Đóng học phí không dùng tiền mặt - Đề án SSC có lợi cho ai?! - Bài 2: Phí giao dịch chia thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Số tiền phí giao dịch thanh toán học phí mà phụ huynh phải trả theo đề án SSC được chia theo tỷ lệ 60% dành cho ngân hàng/ ví điện tử và Công ty Cổ phần Văn hoá Ngôi Nhà Xanh được hưởng 40%?! Tuy nhiên, phía ngân hàng lại trả lời khác.
Đóng học phí không dùng tiền mặt - Đề án SSC có lợi cho ai?! - Bài 2: Phí giao dịch chia thế nào? ảnh 1

Hệ thống thông tin học đường SSC do Công ty CP Văn hoá Ngôi Nhà Xanh phát triển.

Chia Phí giao dịch

Trong thông tin phản hồi Ngày Nay, Công ty Cổ phần Văn hóa Ngôi Nhà Xanh cho biết: “Tuỳ theo chính sách phát triển và kinh doanh của từng đơn vị sẽ có mức phí giao dịch khác nhau, có kênh miễn phí và kênh có phí, cũng như có kênh phí thấp và kênh phí cao. Quyền lợi và trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ được quy định và quản lý bởi Ngân hàng Nhà nước... phí dịch vụ được áp dụng theo quy định và công khai, minh bạch tại các biểu phí đầu năm.

Việc áp dụng các phí dịch vụ tuỳ thuộc vào cân đối chi phí và kế hoạch phát triển của từng đơn vị tham gia đề án SSC, chính sách sẽ thay đổi theo từng thời kỳ, thông thường Phí dịch vụ bao gồm: Phí hạ tầng thanh toán, phí bảo trì, phí truyền dẫn, phí xử lý hoá đơn... giữa các thành phần thành viên tham gia bên trong hệ thống thanh toán. Việc khách hàng cho rằng các đơn vị thanh toán (ví điện tử, ngân hàng...) được 100% phí dịch vụ (lợi nhuận) là hoàn toàn không chính xác”.

Ngân hàng nói không hưởng lợi

Chiều 8/11, phía Ngân hàng VP Bank có phản hồi bước đầu liên quan đến phản ánh của phụ huynh. Theo đó, phần mềm thu học phí SSC kết nối với VP Bank cũng tương tự như đóng tiền điện nước và ngân hàng miễn phí giao dịch. Về khoản phí giao dịch trên mỗi lần đóng học phí (phụ huynh phản ánh là 7.500 đồng), VP Bank cho biết số tiền này được ghi chú là “chi phí xử lý hoá đơn” của SSC, ngân hàng hoàn toàn không hưởng lợi gì trên phí giao dịch này.

Phía Sacombank cũng đang kiểm tra lại thông tin và sớm phản hồi về phí giao dịch.

Ông Ngô Doãn Chính - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Văn hóa Ngôi Nhà Xanh cho biết phát ngôn với tư cách là người đại diện doanh nghiệp, không phải Uỷ viên Ban chỉ đạo Đề án SSC của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM. Theo ông Chính, mức phí giao dịch sẽ được phân phối theo tỷ lệ 6:4, tức ngân hàng/ ví điện tử sẽ nhận 60%, còn Công ty Cổ phần Văn hoá Ngôi Nhà Xanh hưởng 40%. Cụ thể, với giao dịch qua Sacombank (phản ánh ở bài 1) mất phí 7.500 đồng/giao dịch, công ty nhận về 40% (3.000 đồng - PV), ngân hàng được 60% (4.500 đồng - PV).

Các phụ huynh cho rằng trên phiếu thông báo học phí chỉ có một lựa chọn duy nhất là thanh toán học phí qua phần mềm SSC và các kênh thu hộ liên kết: “Thanh toán học phí qua SSC có dấu hiệu độc quyền, phụ huynh mất phí giao dịch là bất công, tăng gánh nặng. Tại sao nhà trường không mở/ cung cấp số tài khoản ngân hàng cho phụ huynh đóng học phí để giảm bớt gánh nặng trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay mà lại thông qua SSC để tính phí?”.

Đóng học phí không dùng tiền mặt - Đề án SSC có lợi cho ai?! - Bài 2: Phí giao dịch chia thế nào? ảnh 2

Biểu phí thu hộ của SSC được đăng tải trên trang thông tin điện tử của các trường học.

Ông Ngô Doãn Chính nói chủ trương là khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, là khuyến khích chứ không bắt buộc. Ở đây nói về quyền do pháp luật quy định, phụ huynh có quyền được lựa chọn phương thức thanh toán, có thể đóng bằng tiền mặt, cũng có thể chuyển khoản ngân hàng hoặc qua phần mềm SSC. Nếu trường nào chỉ đưa ra một hình thức là chuyển qua SSC nhằm mục đích thuận tiện cho trường là chưa đúng, phải cung cấp nhiều hình thức khác nhau để phụ huynh chọn cho phù hợp.

