Hội nghị là hoạt động thường niên nhằm thiết thực hưởng ứng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, với tinh thần “Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội”.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, qua theo dõi, Bộ Công Thương ghi nhận và đánh giá cao Thành phố Hà Nội là một trong những địa phương tích cực, đầu tàu trong công tác kết nối cung cầu và bình ổn thị trường. Ngoài ra, Hà Nội cũng là địa phương tiên phong trong công tác kêu gọi, thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia, hưởng ứng các chương trình của Bộ Công Thương tổ chức như “Tuần hàng Việt Nam” tại các siêu thị lớn ở nước ngoài như Central Group (Thái Lan), AEON (Nhật Bản), Lotte Mart (Hàn Quôc), Coop Italia (Ý), Casino (Pháp)... đóng vai trò quan trọng trong kết nối tiêu thụ hàng hóa giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình hợp tác, liên kết và ký kết các biên bản ghi nhớ với trên 50 tỉnh, Thành phố trong cả nước. Đặc biệt là các hoạt động hợp tác xúc tiến, kết nối giao thương với các tỉnh Sơn La, Bắc Giang, Hải Dương, Lào Cai, Phú Thọ, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Hòa Bình, Bắc Kạn, Hưng Yên, Lạng Sơn, Hà Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp,… đã góp phần tạo ra nhiều cơ hội liên kết hợp tác kinh tế cũng như định hướng phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Thủ.
Trong giai đoạn 2016 - 2018, Thành phố Hà Nội đã phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức 02 hội nghị, 28 hoạt động giao thương kết nối sản phẩm trái cây, nông sản thực phẩm, hoa các loại...; 18 tuần lễ trái cây, nông sản; ký kết gần 1.000 biên bản ghi nhớ; đã có trên 500 sản phẩm mới được các nhà phân phối của Hà Nội kết nối, tiêu thụ vào kênh phân phối trên địa bàn Thành phố và triển khai vào hệ thống phân phối trên toàn quốc.
Theo Phó Chủ tịch Thành phố, Hà Nội là thị trường tiêu thụ hàng hoá lớn với mạng lưới phân phối phát triển đồng bộ, hiện đại hàng đầu cả nước (gồm 22 trung tâm thương mại, 132 siêu thị, 454 chợ, gần 1.000 hệ thống cửa hàng tiện lợi, 766 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn của 12 quận nội thành, trên 65 chuỗi kinh doanh các hàng nông sản, thực phẩm...) có khả năng tập trung, phát luồng hàng tới các vùng, miền trong cả nước và xuất khẩu. Trong khi đó, khả năng cung ứng của các mặt hàng trên địa bàn Thành phố hiện vẫn chưa đáp ứng được so với nhu cầu của nhân dân.
Do vậy, Hội nghị giao thương kết nối cung cầu gắn với sự kiện Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam năm 2018 tại Hà Nội... sẽ là một chuỗi sự kiện liên kết có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường các sản phẩm có thế mạnh của Hà Nội và các địa phương một cách ổn định, bền vững.