Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã gửi công văn số 620/TCDL-KS đề nghị Sở quản lý du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường bảo đảm các hoạt động du lịch trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
Tổng cục Du lịch nhận định: Ngành du lịch cả nước đang trong quá trình phục hồi mạnh mẽ. Dự báo, vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, lượng khách du lịch sẽ tăng mạnh khi nhân dân và người lao động được nghỉ dài ngày. Đây là cơ hội tốt để các địa phương, doanh nghiệp du lịch triển khai các hoạt động kinh doanh, tiếp tục mở rộng thị trường.
Để đảm bảo an ninh, an toàn và nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch trong dịp nghỉ lễ, Tổng cục Du lịch đề nghị Sở quản lý du lịch các địa phương khẩn trương chỉ đạo Ban quản lý các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch và dịch vụ du lịch trên địa bàn cần chủ động phương án tổ chức hoạt động phục vụ khách du lịch; bố trí đủ lực lượng, cơ sở vật chất, thực phẩm và điều kiện cần thiết để phục vụ du khách.
Các địa phương, đơn vị du lịch phải đảm bảo an toàn cho khách du lịch, bố trí cảnh báo, cứu hộ, cứu nạn, tăng cường kiểm soát đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, phòng chống dịch bệnh theo quy định và khuyến cáo của ngành y tế.
Đặc biệt, các bên liên quan cần tăng cường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, không để xảy ra tình trạng sản xuất kinh doanh, sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, sử dụng các chất phụ gia có nguy cơ gây độc hại tại các cơ sở có phục vụ ăn uống.
Mặt khác, các đơn vị chức năng cần đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan. Các khu, điểm tham quan du lịch cần bố trí thu gom rác thải kịp thời, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, chỉ dẫn, nhắc nhở khách cùng tham gia bảo vệ môi trường; đảm bảo đủ số lượng nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn.
Các địa phương cần có biện pháp kiểm soát giá dịch vụ du lịch; yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch tuân thủ nghiêm quy định về đăng ký, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; không để xảy ra tình trạng tuỳ tiện nâng giá, chèo kéo, ép khách, gây sốt giá, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của địa phương nói riêng và Việt Nam nói chung. Lực lượng chức năng cần kịp thời thát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý các đối tượng đeo bám, gây phiền hà cho du khách, bố trí đủ nhân viên hướng dẫn, hỗ trợ khách.
Đơn vị chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, khách du lịch nâng cao ý thức tự giác tuân thủ pháp luật; bảo đảm quy định về phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, quan tâm phòng tránh tai nạn giao thông. Các địa phương cần tuyên truyền rộng rãi về những điểm đến hấp dẫn, các sản phẩm dịch vụ du lịch mới để tăng trải nghiệm cho du khách.
Đơn vị chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng của đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch, nâng cao tính chuyên nghiệp trong phục vụ du khách, đặc biệt tại các cơ sở lưu trú du lịch, đơn vị vận chuyển khách du lịch, các khu, điểm du lịch, nhà hàng phục vụ khách du lịch, trung tâm mua sắm, cơ sở vui chơi, giải trí trên địa bàn.
Các ngành chức năng kịp thời xử lý nghiêm trường hợp vi phạm pháp luật về kinh doanh du lịch, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm; đồng thời thiết lập và công bố công khai số điện thoại đường dây nóng để xử lý các tình huống phát sinh, hỗ trợ khi có yêu cầu của khách du lịch…
Theo nhận định của nhiều chuyên gia du lịch cũng như các hãng lữ hành, những kỳ nghỉ dài như 30/4 - 1/5 hoặc Quốc khánh 2/9 đều ghi nhận lượng khách du lịch nội địa bùng nổ. Kỳ nghỉ 30/4 - 1/5 năm nay cũng không nằm ngoài quy luật này. Đại diện nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành thông báo kín khách ở nhiều đường tour, nhiều địa phương có thể quá tải, nhất là tại các điểm du lịch nổi tiếng.
Tuy vậy, tình hình dịch COVID-19 hiện tại với số ca mắc tăng nhanh cũng sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu du lịch của người dân trong dịp nghỉ lễ 30/4 sắp tới bởi du khách có thêm lo ngại về an toàn và sức khỏe khi du lịch. Do vậy, mỗi du khách cần tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn cho cá nhân và gia đình khi tham gia các hoạt động du lịch.