Sáng 12/1, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhệm vụ năm 2022 của ngành Nội vụ. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo Bộ Nội vụ và các bộ, ngành tham dự Hội nghị.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, các địa phương đã có nhiều tham luận và trao đổi nhiều nội dung về đổi mới hệ thống tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; đổi mới tuyển chọn công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý; việc thực hiện tổ chức chính quyền đô thị… và đề xuất nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực Nội vụ.
Xóa bỏ tình trạng khép kín trong công tác bổ nhiệm
Tham luận của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương đề cập: Mặc dù không nằm trong danh sách triển khai thực hiện thí điểm tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý của Bộ Nội vụ, tuy nhiên, Bắc Giang là một trong những tỉnh đầu tiên trên cả nước thực hiện công tác này. Từ năm 2009, tỉnh đã có đề án thực hiện thí điểm tuyển chọn công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý một số đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc hai ngành: giáo dục - đào tạo và y tế. Năm 2010, tỉnh thực hiện đề án tuyển chọn trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương; cấp trưởng, cấp phó đơn vị sự nghiệp nhà nước trực thuộc cấp sở, UBND cấp huyện; cấp trưởng, cấp phó đơn vị sự nghiệp trực thuộc phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.
Quy định về công tác tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý ngày càng được hoàn thiện, phù hợp hơn với tình hình thực tiễn và công tác cán bộ của tỉnh trong thời kỳ mới. Các nội dung tuyển chọn đã đảm bảo nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ; đảm bảo khách quan, công bằng, công khai, minh bạch và có cạnh tranh trong tuyển chọn.
Từ năm 2012 đến nay, tỉnh tuyển chọn được 668 vị trí (trong đó 333 cấp trưởng và 335 cấp phó), chủ yếu là tuyển chọn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường thuộc khối sự nghiệp giáo dục và đào tạo (chiếm trên 90% tổng vị trí tổ chức tuyển chọn). Kết quả tuyển chọn qua các năm cho thấy, việc thực hiện tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh Bắc Giang đã đi vào nề nếp và được các cấp, các ngành, cùng nhân dân trong tỉnh ủng hộ, từng bước xóa bỏ được tình trạng khép kín trong công tác bổ nhiệm.
Nguồn nhân sự tham gia tuyển chọn được mở rộng không chỉ bó hẹp tại cơ quan, đơn vị mà bao gồm tất cả công chức, viên chức trong và ngoài ngành có đủ điều kiện đều được đăng ký dự tuyển. Thông qua việc tổ chức tuyển chọn, khuyến khích được công chức, viên chức trẻ, có năng lực tham gia tuyển chọn để đảm nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý; góp phần trẻ hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh.
Tuy nhiên, theo ông Lê Ánh Dương, tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý là vấn đề mới, chưa có quy định cụ thể của Trung ương, kinh nghiệm thực tế triển khai không nhiều nên việc tổ chức thực hiện đôi lúc còn lúng túng. Tỉnh Bắc Giang thực hiện theo phương châm lấy Đề án của Bộ Nội vụ làm cơ sở, vận dụng linh hoạt vào tình hình thực tế của địa phương, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.
Để công tác tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý tiếp tục được triển khai rộng rãi, đồng bộ và có hiệu quả, UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ Nội vụ sớm ban hành quy định về tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý làm cơ sở pháp lý cho các bộ, ngành, địa phương trong cả nước thực hiện thống nhất.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long đề nghị tiếp tục rà soát, cân nhắc để cắt giảm thêm một số cuộc thi và chứng chỉ không cần thiết đối với cơ chế tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức. “Một số nơi, một số việc tôi thấy hơi hình thức", ông Long nói.
Bộ trưởng cũng đề nghị rà soát thêm các tiêu chuẩn, điều kiện đặt ra trong Nghị định số 140/2017/NĐ-CP về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ mà không thông qua thi tuyển.
“Các đồng chí cân nhắc thêm điều kiện có bằng tốt nghiệp đại học loại khá và có bằng thạc sỹ, vì thật ra một người học giỏi và có trình độ chuyên môn tốt thì bằng đại học là quan trọng, còn bằng thạc sỹ thì rất mức độ”, Bộ trưởng Lê Thành Long đề xuất.