Tiffany Studios ra đời vào cuối thế kỷ 19, là một trong những biểu tượng nổi bật của nghệ thuật trang trí và thiết kế. Được phát triển bởi Louis Comfort Tiffany, các tác phẩm của hãng được biết đến với vẻ đẹp tinh xảo và sự kết hợp tuyệt vời của các mảnh kính màu, tạo nên những họa tiết và hình ảnh sống động. Tác phẩm của Tiffany Studios nổi bật với sự đa dạng và tinh tế trong các chủ đề, mỗi tác phẩm đều mang một câu chuyện và vẻ đẹp riêng. Các chủ đề chính được dùng thường bao gồm hoa lá, côn trùng, động vật, thiên nhiên bốn mùa, trong đó hình ảnh mùa thu chiếm sóng không hề ít.
Mỗi mảnh kính được lựa chọn và cắt tỉ mỉ để phản chiếu ánh sáng theo cách tối ưu, tạo ra một hiệu ứng ánh sáng lấp lánh, gợi nhớ đến ánh nắng mùa thu nhẹ nhàng. Những chi tiết như cành cây trĩu nặng, lá rụng hay cảnh vật mờ ảo trong sương sớm được thể hiện một cách tinh tế, mang đến cho không gian một cảm giác thanh bình và lãng mạn...
Những chiếc đèn kính màu lung linh và rực rỡ. Ảnh: Louis Comfort Tiffany, Treasures From The Driehaus Collection |
Nét rực rỡ của lá cây mùa thu
Woodbine là một trong những thiết kế chao đèn treo (hay chao treo, tiếng Anh: hanging shade) đầu tiên của Tiffany Studios, lấy cảm hứng từ vẻ đẹp rực rỡ của lá cây vào mùa thu.
Tiffany Studios từng sản xuất nhiều mẫu chao đèn treo dùng điện với mục đích thay thế đèn bàn. Loại đèn này, ban đầu có tên Electroliers (tạm dịch: Thiết bị điện), được sử dụng phổ biến trong thư viện và trên bàn ăn. Trong Bảng giá năm 1906, chao treo được phân loại thành một danh mục riêng.
Chao đèn treo Woodbine lấy cảm hứng từ lá cây kim ngân, là một thiết kế được ra đời khá sớm. Louis Comfort Tiffany đã khéo léo sử dụng lưới mắt cáo để tạo cấu trúc đa giác cho chao đèn, một kỹ thuật mà ông cũng áp dụng cho các thiết kế chao đèn khác như Mixed Vines và Grape.
Louis Comfort Tiffany say mê trước sắc đỏ cam của những chiếc lá cây vào mùa thu. Ảnh: The Lamps of Louis Comfort Tiffany |
Cây kim ngân là một loại cây cảnh được ưa chuộng bởi vẻ đẹp sang trọng, dễ trồng và sở hữu nhiều ý nghĩa phong thủy tốt đẹp. Cây có nguồn gốc từ Trung và Nam Mỹ, với thân cây mọc thẳng, nhẵn bóng, phân nhánh thành 5-7 cành tượng trưng cho ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Về mặt phong thủy, kim ngân được xem là "cây tiền", "cây tài lộc". Nhiều người tin rằng trồng cây kim ngân trong nhà sẽ giúp mang lại may mắn, tài lộc, tiền bạc và bình an cho gia chủ.
Ngoài ra, cây kim ngân còn được biết đến với khả năng thanh lọc không khí hiệu quả, giúp loại bỏ các chất độc hại như benzen, formaldehyde, xylene... mang đến bầu không khí trong lành, an toàn cho sức khỏe.
Giống như mẫu đèn bàn Boston Ivy, Tiffany say mê trước sắc đỏ và cam rực rỡ của những chiếc lá cây vào mùa thu. Ông thể hiện niềm đam mê này qua việc sử dụng những mảnh kính màu có đốm tím và những đường vân mô phỏng thân cây, tạo nên điểm nhấn ấn tượng cho chao đèn Woodbine.
Chao đèn Woodbine không chỉ thu hút bởi vẻ đẹp nguyên bản mà còn bởi sự đa dạng trong các phiên bản. Một biến thể đơn giản là thay đổi màu sắc, khoác lên mình những gam xanh lá cây tươi mát, như đưa cả bầu không khí mùa hè vào không gian nội thất. Một mẫu Woodbine khác biệt và độc đáo hơn sở hữu hoa văn lá dày đặc, che khuất phần lớn bầu trời và nền, tạo nên điểm nhấn ấn tượng và đầy bí ẩn.
