Ngày 14/2, người đứng đầu cơ quan y tế địa phương Tanimbar ở Maluku, Indonesia, bà Edwin Tomasoa cho biết một nam sinh viên 19 tuổi tại làng Sifnana, Tanimbar, Maluku đã được cách ly do có nhiều biểu hiện nghi là bị lây nhiễm virus nCoV.
Theo chính quyền địa phương, nam sinh viên này đã có những triệu chứng giống như những bệnh nhân bị lây nhiễm virus nCoV như liên tục khó khở và đau lưng sau khi trở về từ quốc gia láng giềng Malaysia, nơi đã ghi nhận 19 trường hợp lây nhiễm.
Hiện nam sinh viên này đã được cách ly tại bệnh viện Magretty Saumlaki để theo dõi và điều trị.
Giám đốc bệnh viện Magretty Saumlaki, bà Fulfully Nuniary, cho biết hiện tại, sức khỏe của bệnh nhân này tương đối ổn định, các triệu chứng như khó thở, đau lưng đã giảm so với ngày đầu nhập viện.
Tuy nhiên, bệnh nhân này vẫn cần phải được tiếp tục cách ly để theo dõi thêm do người này trở về từ khu vực được ghi nhận có nhiều trường hợp mắc bệnh.
Hiện tại mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân đã được chuyển đến Surabaya, Đông Java làm các xét nghiệm để đưa ra kết quả chính xác.
Tính đến thời điểm hiện tại, đây là trường hợp đầu tiên tại Indonesia nghi là bị lây nhiễm virus nCoV.
Bà Fulfully Nuniary cũng khuyến cáo người dân không nên lo lắng trong khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan y tế cấp cao hơn; đồng thời yêu cầu mọi người phải thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh bệnh và kịp thời báo cho chính quyền địa và cơ sở y tế gần nhất những biểu hiện nghi vấn.
Cũng liên quan tới tình hình dịch COVID-19 (nCoV), tờ Thời báo Hoàn Cầu có đưa tin, ngày 13/2 (theo giờ Đức), trong buổi họp báo chung diễn ra tại thủ đô Berlin giữa Ngoại trưởng Đức Heiko Maas và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh này, ngay từ đầu Trung Quốc đã thông tin với cộng đồng quốc tế bằng thái độ công khai, minh bạch.
Sự nỗ lực của Trung Quốc đã giúp ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của dịch COVID-19 (nCoV) sang các nước khác, đến nay tổng số lượng ca nhiễm bệnh trên thế giới chưa đến 1% so với Trung Quốc, điều đó được WHO và các nước khác đánh giá cao.
Mặc dù dịch bệnh này đã gây tác động nhất định đối với nền kinh tế Trung Quốc, song đó chỉ là ảnh hưởng mang tính tạm thời.
Trung Quốc sẽ cố gắng giảm đến mức tối đa tác động của COVID-19 (nCoV) đối với nền kinh tế. Ông tin tưởng rằng sau khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu tiêu dùng bị dồn nén được giải tỏa, kinh tế sẽ được kích thích phục hồi.
Trung Quốc sẽ vẫn hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội đề ra trong năm nay cũng như đạt được mục tiêu xây dựng xã hội khá giả toàn diện, loại trừ hộ tuyệt đối đói nghèo.
Theo Tân Hoa xã, tính tới thời điểm ngày 14/2, tại Trung Quốc, bên cạnh số bệnh nhân là người dân, dịch bệnh COVID-2019 (nCoV) cũng đã khiến 1.716 nhân viên y tế nước này bị nhiễm bệnh, trong số đó đã có sáu người đã tử vong (tính tới ngày 11/2).
Phát biểu tại cuộc họp báo về công tác bảo vệ các nhân viên y tế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc Tăng Ích Tân cho biết số nhân viên y tế bị nhiễm COVID-19 (nCoV) vẫn đang tiếp tục gia tăng.