước khi đưa dây chuyền mới vào hoạt động của Công ty cổ phần mía đường 333 cần phải được xử lý nghiêm để làm gương cho những chủ doanh nghiệp khác. Trước đó, vào tháng 1/2017 Công ty cổ phần mía đường 333 đã bị Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường xử phạt vi phạm hành chính 50 triệu đồng.

Theo Báo Tài Nguyên và Môi Trường

Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.
Ban lãnh đạo Viettel chúc mừng đồng chí Cao Anh Sơn và đồng chí Nguyễn Đạt được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc
(Ngày Nay) - Sáng 2/11, tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định số 420/QĐĐ-BQP và Quyết định số 468/QĐĐ-BQP ngày 1/11/2024 về việc bổ nhiệm cán bộ cho Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).