Công ty cổ phần thương mại đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (Công ty Dầu khí Nam Sông Hậu) là một trong những doanh nghiệp xăng dầu đầu mối quy mô lớn. Dù đạt doanh thu hàng ngàn tỷ đồng nhưng công ty hoặc thua lỗ hoặc lợi nhuận "tí hon" nên chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp là rất thấp.
Thế nhưng, chỉ tiêu thuế và các khoản phải nộp Nhà nước tại Dầu khí Nam Sông Hậu lại rất cao, đạt tới ngàn tỷ đồng, thậm chí suýt xoát vốn góp chủ sở hữu.
Doanh thu tuột dốc, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ít ỏi
Hàng năm, Dầu khí Nam Sông Hậu ghi nhận doanh thu hàng ngàn tỷ đồng. Đáng chú ý, trong 4 năm gần đây, chỉ tiêu này lại có xu hướng “lao dốc” rõ nét. Cụ thể, năm 2021, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty chỉ đạt 5.757 tỷ đồng, giảm 503 tỷ đồng, tương đương 8% so với năm 2020. Trước đó, trong các năm 2018, 2019 và 2020, chỉ tiêu này lần lượt đạt 10.423 tỷ đồng, 9.231 tỷ đồng và 6.260 tỷ đồng.
Đáng chú ý, dù có thời điểm doanh thu đạt gần nửa tỷ USD nhưng Dầu khí Nam Sông Hậu lai có chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp rất ít ỏi. Điều này “có được” là do lợi nhuận trước thuế của công ty rất thấp.
Năm 2018, gặt hái doanh thu 10.423 tỷ đồng nhưng chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp tại Dầu khí Nam Sông Hậu chỉ là... 412 triệu đồng. Các năm sau đó, con số này cũng rất thấp, lần lượt đạt 27,2 tỷ đồng, 16,5 tỷ đồng và 37,8 tỷ đồng.
Tại Dầu khí Nam Sông Hậu xảy ra tình trạng doanh thu rất cao nhưng chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp rất thấp. Đó là do các chi phí tại công ty rất cao. Trong đó, nổi bật nhất là chi phí tài chính.
Chi phí tài chính từ năm 2018 đến năm 2021 lần lượt đạt 160 tỷ đồng, 207 tỷ đồng, 225 tỷ đồng và 235 tỷ đồng, cao hơn đáng kể so với chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng.
Giai đoạn 2018-2021, Dầu khí Nam Sông Hậu ghi nhận tình trạng doanh thu sụt dần đều nhưng vẫn rất cao, còn chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp luôn luôn thấp.
Tới năm 2022, tình trạng này còn bê bết hơn khi công ty nếm mùi thua lỗ. Cụ thể, trong quý 2/2022, Dầu khí Nam Sông Hậu lỗ 265 tỷ đồng khi giá vốn hàng bán vượt giá trị doanh thu.
Nợ thuế nghìn tỷ, nhiều gần bằng vốn
Không chỉ có vậy, trong vài năm gần đây, nợ thuế tại Công ty Dầu khí Nam Sông Hậu tăng mạnh, vượt mốc ngàn tỷ đồng, nhiền gần bằng vốn góp chủ sở hữu.
Tại ngày 31/12/2018, thuế và các khoản phải nộp Nhà nước tại Công ty Dầu khí Nam Sông Hậu là 502 tỷ đồng, sau đó tăng lên 713 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2019.
Tới năm 2020, thuế và các khoản phải nộp Nhà nước lần đầu vượt mốc ngàn tỷ đồng khi tăng mạnh lên 1.002 tỷ đồng. Và chỉ tiêu này lập kỷ lục 1.363 tỷ đồng hồi cuối năm 2021.
Trong nửa đầu năm 2022, nợ thuế của công ty được điều chỉnh giảm nhẹ nhưng vẫn giữ mốc ngàn tỷ đồng khi đạt 1.195 tỷ đồng. Trong đó, thuế bảo vệ môi trường chiếm tỷ trọng cao nhất khi chiếm tới 67,6% tổng nợ thuế (tương đương 808 tỷ đồng). Ngoài ra, công ty còn nợ thuế giá trị gia tăng 303 tỷ đồng.
Hồi giữa tháng 6 năm nay, Cục Thuế TP Cần Thơ đã công khai thông tin 357 người, doanh nghiệp nợ thuế với tổng số tiền thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp đến ngày 30/4/2022 là 2.158 tỷ đồng.
Trong đó, Chi nhánh Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam sông Hậu tại Cần Thơ (địa chỉ Lô 2.7, Khu công nghiệp Trà Nóc II, phường Phước Thới, quận Ô Môn, Cần Thơ) được xác định nợ 65 tỷ đồng.
Cổ phiếu giảm sâu, vốn hóa “bốc hơi” 2.359 tỷ đồng
Với tình hình kinh doanh đi lùi, cổ phiếu PSH của Công ty Dầu khí Nam sông Hậu giảm sâu và giao dịch dưới mệnh giá trong thời gian dài.
Đóng cửa phiên 30/9/2022, PSH dừng ở mức 8.790 đồng/CP, giảm 18.700 đồng/CP, tương đương 68% so với “đỉnh” được thiết lập trong ngày 10/3/2022. Kết quả là vốn hóa thị trường công ty “bốc hơi” 2.359 tỷ đồng.
Là cổ đông lớn nhất tại Công ty Dầu khí Nam sông Hậu, ông Mai Văn Huy chứng kiến khối tài sản trên thị trường chứng khoán của mình hao hụt 1.573 tỷ đồng. Ngoài vị trí cổ đông lớn, ông Mai Văn Huy còn nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty.