Dễ dàng mở ví mua hàng online

(Ngày Nay) - Trong thời hiện đại, ngày càng nhiều người tiêu dùng trên khắp thế giới  chọn hình thức mua sắm trực tuyến, thay vì hình thức mua sắm truyền thống tại các cửa hàng. Tuy nhiên, để trở thành một người tiêu dùng trực tuyến thông thái, bạn cần hiểu rõ những lợi ích cũng như mặt trái mà thương mại điện tử mang lại.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

1.     Melissa – một phụ nữ 43 tuổi đang làm việc cho hãng đồ da Red Wing Heritage tại Mỹ- sẵn sàng làm mọi thứ để thỏa mãn thú mua sắm trực tuyến của mình, thậm chí cắt giảm cả bữa ăn thường ngày bé bằng bát súp. Melissa tuyên bố: “Tôi sẽ chỉ ăn mỳ tôm để dành tiền mua sắm”. Mỗi tuần, Melissa nhận 2 – 3 gói đồ đặt mua qua mạng. Cô tâm sự: “Tôi thích cảm giác trở về nhà và thấy một gói đồ trước cửa. Đó như là phần thưởng bất ngờ cho tôi vậy”.

Tại Mỹ, rất nhiều trường hợp phụ nữ khác có thói quen tiêu dùng giống Melissa. Thế nhưng, cô lại là một trong số ít người thừa nhận bị “nghiện” mua sắm online. Melissa tâm sự : “Không ai viết thư cho tôi. Thế là tôi tự viết cho mình một bức thư, đặt hàng qua mạng và tự gửi cho mình một chiếc áo sơ mi hoặc đôi giày đáng yêu. Mua sắm trực tuyến là bệnh kéo dài vì tôi sử dụng máy tính hàng ngày. Nó giống như một người tình mà bạn không thể chia tay vậy”.

Bà Merle Bader – 68 tuổi, quản lý một văn phòng tại thành phố Marlboro thuộc tiểu bang New Jersey – chưa gặp rắc rối gì trong việc mua sắm cho tới khi phải nghỉ dưỡng bệnh ở nhà sau cuộc phẫu thuật 3 năm trước. Để tránh sự nhàm chán, bà bắt đầu lên mạng 2 tiếng/ngày và tiêu hàng ngàn USD mỗi tuần để mua hàng online từ các trang mua sắm như Pottery Bam và Zulily. Bà Merle nói: “Đó có thể là đồ đạc mới, quần áo mới cho các cháu... Bất cứ thứ gì cũng không thành vấn đề với tôi”.

Thậm chí khi quay lại công sở, việc mua sắm online của bà Merle không dừng lại và trở thành thói quen hàng ngày. Không ngạc nhiên, sở thích này khiến bà Merle “cháy túi”. Bà Merle thừa nhận rằng ông chồng chán nản, trong khi mọi người chế nhạo bà. Bà Merle tuyên bố: “Tôi sẽ cố gắng thoát khỏi cơn “nghiện” mua sắm vì tôi sẽ về hưu”. May mắn, bà Merle có tiến bộ với việc kiềm chế truy cập vào các website bán lẻ nổi tiếng, đồng thời giới hạn thời gian mua sắm trực tuyến của mình 30 phút/ngày và tiêu khoảng 200 USD/tuần.

Từ năm 2015, người Mỹ đã lập kỷ lục mua sắm trực tuyến với số tiền hơn 341,7 tỷ USD, cao gần gấp đôi con số của năm 2010. Nửa đầu năm 2016, ngành bán lẻ trực tuyến Mỹ tăng tới 16%. Số người mua sắm trực tuyến tăng thêm gần 20 triệu từ năm 2015 đến 2016 và 224 triệu khách hàng online ngày càng chi tiêu nhiều hơn. Dự báo người dân “xứ sở cờ hoa” sẽ  chi tới 632 tỷ USD cho mua sắm trên mạng vào năm 2020.

Dễ dàng mở ví mua hàng online ảnh 1

Xu hướng mua sắm trực tuyến tại Mỹ đang buộc các hãng bán lẻ phải chuyển mình thật nhanh. Một số hãng đóng cửa các cửa hàng, đầu tư thêm tiền cho thương mại điện tử. Một số không kịp chuyển mình đã chấp nhận phá sản và biến mất khỏi thị trường. Riêng trong năm 2017, đã có tới hơn 6.700 cửa hàng đóng cửa tại Mỹ. Con số này cao nhất từ trước tới nay và cao gấp 3 lần năm 2016. Số vụ phá sản trong ngành bán lẻ cũng đã lên tới 620 vụ.

