Độc quyền phân phối vàng miếng để thao túng giá?

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Thị trường vàng đang có dấu hiệu để cho các tổ chức, cá nhân trục lợi dựa trên việc độc quyền phân phối vàng miếng.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính).
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính).

Giá vàng trong nước và giá vàng thế giới cùng theo đà tăng giá nhưng có những diễn biến bất thường. Nhiều ý kiến cho rằng, việc độc quyền kinh doanh và phân phối vàng miếng trên thị trường hiện nay là nguyên nhân khiến cho giá vàng tăng theo ý chí của một nhóm người.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) về vấn đề này.

Thưa ông, ngày 28-12, giá vàng quốc tế giao dịch quanh mức 2.076 USD/ounce, tăng hơn 240 USD (tăng gần 13%) so với đầu năm. Ông đánh giá như thế nào về diễn biến của giá vàng trong nước?

PGS.TS Ngô Trí Long: Trước đà tăng của giá vàng quốc tế, giá vàng miếng SJC trong nước diễn biến tăng theo một cách bất thường. Sự bất thường giá vàng thể hiện tăng 2 triệu/lượng , rồi giảm sốc 3 triệu/lượng, giá mua - giá bán cách nhau 3-4 triệu đồng/lượng, trong ngày mức giá thay đổi đến 20 lần.

Trong ngày 26/12/2023, giá vàng miếng SJC biến động mạnh, gần trưa lên đến 80 triệu đồng/lượng, chênh lệch so với giá thế giới lên đến 20 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước với giá vàng thế giới liên tục tăng những ngày gần đây, khi giá vàng miếng tăng mạnh hơn nhiều so với giá quốc tế.

Tuy nhiên, giá vàng ngày 28/12/2023 trong nước vàng SJC giảm chưa từng có sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, nhưng đến cuối ngày đã tăng trở lại, lên 77,5 triệu đồng/lượng.Thị trường vàng trong nước càng bất thường.

Điều đáng nói, giá vàng trong nước mang nặng tính đầu cơ và luôn cao hơn giá thế giới. Các doanh nghiệp kinh doanh vàng có những lúc kéo giãn khoảng cách giữa giá mua và giá bán lên đến 3-4 triệu đồng/lượng. Nghĩa là người bán đang đẩy rủi ro về phía người mua.

PV: Thưa ông, tại sao giá vàng SJC trong nước diễn biến bất thường và chệnh lệch cao hơn giá vàng thế giới có thời điểm 20 triệu đồng /lượng?

Sau thời gian dài "nằm im" dù thế giới biến động, giá vàng miếng SJC hai tháng gần đây bất ngờ tăng nhanh và mạnh, đẩy giá vàng trong nước càng cao hơn so với giá vàng thế giới. Cao điểm nhất, là ngày 26/12, mặc dầu thị trường thế giới đi ngang và tăng nhẹ quanh mốc 2.050 USD/ounce, giá vàng miếng trong nước tăng vọt hai triệu đồng trong ngày và xác lập kỷ lục trên 80 triệu đồng một lượng, đắt hơn giá vàng quốc tế 20 triệu đồng, tiếp tục neo trong 2 ngày với giá cao này.

Đây là mức chênh lệch cao nhất so với mức giá vàng đạt đỉnh vào tháng 3/2022 là 17 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới dao động quanh vùng 2.060 USD/ounce, tương đương 60,7 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng trong nước đã vọt lên 80,30 triệu đồng/lượng. Điều này có nghĩa giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới gần 20 triệu đồng/lượng.

Nguyên nhân của chênh lệch đó là do quan hệ cung – cầu, khi sức cầu tăng, nguồn cung hạn chế đẩy giá vàng lên cao. Thường cuối năm là thời điểm nhu cầu mua tích trữ vàng tăng cao, nhiều người dân Hà Nội và TP.HCM đã tăng mua vào, nhất là vàng miếng SJC để tích trữ. Cầu tăng càng khiến giá đi lên. Trong khi đó nguồn cung vàng SJC hạn chế bởi vàng SJC không được sản xuất thêm, mà chỉ còn ở trong dân và doanh nghiệp.

Trong khi các kênh đầu tư truyền thống như chứng khoán, bất động sản đang trở nên bất định cùng với lãi suất tiết kiệm liên tục giảm sâu..., dòng tiền tìm đến những kênh đầu tư mang tính chất phòng thủ như vàng. nên người dân có xu hướng mua vàng để đảm bảo giá trị tài sản. Điều này giúp giá vàng liên tục tăng mạnh, phá vỡ kỷ lục mọi thời đại.

