Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Dạy học trực tuyến phải gắn với đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -Chiều 8/9, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học Việt Nam, đại diện các đài truyền hình, kênh truyền hình Trung ương… bàn giải pháp đẩy mạnh dạy và học trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Nỗ lực bảo đảm công bằng trong giáo dục

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Dạy học trực tuyến phải gắn với đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh ảnh 1
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc chuẩn bị năm học mới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trong khi ngành Giáo dục phải tiếp tục đổi mới chương trình, sách giáo khoa, việc bảo đảm chất lượng giáo dục là yêu cầu rất quan trọng, đặc biệt đối với học sinh đầu cấp và bậc Tiểu học.

Phó Thủ tướng cho rằng, trong điều kiện hiện nay, cùng với việc bảo đảm an toàn tại những nơi có điều kiện dạy học trực tiếp, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số, trong đó có giáo dục trực tuyến. Tuy nhiên, một bộ phận học sinh không đủ điều kiện và khả năng tiếp cận học trực tuyến, dạy học qua truyền hình là phương thức hỗ trợ phù hợp và tốt nhất. Đối với những nơi không thể học trực tuyến, học qua truyền hình do có dịch COVID-19, ngành Giáo dục tiếp tục áp dụng các biện pháp như chuyển gửi tài liệu học tập, bài kiểm tra…

“Việc áp dụng phương thức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình phải gắn với đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh, không làm gia tăng bất bình đẳng trong học tập, đặc biệt trong thi cử, nhất là các kỳ thi chuyển cấp, nhằm bảo đảm quyền lợi cho học sinh, phụ huynh cũng như toàn xã hội yên tâm”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nỗ lực bảo đảm công bằng trong giáo dục, không chỉ giữa các vùng miền mà cả những nơi đang có dịch và không có dịch, đặc biệt quan tâm đến những học sinh nghèo ở vùng có dịch. “Phải có chương trình huy động tổng thể các nguồn lực để hỗ trợ trang thiết bị, công cụ học tập cho học sinh nghèo trong điều kiện có dịch”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Trong việc tổ chức dạy và học, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, học liệu phải chuẩn mực và đảm bảo chất lượng. Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động, kêu gọi các tổ chức cung cấp dịch vụ dạy học trực tuyến chọn lựa những học liệu tốt nhất; khẩn trương biên soạn học liệu trực tuyến cho học sinh lớp 2 và lớp 6 theo chương trình, sách giáo khoa mới.

Theo đó, cuộc làm việc thống nhất: Phương thức học trực tuyến là phương thức chủ đạo, học truyền hình là phương thức bổ trợ quan trọng, nhất là ở những nơi không có điều kiện học trực tuyến. Học truyền hình tương tác kém hơn học trực tuyến nhưng khả năng tiếp cận công bằng hơn, phù hợp với những gia đình khó khăn hoặc các học sinh còn nhỏ, thậm chí tốt hơn học trên điện thoại di động.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm việc cụ thể, chi tiết với các đài truyền hình, kênh truyền hình Trung ương, sắp xếp học liệu, bài giảng truyền hình, lên lịch phát sóng đảm bảo diện bao phủ tốt nhất; tiếp tục làm việc để các đài địa phương tiếp sóng, bổ trợ cho cả những học sinh học trực tuyến. Tương tự như trong chống dịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng cần đảm bảo đường truyền phục vụ cho dạy, học trực tuyến.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Trên tinh thần, ít nhất phải có 2 khung giờ phát bài giảng truyền hình/môn/khối mỗi ngày, nhất là bài giảng cho bậc Tiểu học”.

Sẽ điều chỉnh về thời gian kết thúc năm học

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Dạy học trực tuyến phải gắn với đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh ảnh 2
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Theo khảo sát nhanh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc tổ chức dạy học trong những ngày đầu tiên của năm học mới 2021-2022 có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đặc biệt tại những nơi đang thực hiện giãn cách xã hội. Việc tổ chức dạy học trực tuyến ở nhiều nơi chưa hiệu quả do hệ thống đường truyền hạn chế, phần mềm dạy học miễn phí chất lượng không tốt, nhiều học sinh thiếu trang thiết bị học tập...

