Trước những sai phạm xảy ra tại Tổng Công ty XNK Bình Dương, Cơ quan Công an đã khởi tố, bắt giam một số cá nhân, chính quyền tỉnh Bình Dương cũng đang tìm cách giải quyết các vấn đề liên quan. Trong khi đó theo phân tích của Luật sư thì hoàn toàn có đủ pháp lý để tỉnh Bình Dương thu hồi những tài sản công mà đã bị một số đối tượng cố tình làm sai trái để trục lợi…
Tỉnh Bình Dương tìm cách xử lý
Như Ngày Nay đã phản ánh ở một số bài viết trước, Dự án Khu Đô thị Dịch vụ Thương mại Tân Phú rộng 43 ha của Tổng công ty XNK Bình Dương (doanh nghiệp thuộc Tỉnh ủy Bình Dương) đã được chuyển nhượng bất hợp pháp vào tay tư nhân mà không qua hình thức đấu giá theo luật định.
Cơ quan Điều tra đã khởi tố vụ án và bắt giam nhiều cán bộ lãnh đạo Tổng công ty XNK Bình Dương và đáng lẽ ra phần tài sản Nhà nước bị thất thoát cần phải được thu hồi dứt điểm. Thế nhưng không hiểu sao tỉnh Bình Dương lại tỏ ra lúng túng vì một “ý tưởng” kỳ quặc rằng khu đất 43 ha để thực hiện dự án nói trên không phải là công sản.
Ngày 10/10/2018, Tỉnh ủy Bình Dương có Thông báo số 512 yêu cầu Tổng công ty XNK Bình Dương cung cấp đầy đủ hồ sơ về nguồn vốn đền bù, hồ sơ về việc chuyển nhượng khu đất 43 ha để Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) xác định 43 ha đất này là đất công hay không phải là đất công.
Ngày 28/1/2019, Sở TN&MT Bình Dương có Báo cáo về tình hình thực hiện dự án Khu Đô thị Dịch vụ Thương mại Tân Phú trong đó có trích ý kiến của Sở Tài chính cho rằng Khu đất 43 ha có nguồn gốc hình thành từ việc Tổng Công ty 3/2 (Tổng công ty XNK Bình Dương) đền bù cho Ban Quản lý Khu liên hợp Công nghiệp – Dịch vụ - Đô thị Bình Dương. Số tiền đền bù có nguồn gốc từ vốn tự có khoảng 10%, phần còn lại từ vốn vay ngân hàng và Hợp đồng hợp tác.
Theo Sở Tài chính Bình Dương thì “có thể” khu đất 43 ha nói trên không phải là tài sản công do không thuộc đối tượng phải kê khai, sắp xếp lại theo quy định của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, việc xác định này không có cơ sở pháp lý vững chắc nên Sở Tài chính không thể khẳng định khu đất 43 ha này có phải là đất công hay không.
Tổng công ty Bình Dương là công ty nhà nước sở hữu 100% vốn trong thời điểm đầu tư để hình thành tài sản khu đất 43 ha. Theo giải trình của Sở Tài chính thì nguồn vốn hơn 400 tỉ đồng đền bù 567 ha đất (trong đó có khu đất 43 ha) gồm: 42 tỉ đồng vốn tự có của doanh nghiệp. Đây chắc chắn là tài sản Nhà nước và 246 tỉ đồng từ các hợp đồng hợp tác kinh doanh với công ty Hưng Vượng (120 tỉ đồng) và công ty Phát triển (126 tỉ đồng).
Nếu xét nguồn gốc của các khoản tiền này dưới mọi góc độ: hình thành từ vốn tự có hay lợi nhuận kinh doanh của Tổng Công ty XNK Bình Dương thì phần lớn tài sản này cũng được hình thành lên từ vốn nhà nước nên không thể tách khoản tiền 246 tỉ đồng này trở thành nguồn vốn không liên quan đến sở hữu Nhà nước.
Trong khi đó, 125 tỉ đồng vay ngân hàng nếu hạch toán vào chi phí dự án thì cũng không thể tách khoản tiền nợ vay này trở thành nguồn vốn không liên quan đến sở hữu Nhà nước.
Như vậy có thể khẳng định nguồn vốn để đầu tư vào đền bù GPMB của Tổng Công ty Bình Dương là nguồn vốn Nhà nước.
Nghị định 167 quy định rất rõ các loại tài sản công gồm: Đất của doanh nghiệp đang quản lý sử dụng, trừ đất của công ty cổ phần được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc nhận chuyển nhượng hợp pháp sau thời điểm được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa; đất thuê, thuê lại, nhận góp vốn, nhận giữ hộ, mượn của các tổ chức, cá nhân khác và đất khác không phải của doanh nghiệp.
Như vậy có thể thấy, nếu Tổng Công ty Bình Dương không tự ý chuyển nhượng Khu đất 43 ha cho công ty Tân Phú trái quy định của pháp luật thì Khu đất 43 ha này vẫn chính là tài sản công do Tổng Công ty Bình Dương “quản lý, sử dụng” theo đúng như quy định tại Nghị định 167.
Luật sư Đặng Xuân Cường cho rằng có đầy đủ pháp lý để thu hồi tài sản của Tổng Công ty XNK Bình Dương |
Hoàn toàn đủ căn cứ phát lý để thu hồi
Trước những vấn đề liên quan đến nội dung nêu trên, Luật sư Đặng Xuân Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Theo quy định của Luật đất đai năm 2013 thì tổ chức kinh tế chỉ được quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất có nguồn gốc từ nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và chỉ khi tiền sử dụng đất đã nộp, tiền nhận chuyển nhượng đã trả không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.
Xét bản chất nguồn vốn đầu tư hình thành khu đất 43 ha này, và chiếu theo quy định trên thì Tổng Công ty Bình Dương không thỏa mãn điều kiện để được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế.
Hơn nữa, theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Tổng Công ty Bình Dương còn phải nộp thêm số tiền sử dụng đất là trên 200 tỉ đồng.
Điều đó có nghĩa khu đất 43 ha là tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp nhưng đã bị Tổng Công ty Bình Dương và Công ty Tân Phú giao dịch chuyển nhượng trái pháp luật, gây thiệt hại lớn về tài chính cho Nhà nước.
Vì vậy, Tỉnh ủy, UBND, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương có trách nhiệm xem xét để quyết định phương án giải quyết vụ việc sai phạm này theo đúng quy định của pháp luật. Đảm bảo thực hiện đúng quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu Nhà nước trong việc đầu tư, quản lý sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Điều 41, Luật Quản lý Tài sản công 2017 quy định rất rõ tài sản công bị thu hồi trong các trường hợp: “chuyển nhượng, bán, tặng, cho, góp vốn, sử dụng tài sản để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự không đúng quy định, sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định”.
Đây chính là cơ sở pháp luật để Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương thu hồi quyền sử dụng đất bị chuyển nhượng trái pháp luật tại khu đất 43 ha.
Trong trường hợp, Tỉnh ủy, UBND và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương quyết thu hồi khu đất nói trên và bán đấu giá lấy tiền nộp về cho ngân sách của tỉnh Bình Dương theo quy định của pháp luật thì cơ bản sẽ chỉ có hậu quả hành chính đối với các cán bộ công chức, viên chức liên quan đến vi phạm này.
Ngược lại, nếu không giải quyết dứt điểm vụ việc và để tài sản Nhà nước bị thất thoát sẽ phát sinh những trách nhiệm hình sự.