Nếu trường nào cấm là bậy đó!”, ông Chính nói và cho rằng: “Trường có cái lỗi mà hay mắc phải là triển khai cái gì đi nữa phải công khai trên bản tin cho người ta, chọn kênh thu phí thế nào, không thu phí thế nào là quyền người dân. Người dân có tới ba lựa chọn: nếu không muốn trả phí thì chọn kênh miễn phí, nếu không muốn thay đổi thói quen thì có Momo, Viettel thì cứ lên đó mà xài, nếu không muốn sử dụng công nghệ thì đến trường đóng tiền...”.

Có phù hợp mục tiêu của Chính phủ và TP.HCM?

Theo doanh nghiệp này, lợi ích của phụ huynh khi sử dụng phần mềm SSC là không phải xếp hàng chờ đóng học phí, nhận thông báo học phí và phí giao dịch theo quy định. Phụ huynh cũng đồng ý là có nhanh chóng, nhưng chuyển khoản học phí vào tài khoản ngân hàng của trường cũng nhanh chóng, mà lại không mất phí. Ông Ngô Doãn Chính cho biết, nhà trường không thể trả phí do vướng Thông tư 19 của Bộ Tài chính nên phải thu từ phụ huynh.

Công ty Cổ phần Văn hóa Ngôi Nhà Xanh “là đơn vị triển khai cũng như cung ứng hạ tầng kỹ thuật, cam kết đồng hành và đàm phán duy trì 4 kênh giao dịch miễn phí hằng năm. Quan điểm trên được Sở Giáo dục Đào tạo TP.HCM chỉ đạo và các văn bản hướng dẫn đầu năm học mới như công văn 4687/SGDĐT-KHTC ngày 25/8/2023 của Sở Giáo dục Đào tạo TP.HCM”.

Đóng học phí không dùng tiền mặt - Đề án SSC có lợi cho ai?! - Bài 2: Phí giao dịch chia thế nào? ảnh 3

Phóng viên đã liên hệ Sở Giáo dục Đào tạo TP.HCM vào ngày 1/11 nhưng chưa nhận được phản hồi.

Theo tìm hiểu, văn bản số 4687 do Phó Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo TP.HCM Lê Hoài Nam ký (ông Nam cũng là Phó Ban thường trực Ban chỉ đạo đề án SSC), trong đó nêu: “Yêu cầu 100% các cơ sở giáo dục tạo điều kiện để cha mẹ học sinh không cần phải đến trường để thanh toán học phí và các khoản thu khác, đa dạng hoá các kênh thanh toán, không tạo lợi thế cho bất kỳ một ngân hàng hay đơn vị trung gian thanh toán để gây khó khăn cho cha mẹ học sinh, người học..., được lựa chọn thanh toán trên thiết bị di động/máy tính, chuyển khoản từ Internet Banking, chuyển khoản qua QR Code, thanh toán từ ví điện tử...”.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, việc các ngân hàng và công ty trung gian thanh toán thu phí đã có quy định tại Luật các Tổ chức tín dụng. Và: “... Ngày 2/11/2022, UBND TP.HCM ban hành kế hoạch 4066 liên quan đến phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn giai đoạn 2021-2025..., có giao cho Sở Giáo dục Đào tạo mở rộng Đề án thu học phí không dùng tiền mặt...”.

Theo Kế hoạch 4066 (kể trên) triển khai Quyết định số 1813/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, UBND TP.HCM giao cho Sở Giáo dục Đào tạo mở rộng và đưa ra mục tiêu tổng quát, nêu: “Tạo sự chuyển biến về thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố, làm thay đổi tập quán sử dụng tiền mặt trong xã hội, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt...”.

Quyết định 1813/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu mục tiêu chung khi triển khai đề án thanh toán không dùng tiền mặt, đầu tiên phải: “Tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế với mức tăng trưởng cao, đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt...”.

Như vậy, Thủ tướng Chính phủ và UBND TP.HCM khuyến khích thanh toán không tiền mặt để tạo thói quen, và thanh toán không tiền mặt là để “giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt”. Thế nhưng, khi xuống tới đề án SSC của Sở Giáo dục Đào tạo thì phụ huynh lại gánh thêm một khoản chi phí mới có tên “phí giao dịch”. Việc đề án SSC “đẻ ra” một loại phí khác có phù hợp với mục tiêu của Chính phủ và UBND TP.HCM hay không?!

Liên quan đến nghi vấn độc quyền thanh toán học phí, phóng viên đã liên hệ Sở Giáo dục Đào tạo TP.HCM nhưng chưa nhận được phản hồi. Trong khi đó, ông Ngô Doãn Chính cho biết, hiện nay ngoài phần mềm SSC thì thành phố cũng đang triển khai VinaID do Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn xây dựng.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.