Chiều 5/7, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn về các vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 12 Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết 6 tháng cuối năm, thành phố sẽ quyết liệt đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành theo phương châm "3 rõ": rõ quy trình giải quyết, tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc; rõ thẩm quyền, trách nhiệm; rõ kết quả kiểm tra, đôn đốc và xử lý người đứng đầu trong thực thi công vụ.
Thành phố kiên quyết khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không dám làm, không dám tham mưu, đề xuất, không dám chịu trách nhiệm của cán bộ, công chức.
Thành phố tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở theo hướng phục vụ người dân và doanh nghiệp, khắc phục triệt để hạn chế tồn tại đã chỉ ra.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội nhấn mạnh thành phố sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số các hoạt động quản lý nhà nước từ phương thức truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện và phát triển hạ tầng số để cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến nhanh chóng, chính xác, không giấy tờ, giảm chi phí; hình thành trục mô hình “chính quyền số-công dân số” nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư.
Cùng với việc đổi mới công tác chỉ đạo điều hành, Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ tập trung chỉ đạo các nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, chính sách và định hướng dài hạn phát triển Thủ đô, xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065; lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050...
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội nhấn mạnh hai nhóm vấn đề tái chất vấn và chất vấn tại Kỳ họp, gồm tái chất vấn về việc thực hiện một số vấn đề đã được Hội đồng Nhân dân, Thường trực Hội đồng Nhân dân quyết nghị, kết luận tại các phiên chất vấn, giải trình nhưng còn chưa hiệu quả và chất vấn về công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Trần Sỹ Thanh cho rằng nội dung tái chất vấn và chất vấn tại kỳ họp đã tập trung đúng và trúng những vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm; phản ánh những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành của hệ thống chính quyền các cấp.
Hoạt động chất vấn, tái chất vấn giúp Ủy ban nhân dân thành phố, các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã nhận diện rõ hơn những hạn chế, bất cập, yếu kém, đồng thời là cơ sở để phân tích, đánh giá nguyên nhân và đề ra giải pháp tích cực, phù hợp trong tình hình mới.
Thời gian tới, Ủy ban Nhân dân thành phố tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn rà soát, phân loại, đánh giá kỹ những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, đồng thời xác định rõ cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm giải quyết và tiến độ xử lý xong.
Về công tác cải cách hành chính, đến nay, thành phố Hà Nội là địa phương đi đầu trong cả nước trong việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ công dân khi tham gia thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, chuyển đổi số trong việc thực hiện tương tác với chính quyền.
Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 12 này, Ủy ban Nhân dân thành phố đã trình Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua Nghị quyết quy định mức thu phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn thành phố (mức thu không đồng).
Về nội dung chuyển đổi số trong các cơ quan thành phố, từ năm 2021 trở lại đây, công tác chuyển đổi số đã được thành phố quan tâm triển khai. Tuy nhiên, kết quả triển khai chưa đạt được tương xứng với tiềm năng, nguồn lực của thành phố.
Nhận thức được những hạn chế này, từ năm 2022, Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố đã quyết liệt tập trung chỉ đạo, bắt đầu từ việc Ban cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân thành phố tham mưu Thành ủy ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh. (Nguồn: TTXVN) |
Nghị quyết sau khi ban hành, đã thực sự tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động tại tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị của thành phố. Nghị quyết đã xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của từng ngành, lĩnh vực và các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội của thành phố. Đến nay, toàn bộ hệ thống chính trị của thành phố đã vào cuộc, nhận thức rõ vai trò của chuyển đổi số và đã triển khai các nhiệm vụ một cách đồng bộ, theo lộ trình chung của thành phố.
Kết quả bước đầu thực hiện chuyển đổi số được ghi nhận. Hà Nội là một trong các địa phương đầu tiên đảm bảo đầy đủ các điều kiện và kết nối thành công với Cơ sở dữ liệu về dân cư, phục vụ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Trong thời gian ngắn, các hệ thống dữ liệu dùng chung toàn thành phố đã hoàn thành.
Về hạ tầng số, thành phố đã giao Sở Thông tin và Truyền thông tập trung hoàn thành Trung tâm Dữ liệu chính của thành phố để sớm đưa vào khai thác, sử dụng.
Về phát triển dữ liệu, Ủy ban Nhân dân thành phố đã ban hành danh mục cơ sở dữ liệu thành phố và chuẩn bị ban hành danh mục dữ liệu mở thành phố là những dữ liệu chuyên ngành sẽ được triển khai chia sẻ trong nội bộ cơ quan nhà nước và chia sẻ với công dân tổ chức trong thời gian tới.
Thành phố đã chỉ đạo triển khai Cổng dữ liệu thành phố và hệ thống nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu của thành phố. Đây là hai hệ thống cơ bản làm nền tảng để các đơn vị tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung trong cơ quan nhà nước.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, làm rõ băn khoăn của các đại biểu về các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết công tác xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai, có vi phạm là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục và xuyên suốt của các cấp, các ngành thành phố.
Do đó, từ thành phố cho đến cơ sở đang tiếp tục tăng cường rà soát, kiểm tra, thanh tra, xin ý kiến tham vấn các cơ quan chuyên ngành cấp trên đối với các trường hợp pháp luật chưa có quy định cụ thể và kết luận đối với từng dự án, để tiếp tục xem xét xử lý từng bước, dứt điểm các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai bảo đảm tính chính xác, đầy đủ hồ sơ pháp lý, tính khả thi và tuân thủ các quy định của pháp luật.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành và Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã tiếp tục giám sát, đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; xử lý nghiêm các trường hợp không khắc phục, chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định hoặc các tổ chức, cá nhân vi phạm, chây ì, không chấp hành các biện pháp xử lý của cơ quan có thẩm quyền; tiếp tục quyết liệt xử lý các dự án chậm triển khai theo hướng công khai, minh bạch, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật.
Ủy ban Nhân dân thành phố, cùng với các cấp, ngành tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm còn lại (nằm trong 135 dự án chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và 404 dự án đã được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất); tiếp tục kiểm tra, thanh tra và kết luận đối với 173 dự án do Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã đề xuất mới.
Hiện, Ủy ban nhân dân thành phố đã xem xét, chỉ đạo đối với 64 dự án tại huyện Mê Linh; 11 dự án tại huyện Quốc Oai; 28 dự án tại huyện Thạch Thất; 50 dự án tại quận Cầu Giấy và 62 dự án tại quận Nam Từ Liêm./.