Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng trống giữa chính sách và thực thi trong hoạt động ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo tại các địa phương, doanh nghiệp cần “lấp đầy “.
Các đơn vị sự nghiệp công lập về khoa học công nghệ - đầu mối kết nối
Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) vừa tổ chức hội thảo “Thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo khu vực miền Trung” nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, đồng thời hướng dẫn các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong và ngoài khu vực triển khai các chính sách hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ về ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo cho rằng: Hiện vẫn còn khoảng trống giữa chính sách và thực thi trong hoạt động ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo tại các địa phương, doanh nghiệp. Vì vậy, để hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo tại khu vực miền Trung nói riêng và cả nước nói chung được sôi nổi, thiết thực và hiệu quả, thời gian tới, Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo sẽ phối hợp với các Sở Khoa học và Công nghệ địa phương triển khai một số nhiệm như: Tăng cường kết nối, hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo với các quốc gia, vùng lãnh thổ để đáp ứng nhu cầu chuyển giao công nghệ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Đồng thời, phối hợp, hướng dẫn đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất, xác định nhu cầu công nghệ trên một số lĩnh vực trọng điểm của các địa phương, từ đó có giải pháp hỗ trợ hoàn thiện công nghệ.
Ông Nguyễn Đức Hoàng nhấn mạnh: Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo sẽ hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng ứng dụng và chuyển giao công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ trở thành đầu mối hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo của địa phương nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm của các tỉnh, thành phố khu vực miền trung. Ngoài ra, Cục sẽ hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong việc thu thập, đánh giá chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương (PII) nhằm cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn cho lãnh đạo các cấp trong việc ra quyết định, xây dựng và thực thi chính sách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương trong khu vực miền trung nói riêng và cả nước nói chung. Đặc biệt, chú trọng đến một số công nghệ và giải pháp công nghệ trong và ngoài nước hướng đến công nghệ bảo quản, chế biến cam, bưởi; Ứng dụng công nghệ ánh sáng và điều khiển IOT trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; Công nghệ proton cấp đông nhanh, giữ nguyên độ tươi của sản phẩm…
Hội thảo "Diễn đàn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo miền Trung" với chủ đề Giải pháp hình thành cộng đồng startup chất lượng khu vực miền Trung cũng mới diễn ra nhằm thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại khu vực miền trung.
Ông Võ Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo trong việc phát triển kinh tế khu vực, đồng thời chia sẻ mục tiêu của Diễn đàn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo miền Trung là nhằm thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp tại khu vực miền Trung tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho khu vực này trong tương lai, đồng thời, xây dựng và hỗ trợ các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của miền trung, lấy Đà Nẵng làm hạt để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Ông Võ Đức Anh cho rằng: Chủ đề "Hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp" tại hội thảo được các chuyên gia, nhà khởi nghiệp cùng thảo luận để biến ý tưởng thành hiện thực, từ khi phôi thai tới khi thành lập doanh nghiệp với những hỗ trợ cần thiết và cách vượt qua thách thức. Đặc biệt, phiên tọa đàm mở "Giải pháp hình thành cộng đồng startup chất lượng khu vực miền trung" đã tập trung vào những giải pháp và chiến lược để xây dựng một cộng đồng khởi nghiệp vững mạnh, chất lượng tại khu vực miền trung, cũng như đưa ra những hướng đi mới cho sự phát triển bền vững của hệ sinh thái khởi nghiệp của khu vực miền trung.
Đà Nẵng – Hạt nhân khởi nghiệp miền trung
Thành phố Đà Nẵng được Trung ương định vị là trung tâm, hạt nhân khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khu vực miền trung và hiện đang nổi lên như một điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo với nhiều ưu đãi và chính sách đặc thù. Thành phố Đà Nẵng hiện có một Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hai Trung tâm khởi nghiệp thuộc các trường đại học và nhiều quỹ đầu tư cùng các câu lạc bộ khởi nghiệp. Đây là môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp và cá nhân khởi nghiệp. Hiện, thành phố đang nỗ lực xây dựng nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển như: Hỗ trợ trực tiếp các dự án, doanh nghiệp, hỗ trợ vốn vay, đổi mới công nghệ, phát triển tài sản trí tuệ...
Bà Lê Thị Thục, Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ thành phố Đà Nẵng cho biết: Các cơ chế chính sách và sự nỗ lực của các thành tố trong hệ sinh thái, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố Đà Nẵng sẽ có sự phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng. Năm 2024, thành phố Đà Nẵng mới được Quốc hội ban hành Nghị quyết 136 về chính quyền đô thị và một số chính sách đặc thù cho thành phố Đà Nẵng. Nghị quyết 136 nêu rõ các nhóm đột phá về khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển.
3 năm qua, thành phố Đà Nẵng đã hỗ trợ hơn 5 tỷ đồng cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Điển hình là dự án sàn thương mại điện tử về lĩnh vực xây dựng và các dịch vụ chăm sóc nhà cửa FiveSS đã đoạt Giải Ba tại Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng năm 2023. Đến nay, sàn thương mại điện tử 5 Sao FiveSS đã kết nối các nhà cung cấp với những người có nhu cầu sử dụng các sản phẩm và dịch vụ xây dựng. Ông Đỗ Quý Sự - Sáng lập FiveSS cho biết: Doanh nghiệp đã nhận được nhiều sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị trong hành trình khởi nghiệp. Nhưng ông hy vọng, thành phố Đà Nẵng tiếp tục hỗ trợ các đơn vị khởi nghiệp truyền thông, marketing hay hỗ trợ về nguồn vốn khởi nghiệp. Đặc biệt, đối với các dự án mang tính thiết thực cho xã hội, người dân thì thành phố nên có cơ chế giúp cho các dự án được thương mại hóa.
Trong số nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp thì Công ty Cổ phần EM&AI cũng nổi lên với sự thành công trong hệ sinh thái khởi nghiệp của Đà Nẵng. EM&AI nghiên cứu và phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), cung cấp các ứng dụng nhân viên trực tổng đài điện thoại và nhân viên AI Chatbot hỗ trợ trả lời khách hàng tự động. Ông Lê Ngọc Trí, Giám đốc điều hành EM&AIcho rằng: Thành phố Đà Nẵng nên thành lập một tổ chuyên môn để đưa ra các đơn đặt hàng cho các startup sẽ kích thích các thành tố trong hệ sinh thái mạnh dạn triển khai các dự án mới.
Năm 2024, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng đang hỗ trợ các dự án khởi nghiệp tiếp cận với các chuyên gia, nhà đầu tư và các quỹ đầu tư. Ông Nguyễn Viết Toàn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng cho biết: Tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Đà Nẵng vừa diễn ra ngày 30/8/2024, Trung tâm đã giới thiệu tất cả các sản phẩm khởi nghiệp của thành phố đến với các quỹ đầu tư quốc tế; tổ chức các ngày hội và các buổi workshop để các quỹ đầu tư có thể trao đổi trực tiếp với các chủ dự án khởi nghiệp.
Đà Nẵng cũng đã ra mắt không gian đổi mới sáng tạo Đà Nẵng - Seoul và xúc tiến hình thành Quỹ đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Thành phố đang dần trở thành một địa chỉ khởi nghiệp hấp dẫn cho nhiều doanh nghiệp, với môi trường và chính sách hỗ trợ thuận lợi./.