Trong bối cảnh các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ tuyển sinh vài năm trở lại đây, hình thức xét tuyển học bạ này ngày càng được nhiều trường đại học sử dụng nhằm tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh.
Tuy nhiên, việc các trường yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học khi các em vừa biết điểm thi, khi đợt xét tuyển chung do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì chưa được tiến hành đã khiến dư luận băn khoăn về việc nếu hình thức xét tuyển này không được kiểm soát sẽ tăng nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh giữa các trường.
Vào giữa tháng 7/2019, khi các trường đang chuẩn bị bước vào đợt xét tuyển đợt 1 bằng kết quả thi trung học phổ thông quốc gia thì hàng loạt các trường đại học đã thông báo điểm trúng tuyển hệ đại học chính quy năm 2019 theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc trung học phổ thông hay còn gọi là xét tuyển học bạ.
Điều đặc biệt là, trên website của những trường xét tuyển học bạ cũng lưu ý, thí sinh có tên trong danh sách được trường công bố trên cổng thông tin điện tử có thể xác nhận nhập học.
Những thí sinh nào không xác nhận nhập học đúng thời gian quy định vào giữa tháng 7, đồng nghĩa với việc từ chối xác nhận học, nhà trường sẽ xóa tên khỏi danh sách trúng tuyển.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc, nếu thí sinh đã xác nhận nhập học vào trường thì sẽ không còn cơ hội tham gia vào đợt xét tuyển chung theo điểm thi trung học phổ thông sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào đầu tháng 8.
Chính điều này đã khiến dư luận xã hội lo ngại về việc quyền lựa chọn của thí sinh bị hạn chế bởi lẽ về nguyên tắc, thí sinh chỉ trúng tuyển và xác nhận nhập học vào một trường duy nhất.
Chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng:
Về nguyên tắc, thí sinh sẽ chỉ xác nhận nhập học vào một trường duy nhất do đó việc một số trường xét tuyển theo học bạ, hình thức xét tuyển thẳng nhưng yêu cầu thí sinh xác nhận trúng tuyển trước khi việc xét tuyển chung, điều này gây bất lợi cho thí sinh khi quyền lựa chọn được tham gia đợt xét tuyển chung của các em bị hạn chế.
|
Theo Phó giáo sư Hoàng Minh Sơn, dù xét tuyển theo cách thức nào thì cơ sở giáo dục đại học cũng phải mang đến chất lượng, khả năng có việc làm thì mới thu hút được thí sinh. (Ảnh: Thùy Linh) |
Tuy nhiên, Phó giáo sư Hoàng Minh Sơn cũng khẳng định rằng: “Hiện nay, xã hội, gia đình, phụ huynh và các em học sinh nhận thức rất đầy đủ về giáo dục đại học.
Các em không chỉ cần 1 suất học trong trường đại học mà điều quan trọng là chọn trường nào uy tín, đảm bảo chất lượng, đảm bảo khả năng việc làm sau tốt nghiệp.
Do đó, dù xét tuyển theo cách thức nào thì cơ sở giáo dục đại học cũng phải mang đến chất lượng, khả năng có việc làm thì mới thu hút được thí sinh.
Bởi lẽ, phụ huynh và thí sinh căn cứ vào nhiều kênh thông tin trước khi đăng ký xét tuyển vào ngành, trường nào đó. Nào là thông qua đội ngũ cựu sinh viên, uy tín nhà trường, phương pháp giảng dạy… và gần đây là bảng xếp hạng, tiêu chí kiểm định chất lượng hoặc đơn giản là chất lượng đầu vào”.
“Đầu vào thấp khó nói chất lượng cao”, Phó giáo sư Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.