Theo đó, thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo tính đến 17 giờ ngày 7/9/2021, cả nước ghi nhận 10.770 học sinh, sinh viên mắc COVID-19. Trong đó có 1.028 sinh viên và 9.742 học sinh.
Nhân viên y tế quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) tiến hành hành lấy mẫu xét nghiệm test nhanh COVID-19 cho các em học sinh trường Tiểu học Xuân Phương. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN |
Bộ GD&ĐT đề nghị các trường cần phát huy vai trò của tổ tư vấn tâm lý, tổ công tác xã hội trong nhà trường để hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời cho học sinh, đặc biệt là những em đang ở các địa phương khác do dịch bệnh chưa thể trở về gia đình để tham gia học tập khi các em gặp các vấn đề về tâm lý, về an sinh; xây dựng kế hoạch, phương án tư vấn trực tuyến, tư vấn cá nhân khi học sinh cần.
Nhà trường cũng khuyến khích giáo viên, học sinh ghi các video clip chia sẻ kinh nghiệm hay trong việc phòng, chống dịch, trong việc dạy và học ở điều kiện phòng chống dịch; các kỹ năng phòng chống xâm hại, bắt nạt qua mạng…
Đồng thời, trường học lựa chọn và đăng tải nội dung tốt lên các website, fanpage, ứng dụng trực tuyến, hệ thống tin nhắn của nhà trường để tuyên truyền và lan toả. Đồng thời, tăng cường kết nối, trao đổi giữa giáo viên chủ nhiệm, giáo viên các môn học, cán bộ Đoàn, giáo viên - tổng phụ trách đội… trong quá trình học sinh học trực tuyến để chia sẻ, hỗ trợ liên thông giữa nhà trường, giáo viên, cha mẹ học sinh và học sinh.
Theo các chuyên gia giáo dục, với những sinh viên thời gian giãn cách này nên có suy nghĩ tích cực hơn. Bởi đây là thời điểm để các bạn sinh viên học tập, phát triển các kỹ năng mềm. Hay những sinh viên có kỹ năng mềm, lanh lợi, nhưng điểm học tập còn kém thì trong dịch hãy học tập, trau dồi kiến thức để chuẩn bị cho chặng đường phía trước.
Về phía Bộ GD&ĐT, Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên phối hợp với Vụ Giáo dục Đại học, các đơn vị của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam… để tìm kiếm các nguồn hỗ trợ từ các đơn vị, doanh nghiệp hảo tâm… để giúp đỡ học sinh sinh viên.