Đảm bảo hài hoà lợi ích trong quản lý chất lượng nước sinh hoạt tại đô thị

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Ngày 15/12, Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Thực trạng quản lý chất lượng nước sinh hoạt tại đô thị hiện nay".
Quang cảnh tọa đàm.
Quang cảnh tọa đàm.

Tham dự buổi tọa đàm có PGS.TS Bùi Thị An - Nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng; PGS. TS Phạm Ngọc Châu - Nguyên Chủ nhiệm khoa Vệ sinh Quân đội, Học viện Quân y; Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam Nguyễn Văn Vẻ; Chuyên viên Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường Ths. Nguyễn Thu Phương và Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Nhà báo Khánh Toàn – Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống chia sẻ, thực tế, hiện nay tại một số khu vực đô thị vẫn bị thiếu nước sạch hoặc chất lượng nước chưa đảm tiêu chuẩn theo quy định, do đó đã ảnh hưởng không nhỏ tới sức khoẻ cũng như cuộc sống của người dân. Các đô thị đã được quy hoạch rất cụ thể và rõ ràng từ cơ sở hạ tầng cho đến mạng lưới cấp, thoát, nhưng thời gian qua vẫn có tình trạng một số khu đô thị bị thiếu nước sạch, hoặc chất lượng nước không đảm bảo vẫn cung cấp cho người dân sử dụng.

Chất lượng nước của một số trạm cấp nước quy mô nhỏ tại khu đô thị mới, khu chung cư hay tại giếng khoan khai thác quy mô nhỏ lẻ còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu quy định như: chỉ số clo dư thấp, ô nhiễm asen, amoni, chỉ tiêu vi sinh và một số chỉ tiêu khác. Mạng lưới đường ống cấp nước đô thị trải qua nhiều giai đoạn đầu tư đã cũ, rò rỉ, gây tỷ lệ thất thoát nước cao, thậm chí có thể có sự xâm nhập của chất thải. Hay công tác kiểm định giám sát chất lượng nước sạch chưa thực hiện nghiêm. Vì vậy, việc bảo đảm nguồn nước sạch cho người dân tại các đô thị đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết.

"Tạp chí Môi trường và Cuộc sống tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Thực trạng quản lý chất lượng nước sinh hoạt tại đô thị hiện nay” nhằm trao đổi, ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý về thực trạng quản lý chất lượng nước sinh hoạt trong các khu đô thị, chất lượng nguồn nước và những hệ lụy do thiếu nước sinh hoạt ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và môi trường. Ban biên tập rất mong muốn nhận được ý kiến đóng góp từ quý độc giả, cùng các câu hỏi gửi về giao lưu cùng các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về vấn đề chất lượng nước sinh hoạt tại các đô thị hiện nay, ông Toàn cho biết thêm.

Đảm bảo hài hoà lợi ích trong quản lý chất lượng nước sinh hoạt tại đô thị ảnh 1

Nhà báo Khánh Toàn – Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống.

Tuân thủ quy chuẩn về chất lượng nước vẫn còn bỏ ngỏ

Theo số liệu thống kê của Uỷ ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường Quốc hội, đến tháng 6/2023, cả nước có khoảng 4.500 hệ thống công trình cho cả đô thị và nông thôn với công suất đến khoảng 11 triệu m3, đang khai thác hằng ngày khoảng 8,3 triệu m3, tập trung chủ yếu là khai thác nguồn nước mặt là 87% và nước ngầm là 13%.

Tính đến tháng 6/2022, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 41%, với 883 đô thị. Trong đó giai đoạn 2011-2020 về cấp nước đô thị cơ bản hoàn thành những mục tiêu, định hướng phát triển được đề ra, năm 2020, tổng công suất các nhà máy nước khoảng 10,9tr m3/ngày, tỷ lệ cấp nước đô thị đạt trên 89%; Đến năm 2022 đã tăng tổng công suất các nhà máy nước lên khoảng 12,6 triệu m3/ngày, tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước sạch tăng lên 95%.

Đánh giá về chất lượng nước sinh hoạt hiện nay, PGS.TS Bùi Thị An - Nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng cho hay nhiều khu vực tại đô thị đang phải đối mặt với nỗi lo về chất lượng nước sinh hoạt. Mặc dù đã có những quy chuẩn về chất lượng nước nhưng việc tuân thủ quy chuẩn này vẫn còn bỏ ngỏ.