Thống kê sơ bộ, tại TP Hồ Chí Minh thiếu khoảng 77.000 máy tính để học trực tuyến. Nhiều địa phương vùng khó khăn, khoảng 50 - 70% học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến; nhiều thôn bản không có mạng Internet… Trong khi đó, việc học trực tuyến đối với học sinh tiểu học, nhất là học sinh lớp 1, lớp 2 gặp khó khăn hơn do các em còn nhỏ, chưa có điều kiện để làm quen với phương thức học tập này.

Trong số 48 địa phương tổ chức khai giảng năm học mới 2021-2022, có 14.010 trường tổ chức học trực tiếp, 11.419 trường tổ chức học trực tuyến, 8.719 trường chưa tổ chức dạy học. Hầu hết các địa phương tập trung ưu tiên dạy học cho các lớp cuối cấp (lớp 9 và lớp 12). Số giáo viên, học sinh thuộc diện F0, F1 nhiều, chưa kể số giáo viên, học sinh đang ở các khu cách ly y tế cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức dạy và học ở một số địa phương.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai năm học mới, trong đó có việc tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình; bổ sung bài giảng, học liệu phục vụ việc dạy và học này. “Dạy học trực tuyến là phương thức chính, dạy học trên truyền hình là phương thức bổ trợ quan trọng nhất. Riêng các em học sinh lớp 1, lớp 2, việc dạy học trên truyền hình sẽ là trọng tâm”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định.

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức xây dựng video bài giảng (dạy trên truyền hình) của môn học lớp 1, lớp 2 và lớp 6. Đối với các lớp còn lại (3, 4, 5, 7, 8, 9, 10, 11, 12), Bộ Giáo dục và Đào tạo lên phương án tổng hợp các nguồn bài giảng hiện có ở địa phương; kết hợp điều phối, phân công địa phương và xã hội hóa việc sản xuất bài giảng dưới sự hỗ trợ thẩm định bài giảng của Bộ. Những nơi khó khăn về dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình, các trường sẽ phát phiếu học tập đến học sinh để đảm bảo việc học không gián đoạn. Đối với bậc học mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức xây dựng “ngân hàng video” để phụ huynh hướng dẫn, giáo dục trẻ ở nhà.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, tất cả những địa phương có dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ sẽ có điều chỉnh về thời gian kết thúc năm học và phương pháp thi hết cấp, đầu cấp, thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, tuyển sinh Đại học, trên tinh thần tạo điều kiện tối đa, không để các học sinh thiệt thòi.

Trước ý kiến cần tiếp tục chú trọng giảm tải khi thiết kế các chương trình học trực tuyến, học qua truyền hình, đặc biệt ở bậc tiểu học, tránh hình thức, hời hợt hoặc quá căng thẳng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trước mắt giáo viên không thực hiện việc kiểm tra, đánh giá học sinh trong quá trình dạy học trực tuyến hoặc trên truyền hình đối với học sinh lớp 1, lớp 2.

Tại cuộc làm việc, các ý kiến thống nhất, trong điều kiện có dịch COVID-19 hiện nay, bên cạnh phương thức dạy học trực tuyến, ngành Giáo dục cần đặc biệt quan tâm giảng dạy qua truyền hình. Theo đó, để bao phủ tất cả các khối và môn học, các ý kiến cho rằng cần có nhiều kênh phát sóng theo các khung giờ cố định.

Đại diện Đài truyền hình Việt Nam, Truyền hình Thông tấn (Thông tấn xã Việt Nam), Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, Truyền hình Nhân Dân… cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chủ trì, “phân vai” cho từng kênh phát sóng việc dạy học các khối trên từng kênh truyền hình. Một số ý kiến đề xuất phương thức khác nhằm mục tiêu đưa các bài giảng đến tất cả mọi học sinh với chất lượng tốt nhất, ở mọi nơi, mọi lúc…

Nhấn mạnh vai trò hỗ trợ quan trọng của các phụ huynh học sinh, một số ý kiến đề xuất tổ chức mạng lưới “Giáo viên đồng hành” để gọi điện, hỗ trợ cho từng học sinh, phụ huynh; kết nối cụ thể từng yêu cầu để hỗ trợ trực tiếp cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn qua Đề án Hệ tri thức Việt số hóa...

Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
(Ngày Nay) - Nga vừa thông báo tuyển tình nguyện viên để thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa ung thư mới có tên là Enteromix. Vaccine do Trung tâm Nghiên cứu Y học Quốc gia về X quang của Bộ Y tế và Viện Y sinh Engelhardt thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga hợp tác điều chế, được Nga tuyên bố là bước đột phá trong cuộc chiến chống ung thư.