Hà Nội đang bước vào mùa mưa, là khoảng thời gian thuận lợi nhất để muỗi vằn Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết đẻ trứng, nở thành loăng quăng và phát triển thành muỗi. Do vậy, mật độ muỗi sẽ tăng lên nhanh chóng trong giai đoạn này. Nhất là tại các khu vực vừa trải qua đợt ngập lụt kéo dài như tại các huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai đã khiến môi trường ô nhiễm, có nhiều ổ nước đọng tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn sinh sản mạnh, khiến dịch sốt xuất huyết rất dễ bùng phát.
Trong khi đó, sốt xuất huyết là là bệnh lưu hành quanh năm. Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã ghi nhận hơn 380 trường hợp mắc sốt xuất huyết, phân bố rải rác tại 144 xã, phường, thị trấn của 28 quận, huyện, thị xã, chưa có ca tử vong.
Tuy số ca mắc giảm giảm 98% so với cùng kỳ năm 2017 (hơn 17.600 trường hợp) nhưng với điều kiện thời tiết như hiện nay, các ca mắc bệnh vẫn đang rải rác tại nhiều địa phương; trong khi đó, hiện lại là thời điểm học sinh, sinh viên chuẩn bị bước vào năm học mới, việc tập trung đông người di biến động dân cư lớn cũng là yếu tố nguy cơ dễ bùng phát dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội.
Các chuyên gia cũng cảnh báo, sốt xuất huyết có thể gia tăng tại Hà Nội vào khoảng thời gian từ tháng 9 – 11 tới. Hiện nay các yếu tố nguy cơ phát sinh, phát triển thành dịch bệnh vẫn luôn tồn tại như: Tình trạng ô nhiễm môi trường, phế liệu, phế thải tồn đọng… là môi trường để muỗi đẻ trứng; mật độ dân cư cao, nhiều khu vực nhà trọ, công trường xây dựng với điều kiện ăn, ở tạm bợ...
Về công tác phòng dịch tại vùng ngập úng, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cho biết: Phun hóa chất diệt côn trùng là một trong những biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết ban đầu, nhất là tại các vùng ngập úng lâu ngày. Tại các khu vực này, sau khi nước rút, các lực lượng tại địa phương đã tiến hành dọn vệ sinh môi trường, Trung tâm Y tế Dự phòng cũng đã phối hợp với các huyện bị ngập như Chương Mỹ, Quốc Oai... phun hóa chất phòng chống diệt muỗi, không để đàn muỗi sinh trưởng gây bệnh sốt xuất huyết. Các biện pháp chủ yếu là phun mù nóng và phun hóa chất các khu đất trống, trường học, đình chùa, miếu, đền, chợ, công trường... Với công suất lớn, thuốc có thể bay vào các khe, kẽ để diệt được muỗi và các côn trùng gây bệnh trên người ở môi trường rộng.
Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cũng đã hỗ trợ Trung tâm y tế huyện Chương Mỹ 4 máy phun mù nóng, 8 máy đeo vai cùng hóa chất và nhân lực phun hóa chất diệt côn trùng. Tại các xã ngập nặng như: Nam Phương Tiến đã có 4 trường học được phun thuốc, xã Tân Tiến có 3 trường học đều được phun mù nóng trong các phòng học, xung quanh trường để diệt côn trùng, đảm bảo môi trường học an toàn cho học sinh trước khai giảng.
Ông Tuấn cũng khuyến cáo, để chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết, ngoài phun hóa chất diệt muỗi, chính quyền địa phương và mỗi người dân cần chủ động phối hợp vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước không để muỗi sinh trưởng gây dịch bệnh. Tại mỗi gia đình, người dân cũng cần vệ sinh môi trường hàng tuần, không để các vũng nước đọng quanh nhà, che đậy dụng cụ chứa nước, thay nước bể cá, thay nước lọ hoa hàng ngày… không để nước sạch đọng lại nhiều ngày để tránh muỗi vằn đẻ trứng.
Theo Baotintuc