Hộp đen và máy bắn tốc độ lệch nhau hơn 10km/h
Chủ nhà xe là Nguyễn Văn Cường kể, sáng ngày 26/2, tài xế N.V.N điều khiển xe tải BS: 60C - 287.52 đi từ huyện Thống Nhất đến huyện Tân Phú (cùng tỉnh Đồng Nai) để lấy hàng. Khi xe tải từ Quốc lộ 20 rẽ vào đường liên xã khoảng 2km (thuộc huyện Tân Phú) thì bị lực lượng CSGT huyện Tân Phú ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra.
Ông Cường nói rằng, khoảng hơn 8 giờ sáng, lực lượng CSGT thông báo tài xế vi phạm lỗi chạy quá tốc độ là 60km/h, trong khi tốc độ tối đa cho phép trên tuyến đường liên xã này chỉ là 50km/h.
“Lúc này, tài xế vội kiểm tra hộp đen được lắp đặt bởi Hợp tác xã Vận tải Thống Nhất, cho kết quả chỉ 48km/h – 49km/h kể từ khi vào đường liên xã. Tài xế không đồng tình với thông báo của CSGT, đề nghị được ghi nội dung này vào biên bản trước khi ký. Tuy nhiên, tổ tuần tra CSGT không chấp nhận”, ông Cường kể.
Lái xe N.V.N cho biết, khoảng 30 phút sau đó, lực lượng CSGT yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn nhưng anh không đồng ý, vì cho rằng CSGT gây khó dễ sau khi anh không chịu ký biên bản vi phạm tốc độ.
“CSGT gọi điện thoại và một người thanh niên xuất hiện với máy quay trên tay. CSGT nói là phóng viên một Đài truyền hình địa phương đến giám sát. Sau đó, CSGT cho xe kéo đến đưa xe của tôi đi. Thật vô lý, thiết bị GPS cũng được cơ quan nhà nước cấp mà”, anh N. bức xúc.
Thông báo phạt 41 triệu đồng
Trao đổi với Phóng viên Ngày Nay xoay quanh vấn đề này, Thượng tá Lê Văn Sơn, Phó trưởng Công an huyện Tân Phú cho biết: “Anh em làm việc có cơ sở đàng hoàng, có phóng viên Đài truyền hình quay phim nên không làm sai được. Lái xe cố tình không tuân thủ yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn mà đòi xem kế hoạch, chuyên đề”.
Tốc độ hiển thị trên hộp đen cho HTX Vận tải Thống Nhất cung cấp, cho thấy vào thời điểm di chuyển vào đường liên xã, xe tải chỉ chạy khoảng 48km/h. |
Sáng ngày 27/2, ông Nguyễn Văn Cường và tài xế N.T.N đã có buổi làm việc với Công an huyện Tân Phú về những vấn đề nêu trên.
Chủ xe tải thông tin: “Công an huyện đưa tôi quyết định phạt vi phạm tổng 41 triệu đồng, trong đó lỗi vi phạm tốc độ 4 triệu đồng, từ chối đo nồng độ cồn 35 triệu đồng và tiền cẩu xe về cơ quan công an 2 triệu đồng. Chúng tôi không đồng ý ký nhận, vì số liệu trên máy bắn tốc độ và GPS lệch nhau là vô lý. Việc yêu cầu đo nồng độ cồn sau một hồi tranh luận và giữ giấy tờ xe, cẩu xe cũng thế”.
Ông Cường không đồng ý cách xử lý của Công an huyện Tân Phú nên sẽ tiến hành các thủ tục khiếu nại, hoặc khởi kiện vụ việc ra tòa án. “GPS là do hợp tác xã bắt buộc lắp đặt để giám sát hành trình và theo dõi tốc độ lái xe. Chúng tôi có 3 xe và đã theo dõi lâu nay không có gì sai lệch. Nhưng giờ CSGT lại thông báo chênh lệch hơn 10km/h và phạt nhà xe chúng tôi là quá vô lý.”
Về vấn đề này, Trung tá Trần Trọng Thủy, Phó phòng CSGT tỉnh Đồng Nai cho biết: “Theo quy định tại điều 14 Nghị định 86 năm 2014 của Chính phủ, thiết bị GPS được lắp vào xe quản lý hành vi vi phạm về đổ dừng, tuyến chạy… của xe nhưng không có chức năng xử lý vi phạm chạy quá tốc độ. Nguyên nhân là do tín hiệu được xác định và truyền qua vệ tinh ghi nhận, tính toán rồi gửi trả về thông báo lên thiết bị. Việc tính toán phụ thuộc vào vùng sóng mạnh yếu, thời tiết, địa hình nên không còn chính xác. Vì vậy, không thể dùng kết quả của GPS để so sánh với thông báo của máy bắn tốc độ, là loại thiết bị được dùng tính toán từ hình ảnh và âm thanh trực tiếp nên luôn chính xác”.
Một lãnh đạo đơn vị này nói thêm: “CSGT có thể đo nồng độ và kiểm tra ma túy nếu thấy nghi ngờ”.
Giải thích về sự chênh lệch số liệu này, đại diện Hợp tác xã Vận tải Thống Nhất nói rằng: “GPS đúng là không phải thiết bị để đo tốc độ chính xác, nhưng việc sai số mà hành trình GPS chỉ báo tối đa là 48 km/h trong khi đó máy đo tốc độ của CSGT ghi nhận 60km/h là rất vô lý”.
Luật sư Phạm Quốc Vượng, Trưởng Văn phòng Luật sư Bùi Gia Nên, chi nhánh Trảng Bom phân tích: “Không thể có sai số quá lớn như vậy. Cần xác định máy bắn tốc độ có đúng giám định đo lường do Bộ Công an cấp và vị trí bắn tốc độ có đúng tọa độ quy định không. Thiết bị GPS có đủ chuẩn theo đăng kiểm theo tiêu chuẩn của Bộ GTVT. Khi sai số lớn như vậy người dân có quyền phản đối và CSGT phải chứng minh cụ thể để lái xe không bức xúc. Người dân có quyền nghi ngờ nếu có bằng chứng không minh bạch”.