Đảm bảo hài hoà lợi ích trong quản lý chất lượng nước sinh hoạt tại đô thị ảnh 2
PGS.TS Bùi Thị An - Nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng.

“Chúng ta cần đảm bảo nguồn nước đạt tiêu chuẩn cho người dân. Vấn đề an ninh quốc gia là cần đảm bảo nguồn nước cho người dân trong sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp..., đảm bảo chất lượng nguồn nước cho các khu vực cả thành thị và nông thôn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo đó là công tác quản lý và khoa học công nghệ.

“Công tác quản lý thể hiện ở việc phân cấp quản lý liên vùng, liên quốc gia; Đường ống bị hư hỏng; Dân số tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM tăng quá nhanh. Do đó cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu tăng dân số cơ học. Quản lý công, quản lý dự án, quản lý thi công, quản lý công nghệ, quản lý đầu ra. Do đó chúng ta cần phân cấp triệt để, rõ ràng”,. PGS. TS. Bùi Thị An nhấn mạnh.

Cũng đưa ra nhận xét về chất lượng nước sinh hoạt tại đô thị, PGS. TS Phạm Ngọc Châu cho rằng nguồn nước cung cấp cho đô thị và đặc biệt là Hà Nội rất nan giải.

Theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế nguồn nước cung cấp phải hợp vệ sinh là đảm bảo chất lượng và số lượng. Hiện nay giám sát chất lượng nước đã có các cơ quan chuyên ngành giám sát các chất lượng nguồn nước, tuy nhiên về thực tế, chúng ta nên có hệ thống cảnh báo thường xuyên chứ không phải có vấn đề mới đem mẫu nước đi xét nghiệm. Bên cạnh đó, chỉ số chất lượng nước nên được công khai minh bạch để bên cung cấp nước có thể có những phương pháp nghiên cứu và thay đổi chất lượng nước.

“Đa số các hợp đồng cung cấp nước tại các đô thị đều không có danh mục tiêu chuẩn về chất lượng nước. Cùng với đó hệ thống phân phối nước có vai trò thế nào trong vấn đề chất lượng nước chưa rõ ràng. Hệ lụy của vấn đề nguyên nước vô cùng lớn, có những vấn đề tác động trực tiếp, một là vấn đề về cảm quan khi gặp sự cố về hệ thống phân phối nước sẽ có cặn lắng, bùn đất có thể ảnh hưởng đến vấn đề ăn uống, sinh hoạt của người dân. Vấn đề thứ hai là nguy cơ ô nhiễm các vi sinh vật vào trong hệ thống nguồn nước sinh hoạt sẽ có những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng, ví dụ như có thể gây ra dịch tả, tiêu chảy, ...”, PGS. TS Phạm Ngọc Châu chia sẻ.

Đảm bảo hài hoà lợi ích trong quản lý chất lượng nước sinh hoạt tại đô thị ảnh 3

PGS. TS Phạm Ngọc Châu - Nguyên Chủ nhiệm khoa Vệ sinh Quân đội, Học viện Quân y.

Nói về công tác quản lý, bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt thời gian qua, ThS. Nguyễn Thu Phương cho biết: Luật tài nguyên nước 2012 đã quy định rõ về quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh và quy hoạch tài nguyên nước của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đánh giá số lượng, chất lượng của nguồn nước, hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước; dự báo xu thế biến động dòng chảy, mực nước của các tầng chứa nước, nhu cầu sử dụng nước. Quy định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức phải bảo vệ tài nguyên nước. Chính quyền địa phương các cấp có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên nước tại địa phương.

Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thường xuyên bảo vệ nguồn nước do mình khai thác, sử dụng, đồng thời có quyền giám sát những hành vi, hiện tượng gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước của tổ chức, cá nhân khác.

