Theo truyền thông Trung Quốc, dòng nước lũ chảy vào đập Tam Hiệp đạt mức 75 triệu lít nước/giây. Đến sáng thứ Năm, con đập này đã mở tổng cộng 11 cổng để xả 49,2 triệu lít nước/giây, mức xả lớn nhất kể từ khi đi vào hoạt động.
Mưa lớn kéo dài suốt 2 tháng qua khiến đập Tam Hiệp liên tục ghi nhận các mức nước lũ kỷ lục tràn về, đã có không ít người dân Trung Quốc tỏ ra lo sợ về viễn cảnh đập Tam Hiệp sẽ trở nên quá tải.
Theo kịch bản tồi tệ nhất, nếu đập Tam Hiệp - được xây dựng mất 12 năm, bị vỡ thì sẽ khiến toàn bộ lưu vực sông Trường Giang chìm trong nước lũ, buộc hàng triệu người phải di tản khẩn cấp.
Đập Tam Hiệp, có thể xử lý dòng chảy ở mức 98,8 triệu lít/giây, đã gần đạt đến công suất cực hạn của nó. Các quan chức dự kiến mực nước trong hồ chứa sẽ đạt 165,5 m vào thứ Bảy. Lũ lụt tại khu vực được dự báo sẽ kéo dài khoảng 5 ngày.
Tuần này, Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc cho biết 111 hồ chứa lớn ở thượng nguồn sông Trường Giang có thể giúp giảm bớt áp lực lên đập Tam Hiệp.
Tại khu vực thượng nguồn, các quan chức ở thành phố Trùng Khánh, tỉnh Tứ Xuyên, đã sơ tán gần 300.000 cư dân. Hôm thứ Năm, mực nước dọc sông Trường Giang gần Trùng Khánh đạt mức cao chưa từng thấy kể từ năm 1981, khi đất nước trải qua trận lũ lụt tồi tệ nhất trong một thế kỷ, khiến 1,5 triệu người mất nhà cửa.
Nhiều hình ảnh trên mạng cho thấy lũ lụt đã nhấn chìm các biển báo cao 3 m và các tòa nhà cao vài tầng. Lực lượng cứu hộ đã sử dụng thuyền để vận chuyển những người dân bị mắc kẹt.
Tại Tứ Xuyên, các nhà chức trách đã phải đắp bao cát xung quanh để bảo vệ tượng Phật Lạc Sơn - di sản UNESCO có tuổi đời 1.200 năm, khi nước lũ gần chạm tới ngón chân của bức tượng.