Những ngày tháng Bảy này, nhiều nơi trên thế giới diễn ra các hoạt động hưởng ứng chiến dịch “Tháng Bảy không nhựa” nhằm giảm thiểu rác thải nhựa.
Ở một hòn đảo du lịch nổi tiếng ở miền Nam Thái Lan là Koh Nang Yuan, từ nhiều năm nay, người dân đã duy trì thói quen hạn chế sử dụng đồ nhựa, đặc biệt là đồ nhựa dùng một lần, và có yêu cầu tương tự đối với bất cứ du khách nào đến tham quan đảo để duy trì môi trường tự nhiên trên đảo và bảo vệ rạn san hô.
Đảo Koh Nang Yuan thuộc huyện đảo Pha-Ngan của tỉnh miền Nam Surat Thani. Bao gồm ba hòn đảo nhỏ được liên kết với nhau bởi những bãi biển cát trắng mịn màng và làn nước trong vắt, hòn đảo này là địa điểm lặn tuyệt vời để ngắm các rạn san hô.
Vào mùa cao điểm du lịch mỗi năm, Koh Nang Yuan thu hút hàng nghìn khách tham quan mỗi ngày, trong đó phần đông là khách quốc tế muốn lặn biển ngắm san hô và ghi lại những khung cảnh tuyệt vời dưới biển.
Tuy vậy, du khách đến đảo Koh Nang Yuan sẽ phải tuân thủ một quy định nghiêm ngặt là không được phép mang theo bất kỳ đồ nhựa và hộp xốp nào lên đảo, đồng nghĩa với việc du khách thậm chí không thể mang theo chai nước lên đảo trừ phi nước được đựng trong chai có thể tái chế.
Nghiêm cấm mang đồ nhựa sử dụng một lần lên đảo là cách để Khu nghỉ dưỡng lặn Đảo Nangyuan, do một doanh nghiệp gia đình là người dân trên đảo được Chính phủ Thái Lan cho phép thuê hòn đảo này để vận hành và kinh doanh trong hơn 30 năm qua, sử dụng để duy trì môi trường tự nhiên của hòn đảo và bảo vệ các rạn san hô quanh đảo ở trạng thái tốt nhất có thể.
Trong thời gian lưu trú trên đảo, các khu nghỉ dưỡng sẽ cung cấp cho khách nước đóng chai thủy tinh thay vì chai nhựa và có hướng dẫn cụ thể về điểm tập kết chai thủy tinh rỗng khi không còn dùng đến. Đồng thời, du khách cũng được khuyến khích sử dụng nước tiết kiệm.
Trước đây, rặng san hô ở đảo Koh Nang Yuan từng bị ảnh hưởng nặng nề bởi trận bão Gay xảy ra tháng 11/1989 cùng hiện tượng khí hậu El Nino vào thập niên 1990. Quá trình phục hồi các rạn san hô diễn ra trong suốt nhiều năm sau đó.
Nhờ tâm huyết của người dân trên đảo cũng như của doanh nghiệp địa phương, đặc biệt là hiệu quả từ quy định cấm mang đồ nhựa dùng một lần lên đảo, việc xử lý rác thải trên đảo đã được giảm tải rất nhiều, đồng thời góp phần giúp rạn san hô nước nông và nước sâu ở hòn đảo này có được môi trường biển trong sạch để hồi phục vẻ đẹp nguyên vẹn trước đây.