Lực mua lớn gần đây xuất hiện khi nhà đầu tư kỳ vọng vào đà tăng ngắn và trung hạn của kim loại quý trên thị trường quốc tế, sau tín hiệu đảo chiều chính sách tiền tệ của Mỹ. Bởi theo các ngân hàng và giới phân tích quốc tế dự báo giá vàng vẫn trên đà tăng và còn dư địa đến quý I/2024. Theo đó, kim loại quý sẽ thử nghiệm các mốc kháng cự kỹ thuật 2.075 USD/ounce, 2.100 USD/ounce và xa hơn là 2.150 USD/ounce.

PV: Diễn biến đà tăng giá của thị trường vàng trong nước và thế giới có bất thường không, thưa ông?

Việc độc quyền cho SJC làm thương hiệu vàng quốc gia dẫn đến thiếu sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh vàng miếng. Cụ thể, người dân phải bán vàng miếng các thương hiệu vàng khác mà họ đã mua nắm giữ từ bao lâu với giá rẻ hơn vàng SJC, mặc dù chất lượng như nhau. Chính sách độc quyền vàng gây thiếu nguồn cung, làm cho thị trường bị đẩy nóng lên, gây bất lợi cho người tiêu dùng và nền kinh tế.

Giới đầu tư cho rằng, giá vàng tăng mạnh đang tạo ra một lực hấp dẫn trong các kênh đầu tư, nhất là trong thời điểm hiện nay, lãi suất tiết kiệm của ngân hàng hay đầu tư chứng khoán, bất động sản không còn hấp dẫn. Nhiều nhà đầu tư nhận xét rằng vàng "đang lấp lánh" khi giá tăng tốc phá vỡ kỷ lục mọi thời đại. Nhiều nhà đầu tư có xu hướng chuyển từ các kênh đầu tư khác sang vàng.

Được biết, chứng khoán Việt Nam và bất động sản trong năm nay diễn biến không mấy tích cực. Do vậy, việc một số nhà đầu tư chuyển sang kênh đầu tư vàng là điều dễ hiểu. Giá vàng đang tạo ra những bước sóng hấp dẫn chưa từng có khi liên tục tăng mạnh đạt mức cao nhất từ trước đến nay Điều đáng nói, không chỉ tại Việt Nam mà trên thị trường quốc tế, vàng cũng đang là kênh đầu tư được quan tâm.

PV: Nhà nước có vai trò như thế nào trong vấn đề bình ổn thị trường vàng?

Để bình ổn thị trường vàng, trước hết cần thay đổi nhận thức và tư duy quản lý, điều hành thị trường vàng theo nguyên tắc thị trường. Thay đổi tư duy trước hết cần quán triệt các nguyên tắc quản lý thị trường vàng trong nền kinh tế thị trường. Để hạn chế vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế, chúng ta cần hướng tới phát triển một thị trường lành mạnh và hạn chế đầu cơ vàng.

Độc quyền phân phối vàng miếng để thao túng giá? ảnh 1

Giá vàng trong nước có nhiều thời điểm “lỗi nhịp”, thậm chí ngược chiều so với giá vàng thế giới (Ảnh: M.P)

Ngân hàng Nhà nước chỉ thực hiện chức năng quản lý và hoạch định chính sách chỉ điều tiết dự trữ ngoại hối bằng vàng theo Pháp lệnh ngoại hối, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật các tổ chức tín dụng mà không tham gia sản xuất kinh doanh hoặc điều tiết thị trường bằng các biện pháp hành chính, không trực tiếp can dự việc kinh doanh của các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện sản xuất - kinh doanh thì phải để họ tự hoạt động theo cơ chế thị trường. Nhà nước chỉ quản lý chất lượng (tuổi vàng), trọng lượng, nhãn hiệu như các doanh nghiệp đã đăng ký, cho phép nhiều thương hiệu cũng tồn tại thay vì độc quyền. Khi đã quy định điều kiện kinh doanh thì không được đẻ ra các thủ tục xin-cho, cấp giấy phép con.

Thị trường vàng Việt Nam phải liên thông với thị trường vàng thế giới, phải loại bỏ yếu tố giá cách biệt như hiện nay bằng giải pháp thị trường. Cung phải gắn với cầu, tiến tới tự do hóa xuất nhập khẩu, Nhà nước chỉ điều tiết bằng chính sách như các nước khác trên thế giới. Phải dần chuyển đổi từ thị trường vàng vật chất sang thị trường vàng có nhiều sản phẩm phái sinh, tạo cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư có thêm nhiều công cụ bảo hiểm rủi ro và hội nhập, tiếp cận được những sản phẩm tài chính thông dụng trên thị trường quốc tế.

