Trên cơ sở kết quả trao đổi giữa các nước từ sau cuộc họp cấp Bộ trưởng các nước TPP tại TP. Hà Nội vào tháng 5/2017, các Bộ trưởng đã đồng ý với tên gọi mới của Hiệp định TPP gồm 11 thành viên là Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đồng thời, các Bộ trưởng ra Tuyên bố chung khẳng định các nước TPP đã thống nhất được những vấn đề cốt lõi của Hiệp định này theo hướng giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng trong bối cảnh mới.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh |
Một số nghĩa vụ tạm hoãn thực thi liên quan đến hiệp định đầu tư và cấp phép đầu tư; tiêu chuẩn đối xử tối thiểu; giải quyết tranh chấp viễn thông; điều kiện tham dự thầu, đàm phán trong tương lai, đối xử quốc gia; đối tượng có thể cấp bằng độc quyền sáng chế; minh bạch và công bằng về thủ tục đối với hàng hoá dược phẩm và thiết bị y tế…
Các Bộ trưởng cũng nhất trí rằng Hiệp định CPTPP là một Hiệp định toàn diện, có tiêu chuẩn cao trên cơ sở cân bằng lợi ích của các thành viên, có tính đến trình độ phát triển của các nước.
Kết quả đạt được tại Đà Nẵng đã thể hiện nỗ lực rất lớn của 11 nước tham gia nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, tạo thuận lợi cho phát triển thương mại và tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước trong khu vực.
Việt Nam, với vai trò là nước chủ nhà, và Nhật Bản đồng chủ trì cuộc họp cấp Bộ trưởng, đã có những đóng góp thiết thực và xây dựng vào thành công chung của Hội nghị.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh bên cạnh Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi |
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, 4 vòng đàm phán ở các địa điểm khác nhau phản ánh đầy đủ khó khăn mà một hiệp định mới gặp phải. Tuy nhiên, với tinh thần xây dựng, 11 nền kinh tế đạt được thỏa thuận cơ bản, quan trọng, cốt lõi để thống nhất hiệp định, bảo đảm chất lượng của TPP 12, đạt được điểm cân bằng cho 11 nền kinh tế.
Về các nội dung tạm hoãn, các Trưởng đoàn sẽ được giao nhiệm vụ cụ thể để có thể đạt được đồng thuận. “Tuy nhiên, đoạn đường khó khăn nhất đã qua, và chúng tôi tin tưởng vào tương lai đạt được TPP-11 hay CPTPP, bao gồm thêm 2 yếu tố, toàn diện và tiến bộ hơn”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Đồng chủ trì cuộc đàm phán về Hiệp định tại Đà Nẵng, Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết, giữa các nền kinh tế với nhau, nỗ lực để tìm tiếng nói chung về những điều khoản tạm hoãn và điều chỉnh là rất khó. "Kết quả thường đến vào phút chót và cuối cùng Canada thay đổi thái độ nhưng mọi việc cũng đã thuận lợi", ông Motegi nói.
TPP-11 là tên gọi của hiệp định giữa 11 thành viên còn lại của TPP sau khi Tổng thống Donald Trump lên nhậm chức đã tuyên bố rút lui.
Tổng Hợp