Liên tiếp xảy ra sốt đất trên diện rộng
Ngày 22/4, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có Công văn số 38/2021/CV-HoREA trình Thủ tướng Chính phủ, đề xuất các giải pháp đặc trị sốt đất, sốt giá nhà.
Theo HoREA, kể từ năm 2017, thị trường bất động sản liên tiếp xảy ra nhiều đợt sốt đất, nhất là cơn sốt đất diễn ra liên tiếp trên diện rộng hiện nay. Sốt đất đã gây ra nhiều hệ quả tiêu cực, làm mất cơ hội nhà ở của đông đảongười lao động có thu nhập trung bình, ảnh hưởng đến an sinh và trật tự xã hội.
Thủ phạm gây ra các đợt sốt đất, sốt giá nhà là giới đầu nậu, cò đất, doanh nghiệp bất lương đã thực hiện các thủ đoạn tung tin đồn thổi, làm giá - thổi giá, lợi dụng tâm lý đám đông - hám lợi, thậm chí cài “chim mồi” tạo giao dịch mua bán giả nhằm trục lợi bất chính. “Trong một số trường hợp đã có sự móc nối, tiếp tay, chống lưng của cán bộ cơ sở”, văn bản của HoREA nêu.
Sau cơn sốt đất, nhiều nhà đầu tư chạy theo đám đông, không đủ thông tin và kỹ năng đã bị “sập bẫy”, thua lỗ nặng, rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, thậm chí trắng tay. Nhiều khu đất trở nên hoang hóa, giá đất ở một số địa phương bị đẩy lên quá cao so với giá trị thực, thiết lập mặt bằng giá mới gây tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư.
Ngoài ra cũng xảy ra tình trạng giá nhà ở tăng vọt, nguyên nhân chủ yếu do sự sụt giảm nguồn cung, thiếu sản phẩm nhà ở, rất thiếu căn hộ có giá vừa túi tiền hoặc nhà ở thương mại giá thấp, thiếu nhà ở xã hội. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung còn do các dự án nhà ở mới bị hạn chế phê duyệt do ách tắc thủ tục đầu tư xây dựng, một số doanh nghiệp có sẵn dự án đã lợi dụng tình trạng này để áp đặt giá bán và thu lợi nhuận rất cao.
Giới đầu tư tập trung về huyện Hớn Quản (Bình Phước) cuối tháng 2 vừa qua gây nên tình trạng sốt đất. |
Đề xuất tăng thuế cao với chủ sở hữu nhiều bất động sản
Để kiểm soát tình trạng sốt đất, giá bán nhà ở quá cao như hiện nay, HoREA đã trình Thủ tướng xem xét thực hiện nhiều biện pháp, trong đó có việc sử dụng hiệu quả công cụ về thuế và ban hành thuế bất động sản.
Theo đề xuất của HoREA, cần ban hành thuế chống đầu cơ nhà đất, trong đó đánh thuế thu nhập rất cao với hành vi mua bán, chuyển nhượng nhà đất ngay sau khi tạo lập để triệt tiêu ý chí của các nhà đầu tư “lướt sóng”. Cụ thể đánh mức thuế suất rất cao nếu bán, chuyển nhượng lại nhà đất trong năm đầu tiên và tiếp tục giữ mức thuế cao trong năm thứ 2, 3.
Các trường hợp bán, chuyển nhượng nhà, đất sau khi tạo lập được 3 năm hoặc chứng minh được nhu cầu bán, chuyển nhượng nhà, đất là chính đáng, thì áp dụng mức thuế bình thường. Như vậy, mức thuế này sẽ không ảnh hưởng đén người có nhu cầu mua nhà ở thực.
Ngoài ra, người sử dụng nhiều nhà đất mà không dùng để ở hoặc sản xuất, kinh doanh thì phải chịu mức lãi suất lũy tiến theo số lượng nhà đất sở hữu. Trong trường hợp thị trường bất động sản bị đầu cơ, thì có thể áp dụng thuế suất rất cao để triệt tiêu ý chí đầu cơ.
Ngoài ra, theo HoREA, cần có mức thuế cao với hành vi của người sử dụng đất chậm đưa đất vào sử dụng để triệt tiêu ý chí găm đất, chậm đưa đất vào sử dụng để đầu cơ. Pháp luật hiện nay có quy định người sử dụng đất được gia hạn 24 tháng kể từ ngày hết hạn sử dụng đất và nộp tiền bổ sung với thời gian này. Tuy nhiên, chế tài này chưa đủ sức răn đe, chưa ngăn chặn được tình trạng chậm đưa đất vào sử dụng để đầu cơ, vì lợi nhuận khi bất động sản tăng giá lớn hơn nhiều với khoản tiền phải nộp bổ sung.
HoREA cũng đề xuất ban hành thuế bất động sản và đề xuất quy định bổ sung thẩm quyền của Chính phủ để sử dụng hiệu quả công cụ thuế và thuế suất để bình ổn khi có biến động của thị trường bất động sản.
Ngoài các đề xuất về thuế, HoREA cũng đề xuất Thủ tướng xem xét sử dụng các công cụ tiền tệ - tín dụng, sử dụng các công cụ quy hoạch và sử dụng các công cụ hành chính khi cần thiết để kiểm soát hiệu quả tình trạng sốt đất như hiện nay.