Trường công an, quân đội có điểm chuẩn tăng cao nhất
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, xét theo các khối truyền thống có nhiều thí sinh đăng ký, phổ điểm có tính phân hóa tốt, thuận lợi cho tuyển sinh. Số thí sinh đạt được mức điểm cao nhiều, cũng giúp các trường đảm bảo nguồn tuyển và các ngành chọn được sinh viên mà không cần dùng tiêu chí phụ. Cụ thể, ở khối A00 (Toán, Lý, Hóa), ghi nhận mức 18 điểm có 33.899 thí sinh; mức 21 điểm là 32.322 thí sinh; mức 22 điểm là 25.820 thí sinh; 24 điểm là 18.205 thí sinh; ở mức 26 điểm chỉ còn trên 2.886 thí sinh và điểm 27 là 1.115 thí sinh. Tương tự, ở khối B00 (Toán, Hóa, Sinh), mức 25 điểm là 2.506 thí sinh; mức 26 điểm có 1.414 thí sinh; mức 27 là 713 em. Với thống kê mức điểm như trên, dự báo điểm chuẩn những trường tốp trên, những ngành hot, điểm chuẩn sẽ tăng mạnh so với năm ngoái 1 - 3 điểm. Nhóm trường y, khối trường công an, quân đội sẽ có điểm chuẩn tăng cao nhất.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, dự báo mức điểm chuẩn của trường sẽ nằm ở mức 18 - 23,5 điểm đối với chương trình đại trà. Với các ngành thuộc chương trình chất lượng cao, điểm chuẩn nằm trong khoảng 17 - 22,5 điểm.
Thống kê của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho thấy, kết quả đăng ký xét tuyển vào trường có hơn 41.000 thí sinh, tăng 9.000 em so với năm 2018. Tính riêng số nguyện vọng (NV) 1 có gần 21.000 em, trong khi tổng chỉ tiêu là 5.650. Do đó, trường này dự báo điểm chuẩn một số ngành như Kinh tế quốc tế, Kinh doanh quốc tế, Marketing, Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tài chính - Ngân hàng, Thương mại điện tử, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Quan hệ công chúng… sẽ tăng ít nhất 1 điểm so với năm 2018.
Nhận định chung từ kết quả điểm thi, Th.S Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), cho biết các ngành Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên có điểm chuẩn tăng 1 - 3 điểm, trong đó ngành Công nghệ sinh học sẽ tăng nhiều nhất. Khối ngành Toán, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật công nghệ, Chế biến, Xây dựng, Kiến trúc, Nông lâm, Thủy sản, Thú y có điểm chuẩn tăng 1 - 3 điểm, trong đó nhóm ngành Công nghệ thông tin, Hóa học tăng cao hơn, từ 2 đến 3 điểm.
Thí sinh đăng ký xét tuyển học bạ THPT vào Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM |
Đến nay đã có rất nhiều trường công bố điểm sàn xét tuyển (mức điểm thí sinh đủ điều kiện để các trường xét tuyển). Trong đó, nhiều trường đã tính toán rất kỹ giữa chỉ tiêu và NV đăng ký, nên giúp thí sinh thuận lợi để tính toán. Song bên cạnh đó, rất nhiều trường dù NV đăng ký gấp cả chục lần chỉ tiêu nhưng vẫn công bố mức điểm sàn 15 - 15,5 điểm.
Theo TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH năm 2019 là hơn 489.367 sinh viên, tăng 7% so với năm 2018. Trong đó, chỉ tiêu xét tuyển điểm thi THPT quốc gia là 341.840 (giảm 2.435 chỉ tiêu), chỉ tiêu xét tuyển bằng các phương thức khác là 147.797 (tăng 36.000 so với năm 2018). Điều này cho thấy, chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia 2019 bị giảm đi, đồng thời với kết quả điểm thi cao hơn năm ngoái, nên thí sinh chọn phương thức xét tuyển bằng kết quả điểm thi THPT quốc gia sẽ cạnh tranh rất khốc liệt, điểm chuẩn sẽ tăng hơn là điều tất yếu.
Với nhiều trường công lập đã công bố điểm sàn, số liệu cho thấy đều có mức điểm cao hơn năm 2018, như: Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM (công bố mức điểm sàn xét tuyển 15 - 17 điểm, tùy từng ngành); Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM (15,5 điểm); Trường ĐH Kinh tế TPHCM (17 - 19 điểm); Trường ĐH Ngân hàng TPHCM (15,5 điểm, tăng 0,5 điểm so với năm 2018); Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM (14 - 17 điểm, cao hơn năm trước 1 điểm)...
Theo đánh giá của các chuyên gia, với những trường công lập uy tín lâu nay ở các thành phố lớn, mức điểm sàn xét tuyển vừa công bố ở mức 14 - 17 điểm thực sự là cái “bẫy” với thí sinh. Tình trạng này cũng giống như năm 2017, khi điểm thi rất cao mà các trường vẫn công bố điểm sàn mức 15 điểm, nhưng điểm chuẩn lại cao đến “chóng mặt”. Do đó thí sinh phải hết sức thận trọng. Ông Nguyễn Quốc Cường, nguyên chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT, cho rằng khi thực hiện điều chỉnh NV, thí sinh phải có sự tính toán và tham khảo kỹ từ thông tin điểm sàn xét tuyển ở từng ngành của từng trường. Thí sinh điều chỉnh NV đừng quá kỳ vọng vào mục tiêu đậu hay rớt, mà quan trọng nhất vẫn là sở thích và đam mê ngành nghề để chọn. Ngoài ra, khi điều chỉnh NV, thí sinh cũng phải tìm hiểu mức học phí của từng ngành, từng hệ đào tạo, chứ đừng nhắm mắt điều chỉnh, để khi trúng tuyển rồi không theo nổi mức học phí của nhiều trường.