Bảo đảm quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức và cá nhân như quyền nắm giữ, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố… theo quy định của pháp luật đồng thời phải hạn chế việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán. Quản lý thị trường vàng phải có những giải pháp thích hợp để huy động nguồn lực vàng rất lớn trong dân cư (khoảng 500 tấn) phục vụ phát triển kinh tế xã hội

PV: Nhà nước cần có những biện pháp nào để quản lý thị trường vàng trong bối cảnh hiện nay?

- Cần khẩn trương sửa đổi Nghị định 24 để loại bỏ những bất cập hiện nay. Nghị định sửa đổi lần này phải đề cập toàn diện hơn các sản phẩm và dịch vụ tài chính liên quan tới vàng chứ không đơn thuần chỉ quản lý vàng miếng và vàng trang sức.

- Trả lại sản xuất, kinh doanh vàng miếng cho các doanh nghiệp. Ngân hàng thương mại không đóng vai trò đầu mối kinh doanh vàng miếng, mà chỉ nên triển khai các sản phẩm phái sinh (với điều kiện đủ kinh nghiệm, trình độ chuyên môn), còn nếu muốn kinh doanh vàng miếng nên thành lập Công ty vàng độc lập,

- Trả lại sản xuất, kinh doanh vàng miếng cho các doanh nghiệp. Tạo lập một hệ thống phân phối trên thị trường cho phép người dân ở mọi vùng miền đều được hưởng lợi, có điều kiện giao dịch thuận lợi. Tạo sân chơi bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, phục vụ đông đảo nhân dân từ thành thị đến nông thôn

- Chống vàng hóa không thể bằng giải pháp hành chính mà là phải chuyển hướng từ giao dịch vàng miếng sang giao dịch các sản phẩm khác của vàng (chứng chỉ vàng, công cụ phái sinh,..) trên một trung tâm giao dịch tập trung. Do vậy, cần sớm cho phép Sở Giao dịch hàng hóa giao dịch mặt hàng vàng kỳ hạn thông qua Hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn như các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Các thành viên tham gia phải đáp ứng những tiêu chuẩn chặt chẽ, được phép xuất nhập khẩu vàng. Điều này sẽ không phải tốn kém chi phí để nhập vàng vật chất về bán cho dân.

Xin cám ơn ông!

Từ đầu tháng 12/2023 đến nay, giá vàng quốc tế tăng mạnh trên mức 2.000 USD/ounce. Đến cuối ngày 28/12, giá vàng quốc tế giao dịch quanh mức 2.076 USD/ounce, tăng hơn 240 USD (tăng gần 13%) so với đầu năm.

Giá vàng trên thị trường thế giới tiếp tục diễn biến đứng quanh ngưỡng 2.068 USD/ounce trong những phiên cuối năm. Giá vàng giao tương lai tháng 2/2024 trên sàn Comex New York ở mức 2.094,4 USD/ounce.

Theo dự báo giá vàng năm 2024 của một số tổ chức trên thế giới sẽ mức cao. Cụ thể theo Ngân hàng Wells Fargo vàng sẽ được giao dịch trong khoảng từ 2100 - 2200 USD/ounce; Ngân hàng Bank of America kỳ vọng giá vàng sẽ tăng 2400 USD/ounce vào năm 2024; Ngân hàng Saxo của Nhật dự báo sẽ chậm 2300 USD/ounce; Tập đoàn ngân hàng Hà lan (ING) dự báo giá vàng sẽ đạt trung bình 2031 USD/ounce vào năm 2024, với mức trung bình quý IV là 2100 USD/ounce.

TIN LIÊN QUAN
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng. Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN
Học sinh Hà Nội mong phương án tuyển sinh lớp 10 sớm được công bố
(Ngày Nay) - Năm học 2024 - 2025 đã đi qua gần hết học kỳ 1, song các nhà trường, học sinh lớp 9 và phụ huynh trên cả nước vẫn chưa biết phương án tuyển sinh lớp 10 năm học tới. Cùng với các địa phương, thành phố Hà Nội chưa thể “chốt” được phương án tuyển sinh lớp 10 vì còn chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy chế tuyển sinh.
Dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty TNHH Xuân Trường Hoành Bồ làm chủ đầu tư.
Hà Nội: Sau đấu giá, quy hoạch nhà ở cao tầng được điều chỉnh về thấp tầng
(Ngày Nay) - Ô đất TT-07 (tên cũ là CT–04, nằm tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trước đây từng được quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở chung cư cao tầng. Tuy nhiên, sau khi kết quả trúng đấu giá được phê duyệt, ô đất này bất ngờ được thay đổi quy hoạch thành đất ở thấp tầng, để thực hiện dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long.