“Kế thừa Luật Tài nguyên nước năm 2012, Luật Tài nguyên nước 2023 vừa được thông qua ngày 27/11/2023 có nhiều điểm mới, Luật Tài nguyên nước 2023 đã quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, Ngành. Luật Tài nguyên nước 2023 đã bổ sung quy định giao cho Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương xây dựng danh mục công trình cấp nước sinh hoạt đặc biệt quan trọng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ Công an có trách nhiệm xây dựng, tổ chức thực hiện phương án bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt đặc biệt quan trọng”, đại diện Cục quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết.

Đảm bảo hài hoà lợi ích trong quản lý chất lượng nước sinh hoạt tại đô thị ảnh 4

Ths. Nguyễn Thu Phương -Chuyên viên Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Quy hoạch không sát gây ra nhiều hệ lụy

Liên quan đến vấn đề quy hoạch của Hà Nội ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người dân, PGS. TS Bùi Thị An cho biết: Việc quy hoạch không sát gây ra nhiều hệ lụy. Mọi người dân có quyền lựa chọn nơi sinh sống và làm việc, nên việc người dân đổ về Hà Nội là điều dễ hiểu bởi điều kiện công việc có nhiều thuận lợi hơn, trình độ dân trí cao hơn. Tuy nhiên, khi dân số cơ học của Hà Nội tăng nhanh, năm sau cao hơn năm trước mà cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng đủ nhu cầu đó. Thực trạng này đã, đang và còn tồn tại một thời gian nhất định. Điều này được thể hiện ở việc thiếu hạ tầng nhà ở, hạ tầng cho giáo dục, hạ tầng sinh hoạt đang còn nhiều hạn chế.

“Nếu chúng ta quan tâm đúng mức tới vấn đề quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch xây dựng, quy hoạch các công trình cấp nước sẽ hạn chế được một số vấn đề như thiếu nước như thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, khi đã có đề án quy hoạch nhưng không thực hiện triệt để, việc tổ chức thực hiện chưa tốt; chưa tháo gỡ được những khó khăn của các doanh nghiệp cung cấp nước, nhà máy nước. Vì vậy, vấn đề quy hoạch cần đi trước một bước và mang tính dài hạn”, Nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII Bùi Thị An nêu quan điểm.

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, cần có cơ chế chính sách đảm bảo về quy hoạch cho chặt chẽ. Theo Luật phòng thủ dân sự vừa được Quốc hội thông qua, Luật này sẽ giải quyết các thảm họa, sự cố khẩn cấp của công dân. Theo đó, cần thành lập Ban phản ứng nhanh xử lý tình huống khẩn cấp về đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Đảm bảo hài hoà lợi ích trong quản lý chất lượng nước sinh hoạt tại đô thị ảnh 5

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp.

Đối với vấn đề không đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt phải được phát hiện kịp thời và xử lý vi phạm nghiêm minh, trường hợp không đảm bảo cung cấp nước gây thiếu nước là vấn đề tranh chấp dân sự giữa bên cung cấp nước sạch và người sử dụng, các hộ dân có quyền yêu cầu đơn vị cung cấp nước sạch cung cấp nước nhanh chóng trở lại; bồi thường thiệt hại khi phát hiện không thực hiện theo như hợp đồng như thỏa thuận. Nếu nước sạch sinh hoạt cung cấp không đảm bảo chất lượng, người dân có quyền kiến nghị yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước xử lý theo quy định của pháp luật.

Khi với cảm quan, chất lượng nước không đảm bảo an toàn, người dân có quyền khiếu nại, khiếu kiện và cơ quan chức năng vào cuộc. Nếu nhà cung cấp nước sạch biết nguồn nước không đảm bảo nhưng vẫn cố ý cung cấp cho người dân biết hậu quả xảy ra khiến người dân ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, có thể gây chết người nhưng vẫn bỏ mặc đây là lỗi cố ý là vấn đề trách nhiệm hình sự và là trách nhiệm của nhà cung cấp.

Lợi ích phải hài hòa giữa Nhà nước-doanh nghiệp và người dân

Đề cập đến giải pháp nâng cao chất lượng nước sinh hoạt tại các đô thị thời gian tới, ông Nguyễn Văn Vẻ cho rằng trước tiên phải rà soát, bổ sung hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách về cấp nước đô thị hiện nay để làm cơ sở điều chỉnh toàn bộ hành vi liên quan đến cấp nước đô thị; trong đó, cần sớm xây dựng ban hành Luật Cấp, thoát nước.

