Báo cáo cho thấy, cùng với sự thay đổi tích cực của xã hội và luật pháp, cộng đồng LGBTIQA+ ngày càng tham gia và xuất hiện nhiều hơn trong các không gian công cộng khác nhau, bao gồm ngoài trời, gian giáo dục, sáng tạo/nghệ thuật, thương mại và công quyền. Trước năm 2010, mỗi năm chỉ ghi nhận dưới 10 sự kiện, nhưng từ năm 2015 đến nay, số lượng sự kiện hàng năm luôn trên dưới 50 (trừ những năm đại dịch Covid-19). Từ năm 2015, các sự kiện cộng đồng LGBTIQA+ tại Hà Nội chủ yếu diễn ra trong không gian dịch vụ - thương mại, chiếm 52% tổng số sự kiện, và trong môi trường giáo dục, chiếm 15.73% tổng số sự kiện.
BridgeFest năm 2020 tại Phố đi bộ Hồ Gươm. Ảnh: ECUE |
Sự hiện diện của cộng đồng LGBTIQA+ trong công cộng không chỉ mang lại giá trị vật chất, văn hóa và tinh thần, mà còn ghi nhận tính chủ thể xã hội và quyền tiếp cận, tham gia vào đời sống xã hội. Nguyễn Hoàng Thùy Linh, một người thúc đẩy quyền của cộng đồng LGBTIQA+, chia sẻ: "Không gian công cộng là nơi chứng kiến những điều kỳ diệu khi những người lạ có thể kết nối, làm việc và chăm sóc lẫn nhau. Đây là quá trình tự khám phá bản thân và đón nhận những khả thể mới về gia đình, tình yêu, tình bạn và sự đa dạng."
Sự hiện diện của cộng đồng LGBTIQA+ còn giúp nâng cao nhận thức và sự tôn trọng, giảm thiểu kỳ thị và phân biệt đối xử trong xã hội. Chị Minh Hạnh nhớ lại khi cùng con trai xem triển lãm "Một tôi khác" năm 2013 tại hồ Hoàn Kiếm: "Triển lãm không chỉ đẹp và sống động mà còn giúp người xem hiểu những khó khăn của người đồng tính, song tính và chuyển giới dưới một lăng kính tích cực và đầy hy vọng. Đây là kỷ niệm đáng nhớ và giúp con tôi hiểu hơn về sự đa dạng trong cuộc sống."
Triển lãm "Một tôi khác" tại Vườn hoa Lý Thái Tổ năm 2013. Ảnh: Minh Hạnh |
Tuy nhiên, ông Lê Quang Bình, Điều phối viên mạng lưới VMHNĐS và Giám đốc ECUE, cho biết: "Việc tiếp cận và sử dụng không gian công cộng vẫn còn nhiều bất bình đẳng với người LGBTIQA+, đặc biệt là trong không gian ngoài trời và nơi làm việc. Việt Nam cần có khung pháp lý bảo vệ quyền bình đẳng và chống phân biệt đối xử với người LGBTIQA+. Dự thảo Luật chuyển đổi giới tính và sửa đổi Luật bình đẳng giới là động lực quan trọng để thay đổi xã hội, đảm bảo cơ hội hiện diện bình đẳng của người LGBTIQA+ trong không gian công cộng."
Báo cáo đã đưa ra một số đề xuất nhằm tăng cường sự hiện diện và tiếp cận của người queer tại các không gian công cộng: Lồng ghép các vấn đề LGBTIQA+ vào các sự kiện tổ chức ở không gian công cộng, đặc biệt là không gian ngoài trời; Tăng cường tính hiện diện và quyền của cộng đồng LGBTIQA+ tại nơi làm việc; Chia sẻ thông tin, hình ảnh và thông điệp của các sự kiện LGBTIQA+ trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.