Terrence Shulman – chuyên gia tư vấn cho những người tiêu dùng quá đà – cho biết : “Nhiều người ngày càng “nghiện” mua hàng trực tuyến bởi việc dễ dàng sử dụng smart-phone hoặc các loại máy tính để tiếp cận với các trang thương mại điện tử hoạt động liên tục 24/24h trong 7 ngày/tuần”.

Ayo Adelaja – một cô gái 22 tuổi “cuồng” mua hàng online ở tiểu bang San Francisco – nói: “Tôi thấy thoải mái, tiện nghi khi được sắm đồ ngay trong căn nhà của mình”. Adelaija tiêu tốn khoảng 150 USD/giờ, mất khoảng 12 tiếng mỗi tuần để lướt các website bán lẻ. Mỗi sáng, cô mua sắm đủ thứ từ các website ưa thích như Forever 21, ASOS, Missguided…Istagram là công cụ chính để Adelaija khám phá các nhãn hiệu mới và cô luôn nhấp “chuột” vào bất kỳ loại hàng nào đang được quảng cáo giảm giá. Trong những lần mua sắm online vô độ, thậm chí Adelaija không thể nhớ mình đã đặt hàng những gì.

Rebecca Resnick Gick – nhà thiết kế và chủ cửa hàng thời trang ở Roslyn, New York – cho biết nhiều khách hàng của mình đang chìm đắm với thú mua sắm thả phanh. Rebecca nói: “Tôi chứng kiến có những phụ nữ đặt hàng tới 17 cái quần jean với nhiều kích cỡ nhưng vẫn chưa ưng ý. Một khách hàng nổi tiếng thậm chí có hẳn kho chứa đồ rộng gần bằng căn hộ 2 phòng ngủ, nhiều hộp đựng đồ còn chưa mở. Phụ nữ bỏ hàng trăm ngàn USD mua các món đồ thời trang có thể hoàn trả cho hãng bán lẻ Net-A-Porter. Thế nhưng họ quá lười để làm điều đó”.  

2.   Một trong những tiện ích đầu tiên của thương mại điện tử là tiết kiệm thời gian tối đa trong cuộc sống bận rộn. Người tiêu dùng không cần ra phố, chen chúc trong đám đông ở các trung tâm thương mại để tìm sản phẩm, chờ thanh toán; thay vào đó, chỉ cần ngồi ở nhà, thảnh thơi lướt Internet và với vài cú nhấp “chuột” là đã có thể đặt mua hàng.

Thứ hai, thương mại điện tử khá nhanh chóng và tiện lợi. Hiện tại trên thế giới, nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh, chính sách giao hàng 24 giờ/7 ngày và cam kết minh bạch cước phí, ưu đãi. Các ngân hàng cũng đưa ra nhiều giải pháp thanh toán  dễ dàng giúp khách hàng nhanh chóng đặt mua được nhiều sản phẩm trên mạng.

Thứ ba, trong giai đoạn kinh tế khó khăn, người tiêu dùng cần “săn” hàng giá rẻ nhất có thể. Các website bán hàng trực tuyến với giá cả được niêm yết công khai đáp ứng nhu cầu này khi cho phép người tiêu dùng so sánh để chọn lựa sản phẩm yêu thích với giá cạnh tranh nhất và phù hợp túi tiền của mình. Trong khi đó, các nhãn hàng thường xuyên tung ra các chương trình bán hàng độc quyền, các đợt khuyến mại, phối hợp với các nhà phân phối bán lẻ trên mạng để bán sản phẩm với giá chiết khấu hấp dẫn nhằm thu hút khách hàng.

Thứ tư, hàng hóa trên mạng rất đa dạng, người tiêu dùng có thể tìm thấy tất tật màu sắc/thiết kế các mặt hàng từ đồ gia dụng, điện tử, thời trang, nội ngoại thất, thực phẩm…cho tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, làm đẹp…

Với nhiều tiện lợi như trên, nếu không tiết chế, bạn lại có thể trở thành người tiêu dùng thiếu thông minh vì những quyết định mua sắm mang tính đột xuất nằm ngoài kế hoạch. Điều này sẽ dẫn tới những hậu quả tai hại.