“Trước mắt phải rà soát, đánh giá toàn bộ hệ thống cấp nước đô thị để có giải pháp đảm bảo việc cung cấp ổn định và chất lượng nước sinh hoạt tại các đô thị hiện nay như: Nhu cầu của người dân và khả năng cung cấp nước của hệ thống, giá cả, quản lý, vận hành, chất lượng nước. Tránh tình tái diễn việc thiếu nước sinh hoạt dân xếp hàng dài để lấy nước ở các chung cư cao tầng; nước sinh hoạt bị ô nhiễm ảnh hưởng sức khỏe người dân – Theo tôi, trách nhiệm này thuộc đơn vị cấp nước và cơ quan quản lý được phân cấp”, ông Vẻ nói.

Đảm bảo hài hoà lợi ích trong quản lý chất lượng nước sinh hoạt tại đô thị ảnh 6
Ông Nguyễn Văn Vẻ- Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam.

Cũng theo ông Vẻ thì về dài hạn, việc quy hoạch cấp nước đô thị phải gắn với quy hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị; Cần nghiên cứu hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật phù hợp với trình độ khoa học - công nghệ hiện nay. Hoàn thiện cơ chế tài chính, đầu tư, cơ chế, chính sách xã hội hóa cấp nước đô thị; thực hiện phân cấp quản lý cho địa phương; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động cấp nước đô thị (tiền kiểm, hậu kiểm); cơ chế phối hợp quản lý, chia sẻ thông tin và phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật cấp nước liên vùng.

Đồng quan điểm với ông Nguyễn Văn Vẻ, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII Bùi Thị An cũng cho rằng công tác quản lý đóng vai trò vô cùng quan trọng. Với một đất nước chưa đủ nguồn lực trong mọi lĩnh vực như Việt Nam hiện nay thì chủ trương xã hội hóa là cần thiết. Công tác xã hội hóa cần thực hiện trong mọi lĩnh vực không chỉ nước sạch mà còn trong lĩnh vực giáo dục, y tế sức khỏe... Tuy nhiên, thời gian qua, các doanh nghiệp chưa mặn mà với việc tham gia vào lĩnh vực đầu tư nước sạch có thể nhận thấy, doanh nghiệp luôn mong muốn đầu tư phải sinh lời trong khi đầu tư lĩnh vực nước sạch lại không có lãi nhiều.

“Muốn huy động được tương đối lượng nguồn lực xã hội vào lĩnh vực nước sạch thì chúng ta cần phải hài hòa lợi ích các bên giữa doanh nghiệp – nhà nước – người dân. Ví dụ, chúng ta cần có cơ chế chính sách thuận lợi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp họ yên tâm tham gia, họ tham gia thấy có lãi, có thể phát triển được. Do vậy, chúng ta có thể có những hỗ trợ ưu tiên về thuê đất, thuế...” PGS. TS Bùi Thị An chia sẻ và nhấn mạnh đến nguyên tắc hài hòa lợi ích – nghĩa là người dân có nước sạch sử dụng, nhà nước có nguồn thu, doanh nghiệp tồn tại và phát triển được.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng. Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN
Học sinh Hà Nội mong phương án tuyển sinh lớp 10 sớm được công bố
(Ngày Nay) - Năm học 2024 - 2025 đã đi qua gần hết học kỳ 1, song các nhà trường, học sinh lớp 9 và phụ huynh trên cả nước vẫn chưa biết phương án tuyển sinh lớp 10 năm học tới. Cùng với các địa phương, thành phố Hà Nội chưa thể “chốt” được phương án tuyển sinh lớp 10 vì còn chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy chế tuyển sinh.
Dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty TNHH Xuân Trường Hoành Bồ làm chủ đầu tư.
Hà Nội: Sau đấu giá, quy hoạch nhà ở cao tầng được điều chỉnh về thấp tầng
(Ngày Nay) - Ô đất TT-07 (tên cũ là CT–04, nằm tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trước đây từng được quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở chung cư cao tầng. Tuy nhiên, sau khi kết quả trúng đấu giá được phê duyệt, ô đất này bất ngờ được thay đổi quy hoạch thành đất ở thấp tầng, để thực hiện dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long.