Nước ngập úng chết hoa màu, Chủ tịch xã nói “không có gì sai”
Tại Ấp 5, xã lộ 25 (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) vào mùa mưa, toàn bộ vùng đất trồng trọt của người dân nơi đây bị ngập úng, mùa màng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nước không thể thoát do dòng suối, kênh chảy ra cống bị xây hẹp lại. Tình trạng xây lấn ra dòng chảy của suối, kênh thoát nước khiến người dân bức xúc.
Hộ ông Phùng Hữu Bình, người dân sinh sống trong Ấp hiện đang nuôi 4 nhân khẩu nhưng đều có vấn đề về tâm thần, gồm: mẹ già, anh trai, em trai, em gái, trông chờ vào 1,2 hecta đất nông nghiệp trồng lúa nước. Thế nhưng, hiện không thể trông lúa ông Bình đành chuyển sang trồng dưa leo và khổ qua.
“Nhiều năm nay chúng tôi sống trong chật vật vì chỉ canh tác được vào đầu và cuối mùa mưa. Còn giữa mùa mưa nhiều, ngập úng hư hết. Năm nay mưa chậm nên trồng đợt đầu đều bị chết hết, trồng lại đợt 2 thấy cây lên tốt mừng lắm, vợ chồng tôi cố giăng dây cho khổ qua và dưa leo. Vậy mà chỉ vài trận mưa vừa qua, nước ngập lên 1 mét khiến cây chuyển sang vàng, chết hết”. Ông Bình nói xong bật khóc.
Theo ông Lê Công Hiển - Tổ trưởng Tổ dân cư ở Ấp 5, cho biết: "Tôi đã dẫn ông Bình lên xã, cách đây 4 ngày tôi lại dẫn ông Bình lên gặp ông Nguyễn Hải Đăng là Bí thư xã kêu cứu, ông Đăng cho biết sẽ chỉ đạo ngay nhưng đền nay hết tuần rồi vẫn không thấy ai xem xét".
Vợ chồng ông Bình đau xót nhìn hoa màu ngập úng. Ảnh: Xuân Thời |
Quan sát hiện trạng xây dựng cho thấy, kênh thoát nước của cả khu vực hàng trăm hecta gom nước về bị chủ thửa đất 832 bên trong xây bờ kè và đổ đất luôn phần thửa đất chưa cấp giấy CNQSD Đất thửa 584 cùng tờ số 3 chỉ còn chừa cho dòng nước chảy 1,2 mét. Trong khi đó, miệng cống hạ nguồn để thông nước qua đường rộng 4 mét.
Trao đổi với phóng viên, Ông Lê Trọng Tấn - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Tháng trước khi nghe báo tin, Ủy ban chúng tôi đã đến xem để đo đạt lên phương án đập bỏ trả về hiện trạng, nhưng đến nơi thì thấy họ chỉ xây mới trên nền đá chẻ xây trước đây rồi, đất của họ, họ xây vậy không sai nên chúng tôi không buộc tháo gỡ. Về đất bị ngập của ông Bình là do đó là đất ruộng lúa nước nên mưa lớn phải ngập thôi”.
Bức xúc trước phát biểu của chủ tịch xã, ông Lê Công Hiển cho biết, ông Hiển ở đây đã 35 năm qua chưa bao giờ có tình trạng nước ngập. Hơn nữa, ai cũng biết đây là nguồn nước con suối nước chảy từ Hưng Lộc qua khu chăn nuôi và hàng trăm hecta đồng ruộng vậy mà một chủ tịch xã lại nói đất ruộng nên ngập, không phải do sông suối, đó là phát biểu vừa vô lý vừa vô trách nhiệm.
Cựu Chủ tịch xã ngang nhiên xây dựng bóp dòng chảy suối Mủ
Từ tháng 3/2029, việc ông Lê Công Sự - cựu Chủ tịch xã Hưng Lộc xây lại móng đá chẻ lấn ra suối, bóp hẹp dòng chảy của suối Mủ đã được báo lên UBND xã Hưng Lộc, Trưởng phòng Tài Nguyên Môi Trường - Trần Quốc Tuấn, và Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng - ông Trần Quang Tuấn.
Nội dung báo cáo nêu rõ: Việc xây dựng bóp dòng chảy của suối Mủ ngay trên nền móng mà năm trước bị UBND huyện Thống Nhất buộc tháo gỡ vào đầu năm 2019. Việc xây dựng lấn dòng chảy của suối đã bị đập bỏ cũng là lý do ông Sự bị buộc thôi chức Chủ tịch UBND xã vào giữa năm ấy, thế mà nay ông lại xây dựng lại trên nền móng cũ. Đây là dòng suối nhận nước từ cả vùng rộng lớn từ Dầu Giây, Hưng Lộc. Khi bị chặn hết dòng chảy khiến nhiều thửa đất bên trên bị ngập úng.
Từng bị buộc tháo gỡ và cho thôi chức vụ, cựu Chủ tịch xã Hưng Lộc lại xây lại móng đá chẻ lấn ra suối. Ảnh: Xuân Thời |
Bà Nguyễn Thị Thuý Phượng - Chủ tịch UBND xã Hưng Lộc cho biết “Hiện đang xin đo đạc lại, xem việc xây dựng có lấn ra suối không? Đến nay, sau cơn mưa tuần qua, theo yêu cầu của các hộ dân trên thượng nguồn dòng suối, chúng tôi trở lại xem cụ thể thì việc xây dựng ấy đã hoàn tất từ lâu, ngay móng chân cầu suối Mủ, ông Sự còn xây cả một hố ga chứa nước thải từ gia đình ra suối”. Cũng theo bà Phượng thì đã xác định ranh móc đất, ông Lê Công Sự xây dựng là lấn chiếm ra lòng suối và ông hứa tự khắc phục.
Trao đổi sự việc với ông Trần Quốc Tuấn, Trưởng phòng TNMT, ông Tuấn cho biết: UBND xã Hưng Lộc đã có mời ông Sự đến nhưng ông ấy không đến, do vậy chưa xử lý được. Còn theo ông Nguyễn Văn Quang - Chủ tịch UBND Huyện đã nói: Tôi sẽ chỉ đạo xã Lộ 25 và xã Hưng Lộc không xử lý được thì phải chuyển gấp về huyện thẩm quyền xử lý các vụ.
Phóng viên Ngày Nay sẽ tiếp tục cập nhật và thông tin vụ việc
Theo Nghị Định 36/2020: Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản
Điều 26 khoảng 3
3. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây mà không có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường, trừ các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi:
a) Xây dựng kho bãi, bến, cảng, cầu, đường giao thông, các công trình ngầm và công hình kết cấu hạ tầng khác;
b) San, lấp, kè bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện, hồ tự nhiên, hồ nhân tạo, trừ trường hợp xây dựng công trình cấp bách phục vụ phòng, chống, khắc phục thiên tai, công trình phòng, chống sạt lở, chỉnh trị ở các tuyến sông có đê, công trình phòng, chống thiên tai;