Dễ dàng mở ví mua hàng online ảnh 2Ảnh minh họa

Khi bị cuốn vào các quảng cáo có cánh, người tiêu dùng khó kiểm soát được cảm xúc, dẫn tới những quyết định mua sắm khá bất thường mà ở các thời điểm khác, họ khó lòng đưa ra quyết định tương tự. Việc shopping ngoài kế hoạch như vậy có thể khiến người tiêu dùng mất cân đối nghiêm trọng về tài chính. Bên cạnh đó, những quyết định mua sắm mang tính bất chợt có thể khiến người tiêu dùng không xác định đúng món hàng mà mình thực sự cần, có thể sẵn sàng bỏ tiền để mua những món hàng chưa có nhu cầu sử dụng, dẫn tới sự lãng phí.

Các chuyên gia tâm lý đưa ra một số đặc điểm của “con nghiện” mua sắm online như: hầu hết dùng Facebook nhiều; mỗi ngày mua sắm online 01 lần hoặc hơn 01 lần/tuần; có nhiều email báo hàng khuyến mại đến từ các trang web mua sắm điện tử; thường xuyên mua và nhận hàng online ở nơi làm việc; nhận được món hàng nhưng không nhớ nổi mình đặt ở đâu, lúc nào và hết bao nhiêu tiền; smartphone chứa đấy các app (ứng dụng) mua bán trực tuyến; bị ám ảnh với món đồ trên mạng tới mức quên ăn quên ngủ và chỉ muốn tìm cách sở hữu nó; coi mua sắm trên mạng là cách giải trí duy nhất; các mối quan hệ, công việc, tài chính bị ảnh hưởng; không còn thời gian làm những việc yêu thích khác…

Các chuyên gia, trong đó có Brad Lamm – người điều hành một cơ sở “cai nghiện” mua sắm online tại thành phố New York – cho rằng ngăn chặn sự cám dỗ của các nhãn hiệu là bước đầu tiên để “cai nghiện” thành công. Ông Brad Lamm khẳng định: “Cần loại bỏ các app mua bán trực tuyến ra khỏi smartphone. Cũng cần thay đổi các tính năng mạng xã hội cá nhân để chặn quảng cáo online”. Ông Brad Lamm đang thiết lập các công cụ giúp khách hàng quản lý máy tính (chặn các trang mua sắm trực tuyến yêu thích); khuyến khích “con nghiện” hủy đăng ký thư và danh mục hàng hóa do các cửa hàng online gửi tới. Ngoài ra, hàng loạt biện pháp mạnh được khuyến cáo áp dụng như: bỏ “thích” với tất cả trang bán hàng online mà “con nghiện” từng thích trên Facebook, xóa các history trên máy tính về các trang web buôn bán, tạm khóa dịch vụ chuyển khoản qua mạng, không vào các trang web thanh lý hàng…

Bà Kit Yarrow – tác giả cuốn sách “Giải mã tâm trí mới của người tiêu dùng” (Decoding the new consumer mind) – cho rằng điều bắt buộc là phải xóa số thẻ tín dụng trong trang web liên kết với tài khoản của “con nghiện”. Bà Kit giải thích:” Trong lúc nhớ lại số thẻ tín dụng, bạn sẽ có thêm thời gian suy nghĩ trước khi quyết định mua hàng”. Theo bà Kit, bước tiếp theo là đặt ra những câu hỏi khó cho bản thân, chẳng hạn :”Liệu tôi có đang mua sắm dựa vào cảm xúc?”.

Cuối cùng, cũng giống như những thứ nghiện khác, người tiêu dùng có thể chữa trị thành công căn bệnh “nghiện” mua sắm trực tuyến với liệu pháp tâm lý và sự hỗ trợ của cộng đồng.

Thực tế tại Mỹ, có những người “nghiện” mua sắm online đã tìm sự giúp đỡ từ các trung tâm cai nghiện mua sắm như “Addiction Help Center”. "Addiction Help Center” tập trung chữa trị cho “con nghiện” thông qua việc giúp họ nhận biết nguồn gốc, biểu hiện của chứng “cuồng mua hàng online”; học cách quản lý hành vi mua sắm, quản lý tài chính; đồng thời chia sẻ những câu chuyện “cai nghiện” thành công…

Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?