ĐH Sư phạm Kỹ thuật có sai khi đuổi 400 sinh viên không nộp bằng THPT?

Đại diện nhiều trường cho rằng cách làm của ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM tương đối nghiêm khắc nhưng không sai so với quy định của Bộ GD&ĐT.
Sinh viên ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM trong giờ thực hành. Ảnh: Tấn Thạnh/Người Lao Động.
Sinh viên ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM trong giờ thực hành. Ảnh: Tấn Thạnh/Người Lao Động.

ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM vừa buộc thôi học 438 sinh viên, trong đó số thuộc hệ đào tạo chất lượng cao chiếm nhiều nhất với 228 người. Lý do trường đưa ra là những sinh viên này không nộp bản gốc bằng tốt nghiệp THPT để kiểm tra và đối chiếu hồ sơ.

Thực tế, hàng năm, các trường đại học vẫn tiến hành việc đối chiếu, kiểm tra thông tin sinh viên nhập học để đảm bảo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.

10% sinh viên bỏ học mỗi năm

Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ Thuật TP.HCM, cho biết danh sách bị đuổi học vì không nộp bằng THPT có hơn 400 sinh viên. Tuy nhiên, chỉ 10 sinh viên không nộp bằng, số còn lại đã nghỉ học, du học hoặc đã học ở trường khác.

Do đó, việc kỷ luật đuổi học vì không nộp bản gốc bằng tốt nghiệp THPT chỉ là hình thức để trường xóa tên các em này trong danh sách sinh viên.

"Phần lớn sinh viên trong danh sách bị đuổi học lần này đã nghỉ từ lâu nên nhà trường đưa vào hình thức kỷ luật vì không nộp bản gốc bằng tốt nghiệp cấp ba. Thực tế, không trường nào muốn đuổi hàng trăm sinh viên, nhất là đối với các trường tự chủ, nguồn thu phụ thuộc nhiều vào học phí. Trung bình mỗi năm có khoảng 10% chỉ tiêu tuyển sinh nghỉ học, bỏ học", ông Dũng cho biết.

ĐH Sư phạm Kỹ thuật có sai khi đuổi 400 sinh viên không nộp bằng THPT? ảnh 1

Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Ảnh: M.N.

Theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, sinh viên nhập học phải trình giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời. Sau một năm, các em phải nộp bản gốc bằng tốt nghiệp để đối chiếu, kiểm tra.

Ông Dũng cũng cho biết thêm 10 sinh viên không nộp bằng có thể vì chưa tốt nghiệp hoặc có lý do khác. Trường đã thông báo nhiều lần nhưng sinh viên không chấp hành, nên buộc phải kỷ luật.

Chưa tốt nghiệp THPT vẫn học đại học

Không chỉ ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, nhiều trường đại học tại TP.HCM cũng có những biện pháp kiểm tra, đối chiếu để đảm bảo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.

Ông Đồng Văn Hướng, Phó hiệu trưởng ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM, cho rằng việc làm của ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM là hoàn toàn hợp lý. Theo ông Hướng, thay vì để đến khi xét tốt nghiệp mới "ngã ngửa" vì sinh viên chưa tốt nghiệp cấp ba, việc kiểm tra ngay từ đầu sẽ rà soát và lọc sinh viên dần, tránh lãng phí thời gian, công sức của cả nhà trường và chính sinh viên.

ĐH Sư phạm Kỹ thuật có sai khi đuổi 400 sinh viên không nộp bằng THPT? ảnh 2

Tân sinh viên ĐH Kinh tế - Luật làm thủ tục nhập học. Ảnh: Phương Linh.

Ông Hướng cho hay ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM thường yêu cầu sinh viên nộp bản photo có công chứng bằng tốt nghiệp THPT bản chính cho nhà trường ngay trong năm nhất để đảm bảo điều kiện học tập cho các năm sau.

"Những năm gần đây, các trường bắt đầu xét tuyển đại học bằng điểm học bạ THPT, nhiều sinh viên trúng tuyển khi còn chưa dự thi THPT quốc gia. Do đó, việc kiểm tra, đối chiếu lại thông tin khi sinh viên vào học là cần thiết", ông Hương nói.

Phó hiệu trưởng ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM cũng thông tin rằng tại trường này có trường hợp sinh viên vào học vài năm nhưng khi yêu cầu nộp bằng tốt nghiệp THPT mới biết em này chưa tốt nghiệp cấp ba.

Ông Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đuổi học sinh viên khi không nộp bằng THPT là cách làm riêng của trường.

Tại ĐH khoa học Xã hội và Nhân văn, sinh viên chỉ nộp bằng tốt nghiệp THPT lúc làm hồ sơ xét tốt nghiệp đại học. Người nào không nộp sẽ không được xét tốt nghiệp.

“Tinh thần chung của Bộ GD&ĐT quy định sinh viên phải nộp bằng tốt nghiệp THPT để kiểm tra theo quy chế tuyển sinh. Các trường tùy theo cách quản lý của mình có thể thu lúc này lúc khác và có những hình thức kỷ luật khác nhau", ông Hạ cho hay.

Ông Trần Vũ, Trưởng phòng Công tác Sinh viên, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng cách làm của ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM tương đối nghiêm khắc và không sai.

"Về mặt quy định của Bộ GD&ĐT, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM làm không sai, tuy nhiên mỗi trường có cách quản lý sinh viên khác nhau. Đối với ĐH Khoa học Tự nhiên, khi xác nhận nhập học, thí sinh đều phải nộp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời.

Với giấy chứng nhận này, nhà trường tạm tin tưởng các bạn đã tốt nghiệp THPT. Nhà trường cũng tạo điều kiện cho các bạn đến khi xét tốt nghiệp mới yêu cầu nộp bằng chính thức", ông Vũ cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, vấn đề đối chiếu bằng là bắt buộc nhưng trên thực tế chỉ mang tính chất kiểm tra để đảm bảo thông tin chứ không cần thiết lắm.

"Các em nhập học đã kiểm tra giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời rồi và đồng thời trong dữ liệu xét tuyển sinh các em bị rớt tốt nghiệp đã không nằm trong dữ liệu nên việc kiểm tra lại chỉ là hình thức. Nếu đến khi xét tốt nghiệp đại học, sinh viên vẫn không xác minh được mình đã tốt nghiệp THPT thì không được tốt nghiệp đại học. Quá thời gian tốt nghiệp mới bị đuổi học", ông Sơn nêu quan điểm.

Theo Zing
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.