Đêm tháng Mười lung linh trong ánh đèn
October Night Lamp (tạm dịch: Đèn Đêm tháng Mười) là một tác phẩm nghệ thuật thủy tinh pha chì tuyệt đẹp. Chiếc đèn mang đậm phong cách Art Nouveau với những đường nét uốn lượn mềm mại, họa tiết hoa lá tự nhiên và màu sắc tươi sáng. Đây là một trong những phong cách thiết kế phổ biến vào đầu thế kỷ 20.
October Night Lamp có phần chao đèn như một chiếc ô, được tạo nên từ hàng trăm mảnh thủy tinh màu nhỏ ghép lại với nhau. Các mảnh thủy tinh này được cắt và uốn cong tỉ mỉ để tạo thành những họa tiết hoa lá vô cùng sống động. Màu sắc chủ đạo của chao đèn là các tông màu ấm áp như vàng, cam, đỏ, xanh lá, tạo cảm giác ấm cúng và gần gũi.
Họa tiết trang trí chính của chiếc đèn là bông hoa, quả mọng và những dây leo quấn quanh chao. Cành lá uốn lượn mềm mại, tạo cảm giác như đang đung đưa trong gió. Thân đèn được làm từ đồng sáng bóng có màu trầm ấm, tạo sự tương phản hài hòa với màu sắc sặc sỡ của phần chao đèn. Thân đèn có thiết kế đơn giản nhưng không kém phần tinh tế với những đường nét uốn lượn mềm mại.
Ánh nắng chiều tà trên những tán lá vàng
Autumn Landscape (tạm dịch: Cảnh thu) là một kiệt tác mô tả thế giới tự nhiên bằng cửa sổ kính màu. Tác phẩm hoàn thành trong khoảng thời gian từ năm 1923 đến 1924, khắc họa ánh nắng chiều tà len lỏi qua những tán lá mùa thu.
Khoảng năm 1899, Louis Comfort Tiffany bắt đầu thử nghiệm các cách làm kính màu và kính thổi sáng tạo hơn, đáng chú ý là các chao đèn về hoa và động vật của ông. Từ năm 1900 đến năm 1923, Tiffany đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, bổ sung thêm đồ gốm, đồ trang sức và đồ tráng men vào các dòng sản phẩm của mình, đồng thời thêm dịch vụ thiết kế kiến trúc, nghệ thuật vào danh mục đầu tư.
Chính trong khoảng thời gian này (khoảng năm 1924), kiệt tác Autumn Landscape, một cửa sổ kính màu khổng lồ có kích thước khoảng 2,5 x 3,3 mét đã ra đời. Ban đầu tác phẩm được ông trùm bất động sản Loren D. Towle đặt hàng để trang trí trang viên của mình. Tuy nhiên, ông Towle mất trước khi căn nhà đang xây được hoàn thành.
Autumn Landscape là một trong những tác phẩm đỉnh cao nhất của Tiffany Studios. Ảnh: Viện bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan |
Autumn Landscape tái hiện lại hình ảnh một dòng sông uốn khúc qua thung lũng với những ngọn núi ở phía xa và tiền cảnh bao phủ bởi những tán lá mùa thu. Nguồn cảm hứng của tác phẩm là chủ đề quen thuộc trên các cửa sổ tưởng niệm của nhà thờ và lăng mộ.
Tiffany Studios đã sử dụng hầu như mọi loại kính và kỹ thuật sẵn có để tạo nên vẻ chân thực phi thường cho khung cửa sổ này. Mottled glass (loại kính đúc có hoa văn) mô phỏng ánh nắng gay gắt chiếu qua tán lá màu vàng cam. Confetti glass (những mảnh kính nhỏ và mỏng như pháo giấy) được nhúng lên trên bề mặt để tạo nên những hiệu ứng khác nhau. Ripple glass (loại kính có bề mặt gợn sóng) làm nổi bật con suối ở tiền cảnh chảy qua những tảng đá lớn xám trắng được mô phỏng bằng kính vân thạch đậm màu. Để tăng thêm chiều sâu cho những đỉnh núi mù sương, Tiffany đã mạ nhiều lớp kính lên mặt sau của cửa sổ.
Năm 1925, ông Robert W. de Forest, Viện trưởng Viện bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan (MET) và là bạn tốt của Louis Comfort Tiffany, đã mua lại cửa sổ và tặng nó cho phòng trưng bày The American Wing của MET.
Autumn Landscape đã thể hiện sự tinh tế và sáng tạo của Tiffany Studios trong việc sử dụng kính màu làm phương tiện thể hiện nghệ thuật. Cho đến nay, tuyệt tác này vẫn được cho là một trong những tác phẩm đỉnh cao nhất của hãng.
Bản phác thảo ban đầu của Autumn Landscape. Ảnh: Viện bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan |