Văn phòng Thống kê Liên bang (FSO) của Đức cho biết doanh số bán lẻ thực tế trong tháng 4 của Đức đã giảm 5,4% so với tháng trước đó.
Doanh số bán lẻ của các cửa hàng tạp hóa trong tháng 4 đã giảm 7,7% so với tháng trước đó, mức giảm theo tháng lớn nhất kể từ khi cơ quan này thực hiện thống kê về doanh số vào năm 1994. Nguyên nhân chính của tình trạng này là giá thực phẩm tăng đáng kể.
Doanh thu trong tháng 4 của các ngành dệt may, quần áo, giày dép, đồ da cũng như các cửa hàng bán lẻ tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, song vẫn giảm so với tháng trước đó với mức giảm lần lượt là 4,3% và 7%. Trong tháng 5, tỷ lệ lạm phát tại Đức đã tăng lên mức cao nhất trong gần nửa thế kỷ bởi giá năng lượng và lương thực bị đẩy lên cao do xung đột tại Ukraine làm trầm trọng hơn các vấn đề về nguồn cung.
Trong một khảo sát hồi tháng 5, khoảng 80,1% nhà bán lẻ được hỏi tại Đức nhận thấy họ sẽ không thể nhận đủ lượng hàng hóa đã đặt hàng tại Trung Quốc do nước này thực hiện lệnh phong tỏa nghiêm ngặt để phòng dịch COVID-19, từ đó cản trở chuỗi cung ứng.
Ông Klaus Wohlrabe thuộc Viện Ifo cho biết hàng hóa thay vì được bày trên kệ thì lại bị kẹt trong container tại một cảng ở Trung Quốc, và thực tế này làm trầm trọng thêm các vấn đề về nguồn cung.