Hôm nay, ông Hòa Quang Khiêm - Chủ tịch UBND huyện M’Đrắk (Đắk Lắk) cho biết, đang tích cực vận động người dân tại một số xã di dời người, tài sản khỏi những điểm có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống; gấp rút triển khai công tác ứng phó với tình hình lũ lụt.
Theo ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của huyện, nhiều ngày qua, trên địa bàn xuất hiện mưa lớn kéo dài, khiến mực nước tại các sông, suối dâng cao gây ngập cầu, cống, chia cắt giao thông tại một số thôn, buôn.
Đặc biệt, tại xã Cư Prao, lượng mưa đo được hơn 190mm. Mưa lớn đã cuốn trôi cầu tràn liên hợp ngầm Ea Mlay khiến các buôn Zô, buôn Năng, buôn Pa và thôn Đắk Phú bị chia cắt hoàn toàn, người dân không thể đi lại. Ngoài ra, các điểm ngầm tại thôn 2, thôn 5 của xã cũng bị ngập nặng, không thể đi lại; ngầm thôn 4 bị nước xoáy sâu vào mặt đường gây ra hiện tượng sạt lở.
Mưa lũ gây ngập tại tỉnh Đắk Lắk |
Huyện M’Đrắk đã tổ chức lực lượng gác chặn, thường xuyên kiểm tra, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, trực 24/24 để kịp thời báo cáo hiện trạng công trình nhằm giảm thiểu thiệt hại về tài sản của nhà nước và nhân dân. Bên cạnh đó, huy động lực lượng sửa chữa cầu dân sinh, làm cầu tạm để thông tuyến tạm thời cho người dân đi lại, sinh hoạt.
Theo Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Lắk, do ảnh hưởng của cơn bão số 12, từ tối 3/11 trên địa bàn tỉnh này sẽ có mưa nhiều nơi, riêng khu vực phía Đông tỉnh có mưa vừa, mưa to đến rất to.
Các tỉnh Tây Nguyên đã có công điện khẩn chỉ đạo ứng phó với bão số 12, tránh thiệt hại về người và tài sản. |
Các sông trên lưu vực Sêrêpốk, Krông Năng có khả năng xảy ra một đợt lũ vừa đến lũ lớn. Mực nước đỉnh lũ tại trạm Giang Sơn, Bản Đôn có thể đạt từ báo đông 2 đến báo động 3. Các địa phương cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng ở vùng trũng. Cùng ngày, UBND các tỉnh Gia Lai, Kon Tum cũng đã có công điện khẩn chỉ đạo chủ động ứng phó với ảnh hưởng của cơn bão số 12 theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Các tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, địa phương và toàn thể nhân dân theo dõi chặt chẽ thông tin diễn biến của bão số 12, diễn biến mưa lũ, cảnh báo kịp thời đến người dân để chủ động phòng tránh; tổ chức trực ban 24/24 giờ, chủ động triển khai phòng, ứng phó với mưa bão trên địa bàn; thực hiện nghiêm túc phương châm 4 tại chỗ.
Rà soát, nắm chắc số lượng phương tiện, vật tư dự phòng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, lụt bão ở địa phương và có phương án huy động phương tiện, lực lượng để ứng cứu kịp thời khi có sự cố thiên tai xảy ra.
Theo Vietnamnet