Kênh truyền thông nhà nước của nước này không nêu tên của họ, nhưng các nhà khoa học này đã từng xuất hiện trước đây. Nhóm các nhà khoa học - còn được biết đến dưới cái tên “Bộ tứ tên lửa” - đã chế tạo một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa dường như có khả năng với tới mọi nơi trên lãnh thổ Mỹ, điều được xem là thành tựu khoa học đáng ngạc nhiên của một quốc gia bị cô lập nhất trên thế giới.
Lãnh đạo Kim Jong-un dưới thời cai trị của mình đã hết sức trọng dụng các nhà khoa học, trao cho họ nhiều ưu đãi, thậm chí biến họ trở thành những người hùng của quốc gia.
“Chúng tôi chưa từng nghe đến việc ông ấy tử hình các nhà khoa học” - Choi Hyun-kyo, một nhà nghiên cứu kỳ cựu ở Hàn Quốc, cho hay - “Ông ấy là người hiểu rõ rằng thử nghiệm và thất bại là một phần của khoa học”.
Giới phân tích hiện vẫn đang cố gắng lý giải tại sao CHDCND Triều Tiên có thể vượt qua nhiều thập kỷ bị trừng phạt mà vẫn đạt được nhiều bước tiến về khoa học. Nhưng rõ ràng là đất nước này đã có một nền tảng khoa học vững chắc. Tên lửa đạn đạo liên lục địa mới của họ là sự kết hợp tinh vi giữa vật lý và kỹ thuật khiến toàn thế giới phải bất ngờ.
Tôn thờ khoa học
Lãnh đạo Kim Jong-un đã nâng tầm khoa học trong nước và thể hiện rõ sự trọng dụng của mình đối với giới khoa học, kỹ sư, thậm chí coi đây như một chương trình tuyên truyền cho đất nước. Điều này trái ngược với cha của ông, Kim Jong-il, người tập trung vào nghệ thuật như một công cụ tuyên truyền.
4 năm sau khi nắm quyền lực, trong năm 2011, ông Kim Jong-un đã xây dựng một đại lộ 6 làn đường ở thủ đô Bình Nhưỡng có tên Phố Khoa học Tương lai, với các tòa nhà chung cư chọc trời chỉ dành riêng cho các nhà khoa học, kỹ sư cùng gia đình của họ. Ông cũng cho xây dựng một khu phức hợp có hình xoắn giống như một nguyên tử để thể hiện thành tựu đạt được trong khoa học hạt nhân.
Triều Tiên từng nhập các tài liệu khoa học từ Nhật Bản trong suốt nhiều thập kỷ, và khi họ gửi sinh viên ra nước ngoài, họ yêu cầu những sinh viên này sao chép lại các nghiên cứu khoa học và đem chúng về nhà. Các lệnh trừng phạt của LHQ nghiêm cấm việc giảng dạy về khoa học ứng dụng quân sự đối với sinh viên Triều Tiên, tuy nhiên nước này vẫn gửi sinh viên tới nhiều quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và thậm chí là Đức, theo báo cáo của LHQ.
Mạng Internet cũng là một mỏ vàng đối với Triều Tiên khi cho phép các nhà khoa học hàng đầu của nước này tìm kiếm trực tuyến các nguồn dữ liệu mở. Triều Tiên cũng xây dựng nhiều thư viện kỹ thuật số đã qua kiểm duyệt để phục vụ cho người dân trong nước.
Ở Triều Tiên, những sinh viên đứng đầu trong ngành khoa học sau khi ra trường được chuyển vào các dự án quân sự. Những sinh viên này sẽ được lựa chọn để nghiên cứu chương trình tên lửa và hạt nhân. Những sinh viên ưu tú này luôn nhận được sự ưu đãi lớn, như nhận được nhiều thực phẩm tốt hơn, và có thể truy cập vào các tài liệu thiết kế vũ khí.
Chiêu mộ giới khoa học
Kể từ khi nắm giữ quyền lực, lãnh đạo Kim Jong-un dường như quản lý rất sát sao các chương trình phát triển vũ khí của nước này, trọng dụng các nhà khoa học và quan chức mà người ta chưa từng được biết đến trước đây.
Ông Kim thường lựa chọn các quan chức đến từ nhiều dự án khác nhau, để cho họ cạnh tranh trong công việc. Trong các vụ thử nghiệm tên lửa, ông Kim thường được trông thấy đứng cùng một nhóm bộ tứ, những người này được tin rằng thuộc 2 nhóm khác nhau, phát triển tên lửa và phát triển hạt nhân.
Theo Lee Yun-keol, một người đào tẩu Triều Tiên từng làm việc tại Trung tâm Thông tin Chiến lược của nước này, Triều Tiên còn tuyển mộ cả các nhà khoa học của Liên Xô cũ, đưa ra mức lương lên tới 10.000 USD/tháng.
Vào năm 1992, một chiếc máy bay mang theo 64 nhà khoa học tên lửa từ Moscow đã bị chặn lại trước khi cất cánh để bay đến Triều Tiên. Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu nhà khoa học của Liên Xô cũ đã đến được Triều Tiên trong các thập kỷ sau đó.
Theodore A. Postol, một vị giáo sư chuyên ngành khoa học và an ninh quốc tế tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), nói rằng Triều Tiên ngày nay đã đạt được bước tiến lớn về phát triển tên lửa.
“Chúng tôi nghĩ rằng điều này là nhờ họ đã nắm giữ được thiết kế và cách chế tạo động cơ tên lửa vốn của Liên Xô cũ. Và có thể họ cũng có sự giúp đỡ của những kỹ sư Liên Xô cũ, những người biết cách để giải quyết các vấn đề về tên lửa” - ông Postol nói.
Lãnh đạo Kim Jong-un đã nâng tầm khoa học trong nước và thể hiện rõ sự trọng dụng của mình đối với giới khoa học, kỹ sư, thậm chí coi đây như một chương trình tuyên truyền cho đất nước. Điều này trái ngược với cha của ông, Kim Jong-il, người tập trung vào nghệ thuật như một công cụ tuyên truyền.