Buổi họp do Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Ngãi tổ chức với sự tham gia của 5 chuyên gia quốc tế - thành viên Hội đồng thế giới thuộc UNESCO và 13 chuyên gia văn hóa, địa chất trong nước. Trước đó, các chuyên gia đã có cuộc khảo sát 3 ngày đêm tại đảo Lý Sơn và Bình Châu từ 31/3 đến 3/4.
Khảo sát của các chuyên gia cho rằng, vùng địa chất tại vùng đảo Lý Sơn và Bình Châu rất có giá trị cần phải được chăm sóc đặc biệt nên Lý Sơn, Bình Châu và các vùng phụ cận có khả năng trở thành công viên địa chất toàn cầu. Để Lý Sơn, Bình Châu trở thành công viên địa chất toàn cầu ngoài yếu tố cơ bản là địa chất thì còn phải xem xét đến nhiều yếu tố khác như: công tác bảo tồn, giáo dục cộng đồng, phát triển du lịch… của các vùng này.
Đảo Lý Sơn, bãi bến Bình Châu hội tụ nhiều yếu tố để trở thành Công viên địa chất toàn cầu.
Theo ý kiến của các chuyên gia, Quảng Ngãi đang trong giai đoạn tiền đề của việc hình thành công viên địa chất toàn cầu nên ngay từ bây giờ địa phương cần quản lý môi trường sinh thái một cách hiệu quả, cần xác định khuôn viên, diện tích để lập hồ sơ công viên địa chất toàn cầu trình Ủy ban di sản Quốc gia, sau đó là tổ chức UNESCO, cần có bộ máy vận hành chuyên trách để xử lý, tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết trong việc lập hồ sơ công viên địa chất toàn cầu.
Giáo sư Tiến sĩ Ibrahim Komoo- Phó Chủ tịch Hiệp hội mạng lưới công viên địa chất toàn cầu cho biết: "Chúng tôi đã tham quan 7 điểm địa chất ở đảo Lý Sơn và bãi biển Bình Châu, có nhiều điểm rất giá trị, nhưng cần phải chăm sóc đặc biệt và phát triển hơn nữa. Những điểm này rất có tiềm năng phát triển du lịch và có thể phát triển du lịch ngay từ hôm nay".
Tiến sĩ Mahico Watanabe- thành viên Hội đồng tư vấn hệ thống công viên địa chất toàn cầu Châu Á Thái Bình Dương: Trước khi trình hồ sơ lên Hội đồng di sản thế giới của UNESCO công nhận công viên địa chất toàn cầu, đảo Lý Sơn, Bình Châu cần có sự xét duyệt và thừa nhận của Ủy di sản Quốc gia. Dựa trên con dấu của Ủy ban di sản Quốc gia, Hội đồng di sản thế giới sẽ làm việc, đánh giá và kết luận.
Tiến sĩ Nancy Rhoenar Aguda-Đại học Tổng hợp Philippines cho rằng: nhân tố quyết định hình thành nên công viên địa chất toàn cầu chính là người dân địa phương. Vì vậy, chính quyền phải kêu gọi người dân tham gia bảo tồn và phát triển công viên địa chất.
Sau khi nghe các chuyên gia, nhà khoa học góp ý, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Quảng Ngãi - ông Lê Quang Thích thay mặt lãnh đạo UBND gửi lời cảm ơn đến những thông tin, ý kiến của các chuyên gia và khẳng định sẽ đặt Lý Sơn nằm trong vùng được bảo tồn của công viên địa chất toàn cầu và một số vùng khác để lập hồ sơ trình UNESCO.
Sau buổi làm việc, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi sẽ trình hồ sơ lên UBND tỉnh xem xét, phê duyệt công nhận công viên địa chất cấp tỉnh, sau đó là các bước để Lý Sơn, Bình Châu và các vùng phụ cận được công nhận là công viên địa chất cấp quốc gia và toàn cầu.
Hải Dương