Ngày 13/4, Bộ Tài chính công bố dự thảo dự án luật Thuế tài sản để trình Chính phủ đề nghị QH bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Đáng chú ý, trong dự thảo, bộ này nghiêng về đề xuất đánh thuế đối với mọi chủ sở hữu nhà (gồm cả chung cư, đất ở, đất xây nhà chung cư, đất kinh doanh...) có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên.
Cụ thể, với nhà ở, Bộ Tài chính xây dựng 2 phương án đánh thuế: Một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên. Ngưỡng không chịu thuế là nhà có giá trị 700 triệu đồng trở xuống hoặc 1 tỷ đồng trở xuống. Điều này có nghĩa, phần bị đánh thuế tài sản là phần có giá trị trên 700 triệu đồng hoặc trên 1 tỷ đồng.
Bộ Tài chính giải thích cụ thể, với ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng thì một căn nhà có giá trị 800 triệu đồng sẽ bị đánh thuế với phần giá trị 100 triệu đồng, tức 0,3-0,4% của 100 triệu đồng.
Còn đối với đất ở (bao gồm cả trường hợp sử dụng để kinh doanh; đất xây dựng nhà chung cư): áp dụng mức thuế suất là 0,3% trên toàn bộ giá trị đất.
Sẽ có 2 phương án xác định giá để tính thuế. Phương án 1 theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh công bố tại thời điểm tính thuế. Phương án 2 tính theo giá 1 m2 đất trên thị trường tại thời điểm tính thuế. Theo tính toán, nếu áp dụng mức thu thuế nói trên, hằng năm ngân sách sẽ thu về khoảng 31.000 tỉ đồng và là loại thuế thu hằng năm.
Trả lời báo Thanh Niên, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH-ĐT), cho biết mức: "Sàn đánh thuế nhà 700 triệu đồng hoàn toàn không phù hợp khi xét trên mặt bằng thu nhập, chi tiêu của người dân. Thực tế, chưa kể đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM mà ngay các đô thị cấp 2, cấp 3 thì giá nhà hiện cũng hơn 1 tỉ đồng/căn. Như thế, nếu đánh thuế thì mọi đối tượng đều phải chịu, trái với nguyên lý chỉ thu thuế với người có thu nhập cao".
Tiến sĩ Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển. |
Trong khi đó, Phó trưởng ban Công tác đại biểu Bùi Đức Thụ, người từng có nhiều năm làm Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, cho biết: "Việc đánh thuế nhà ở đầu tiên với mức giá sàn 700 triệu đồng là không hợp lý, cần phải xem xét lại. Bởi nhà ở xã hội của người nghèo hiện nay đã có mức giá 800 - 900 triệu đồng, trong đó nhà nước có trợ cấp lãi suất. “Đầu này hỗ trợ, đầu kia lại đánh thuế. Chính sách như vậy sẽ dẫn đến mâu thuẫn, ngược chiều nhau, phức tạp hóa và không hỗ trợ được người nghèo, người khó khăn”, ông Thụ nói.
Ông Huỳnh Thế Du - Giảng viên Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam. Ảnh: Dân trí |
Trả lời báo Dân trí, ông Huỳnh Thế Du - Giảng viên Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam cho biết mình ủng hộ việc đánh thuế tài sản bởi loại thuế này đảm bảo tính công bằng hơn rất nhiều so với việc tăng thuế GTGT, tuy nhiên ông cũng cho biết: " Hiện nay rất nhiều các nước thực hiện thu thuế tài sản. Đối tượng chịu thuế tài sản ở các nước chủ yếu là đất và nhà. Trong việc bối cảnh hiện tại và xu hướng thế giới thì nên triển khai thuế tài sản tuy nhiên việc sử dụng nó phải được hợp lý, làm cho chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên cao hơn".
"Nếu không triển khai thuế tài sản mà thay vào đó tận thu bằng nhiều cách khác thì rất bất lợi cho người nghèo và có lợi cho người giàu. Rõ ràng thuế này sẽ đánh vào những người giàu nhiều hơn (vì họ có tài sản nhiều hơn). Thay vào đó, nếu nhà nước tăng thuế GTGT thì chính là đánh thẳng vào túi tiền của người nghèo rất nhiều, rất không công bằng và bất hợp lý", ông Du chia sẻ.
Tổng hợp