Hai đối tượng "cò" đổi tiền đô la và tiền lẻ tại phố Nguyễn Xí, giao cắt phố Đinh Tiên Hoàng (Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Từ hoạt động bí mật...
Sau thời gian im hơi lặng tiếng, dịch vụ đổi tiền lẻ bắt đầu ngấm ngầm hoạt động trở lại. Tại phố Nguyễn Xí (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) những ngày này luôn có từ 2 – 3 phụ nữ luống tuổi làm “cò” đổi tiền lẻ, mua đô la của khách du lịch. Ngoài mục đích trên, nếu khách có nhu cầu đổi tiền lẻ, các đối tượng này sẵn sàng đáp ứng. Giao dịch thỏa thuận "10 ăn 8" (đổi 1 triệu đồng, khách nhận 800.000 đồng, còn "cò" hưởng 200.000 đồng).
Nếu khách đổi tiền lẻ số lượng lớn, các cò này đứng ra đảm nhiệm mời khách, dẫn khách vào sâu trong các con ngõ nhỏ. Tại đây khách sẽ được đổi tiền lẻ trực tiếp với một người bán sách, mỗi mệnh giá tiền sẽ được đổi ở nhiều cửa hàng, tiền càng nhỏ mức chênh càng cao. Thậm chí có mệnh giá hiếm chỉ đổi được theo tỷ lệ "10 ăn 7".
Cũng cùng thời gian này, trên phố Trần Nhân Tông, một số cửa hàng thu đổi ngoại tệ cho khách nước ngoài cũng tham gia đổi tiền lẻ cho khách. Tại một cửa hàng thu đổi ngoại tệ, những cọc tiền khá mới như 5.000 đồng, 10.000 đồng và 20.000 đồng được bày khá nhiều trong tủ kính.
Theo chủ cửa hàng, tiền lẻ chủ yếu để đổi cho khách du lịch. Tuy nhiên, theo một hướng dẫn viên du lịch, khách nước ngoài chủ yếu đổi từ đồng Euro, USD hay Yên lấy tiền mệnh giá từ 20.000 đến 100.000 đồng, rất ít khi đổi những loại tiền mệnh giá 5.000 đồng.
Hoạt động mua bán và trao đổi tiền lẻ trên thị trường được che đậy tinh vi bao nhiêu thì trên mạng xã hội Facebook, Zalo lại diễn ra công khai bấy nhiêu.
Đến rầm rộ, công khai!
Trên facebook, người dùng chỉ cần gõ từ tìm kiếm “đổi tiền lẻ” thì có tới hơn 30 trang fanpage rao bán, đổi tiền tiền lẻ xuất hiện cùng số điện thoại, địa chỉ rõ ràng.
Một trang fanpage trên Facebook chuyên đổi tiền lẻ
Vào vai người có nhu cầu đổi tiền lẻ, PV đã liên hệ với số điện thoại hotline của trang mạng bán tiền lẻ, người này tự xưng là Tân, quản lý fanpage “đổi tiền lẻ”. Tân hẹn gặp đến số nhà 11, Nguyễn Khang, Cầu Giấy để giao dịch trực tiếp. Tại đây, Tân tiếp tục dẫn PV đến một căn nhà trong con ngõ hẹp, không có số nhà, không cửa hàng biển hiệu.
Tại đây, xuất hiện một người đàn ông trung niên, người này cho biết: loại tiền nào cũng có, hoàn toàn là tiền thật, tiền mới phát hành. Các cọc nguyên dãy seri liên tiếp nhau. Cơ chế ăn chia tùy loại tiền, với tiền từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng, cơ chế ăn chia là "10 ăn 8", nếu đổi các mệnh giá từ 20.000 và 50.000 đồng tỷ lệ là "10 ăn 9". Khách quyết định đổi từ 40 triệu đồng trở lên với nhiều mệnh giá khác nhau, các cò sẽ thực hiện chiết khấu phí dịch vụ là từ 2 – 3% cho khách.
Người đàn ông này còn khẳng định: các loại tiền lẻ đều được mua, đổi từ ngân hàng nên không có chuyện tiền giả đổi cho khách. Nhưng nếu khách muốn đổi tiền số lượng lớn để lấy 1 mệnh giá duy nhất, (ví như đổi 20 triệu đồng lấy cọc tờ tiền mệnh giá 10.000 đồng) thì ngoài khoản trả giao dịch ăn chênh 20 - 30% mỗi triệu, khách sẽ phải trả thêm phí từ 500.000 đồng đến 1 triệu/lần. Theo đối tượng này, lượng tiền 1 cọc, 1 mệnh giá rất khó kiếm và số lượng ít nên nếu khách mua để đầu cơ phải trả phí.
Đối tượng "chim mồi" dẫn đường để đổi tiền lẻ cho khách
Hiện, mua bán hoặc trao đổi tiền lẻ ăn chênh ngoài hệ thống ngân hàng bị coi là phạm pháp. Tuy nhiên, với giá trị lợi nhuận cao, nhiều đối tượng vẫn bất chấp, thực hiện nhiều hành động găm giữ tiền lẻ để tạo khan hiếm giả, rồi đẩy hàng kiếm lời.
Trong khi đó, việc đổi tiền lẻ của người dân tại các ngân hàng thương mại dịp cuối năm khá khó khăn, không nhiều người đem tiền chẵn đến ngân hàng mà đổi được tiền lẻ, tiền mới để mừng tuổi dịp tết. Các lý do thường được ngân hàng đưa ra là: hết tiền lẻ. Không đổi tiền lẻ trực tiếp từ ngân hàng, bất đắc dĩ người dân phải đổi tiền lẻ từ nhiều nguồn và đây là cơ hội cho giới buôn tiền lẻ tồn tại và âm thầm phát triển.
Theo Dân trí