Độc đáo nghi thức "Múa tắc xình" của người Sán Chay
Múa tắc xình là một hoạt động tín ngưỡng truyền thống nhằm tạ ơn trời đất, thần linh đã cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, bản làng no ấm và cầu mong sự che chở trong mùa vụ tiếp theo.
Múa tắc xình hay còn gọi là múa cầu mùa, là một điệu múa tập thể của người Sán Chay diễn ra trong lễ hội cầu mùa mỗi dịp xuân về. Điệu múa này phổ biến ở các xã như Tức Tranh, Yên Lạc, Phú Đô... thuộc huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Sở dĩ múa tắc xình được gọi là điệu múa tập thể bởi cả người diễn, người xem và nhạc công đều cùng tham gia nhảy múa trong một vòng tròn, không hạn chế về số lượng. Đồng thời, người múa cũng có thể là một nhạc công.
|
Múa tắc xình là một điệu múa của người Sán Chay |
Để chuẩn bị múa tắc xình, người Sán Chay thường đào sâu xuống đất khoảng 60 cm, đáy rộng khoảng 50-60 cm, phía trên rộng 20 cm. Tiếp theo, họ lấy vỏ cây gỗ treo bịt lên trên miệng hố, lấy dây rừng căng dài trên mặt đất, rồi dùng một nhánh cây nhỏ chống dây cho thật căng miệng trống. Sau đó, người nhạc công gõ vào dây là đã tạo ra được những âm thanh rất đặc trưng, lúc trầm, lúc bổng, lúc khoan lúc nhặt giữ nhịp cho điệu nhảy.
|
Công đoạn chuẩn bị cho điệu múa tắc xình |
Múa Tắc xình có chín điệu cơ bản gồm: Thăm đường, lập làng, bắt quyết, mài dao, phát nương dọn rẫy, tra mố, hái lượm, mừng mùa vụ và chim câu. Ngày 16/10/2014, “Múa Tắc xình của người Sán Chay” đã chính thức được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia theo quyết định số 2684/QĐ-BVHTTD của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Trước đó, năm 2013, trong Liên hoan Dân ca - Dân vũ Việt Nam, vũ điệu "Múa Tắc xình" của huyện Phú Lương đã giành giải A toàn quốc.
|
Múa tắc xình được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia |
Bên cạnh việc thể hiện ước nguyện của con người, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, muôn loài sinh sôi, cầu cho bản làng bình yên, hạnh phúc, múa tắc xình còn thể hiện đạo lý nhớ ơn tổ tiên, mối quan hệ thế hệ trước và thế hệ sau, thắp lên niềm tin, khát vọng chinh phục thiên nhiên của người dân lao động.
|
Dụng cụ tạo âm thanh trong múa tắc xình |
|
Múa tắc xình thể hiện ước nguyện của con người |
|
Xôi ngũ sắc, loại xôi truyền thống được sử dụng để cúng trong lễ cầu mùa của người Sán Chí ở Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên |
|
Người Sán Chay làm bánh chim câu, bánh sừng bò, trong lễ cầu mùa |
|
Các thiếu nữ đội lễ lên đình thổ công trong ngày lễ cầu mùa |