Những hình ảnh mới nhất là minh chứng cho thấy Bình Nhưỡng hiện vẫn đang tiến hành kế hoạch tên lửa, cũng là kết quả cho cuộc đàm phán giữa Triều Tiên với Mỹ đang trì trệ trong nhiều tháng gần đây.
Tuy rằng từ lâu, việc Triều Tiên vẫn còn giấu nhiều căn cứ tên lửa đã được phát giác bởi Cục Tình báo Hoa Kỳ; song điều đó vẫn chưa được xác nhận bởi tổng thống Donald Trump, do ngài Trump đã khẳng định rằng Triều Tiên “không còn là mối đe dọa hạt nhân” sau cuộc họp của ông với nhà độc tài Kim Jong Un hồi tháng 6.
Phía Cục Tình báo đã từ chối bình luận về các hình ảnh mới; tuy nhiên, các quan chức Mỹ đã bày tỏ sự lo ngại về việc Triều Tiên vẫn đang sử dụng các căn cứ bí mật để tiếp tục cải thiện công nghệ tên lửa cũng như các chương trình hạt nhân.
Những hình ảnh mới này, ban đầu được đăng bởi tờ The New York Times, cho thấy rằng các nhà nghiên cứu của dự án ‘Beyond Parallel’ thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế đã phát hiện ra 13 trong số tổng cộng 20 căn cứ tên lửa dự kiến vẫn chưa được báo cáo bởi chính phủ Triều Tiên.
“Những căn cứ tên lửa này có thể được sử dụng cho mọi loại tên lửa đạn đạo: từ tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) cho tới tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), đáng lẽ ra phải được công bố, xác minh, và phá hủy thông qua bất kỳ thỏa thuận chống hạt nhân nào.” Bài báo ghi rõ.
Một trong số hình ảnh cho thấy "cơ sở quân sự chưa xác định" và "căn cứ tên lửa" của Triều Tiên tại Sakkanmol. |
Bên cạnh đó, Cục Tình báo Mỹ vốn cũng xác định được rằng Triều Tiên vẫn cất giấu nhiều vũ khí quân sự, bao gồm cả bệ phóng tên lửa di động, trong các hầm trú ẩn dưới lòng đất ở trên núi.
Đặc biệt, những hình ảnh còn tập trung vào vùng căn cứ tên lửa Sakkanmol, nơi mà “hiện đang chứa một loạt các tên lửa đạn đạo tầm ngắn, nhưng có thể dễ dàng trang bị đầu đạn đạo tầm trung”.
“Mặc dù có những sự khác nhau trong cách mà chính phủ Hoa Kỳ và Triều Tiên diễn giải về ý nghĩa thật sự của lời tuyên bố; tuy nhiên, đối với những nước ngoài cuộc vẫn đang theo dõi Triều Tiên như Singapore hay Hàn Quốc, thì rõ ràng điều này đã chứng tỏ rằng Triều Tiên sẽ không dễ gì từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân của mình.” Lisa Collins, một cộng sự với Chủ tịch Hàn Quốc tại CSIS và một trong những tác giả của bài báo cáo, phát biểu với kênh CNN.
Bài báo cáo hôm thứ 2 vừa rồi mới được đăng tải chỉ vài ngày sau khi ngài Trump nói với giới báo chí rằng nội các của ông “đang rất hài lòng về những gì diễn ra với Triều Tiên”, mặc cho giới quan chức thì lại phát biểu ngay trong đêm nhận kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ rằng: cuộc họp của Ngoại trưởng Mike Pompeo với một trợ lý chủ chốt của lãnh đạo Kim Jong Un đã bị hoãn lại.
Sự khác biệt rõ rệt được thể hiện thông qua những gì mà ngài Trump nói đối lập với giới quan chức quân sự Mỹ. Một nguồn tin thân cận đã tiết lộ với kênh CNN rằng: Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đang “rất tức giận” về việc Mỹ từ chối giảm nhẹ lệnh cấm vận và cho rằng, mâu thuẫn cá nhân giữa các nhà đàm phán của Mỹ và Triều Tiên sẽ tiếp tục làm chậm tiến trình ngoại giao hai nước.
Có sự mâu thuẫn trong lời phát biểu của ngài Trump và các quan chức khác. |
Ngoài ra, Triều Tiên vẫn kiên quyết giữ quan điểm rằng phía Mỹ phải “có động thái trước thì chúng tôi mới tiến hành bước tiếp theo.” Tuy vậy, nước Mỹ chẳng có dấu hiệu gì là sẽ tuân theo. Giới quan chức Mỹ cho biết, nội các của ngài Trump chỉ muốn tránh xa kế sách ‘ăn miếng trả miếng’ với đối phương.
“Trước đây chính phủ cũng từng dùng kế sách đó với Triều Tiên rồi, kiểu như “ông cho tôi một tí này thì tôi cũng nhường ông một tí kia”. Dạng như ăn miếng trả miếng vậy. Nhưng chúng tôi chưa thấy nó có tác dụng trong quá khứ, cho nên ngài tổng thống vẫn muốn cương quyết giữ chiến dịch gây áp lực toàn diện cho đến khi ngài ấy nhận được lời đồng ý hủy hạt nhân.” Một quan chức Mỹ giải thích với tờ CNN.
Trong khi ấy, phía Triều Tiên luôn biện luận rằng lí do họ không thể cung cấp dữ liệu cụ thể về các vị trí hạt nhân cũng như căn cứ tên lửa là bởi nếu như tình hình xấu đi và có nguy cơ mâu thuẫn quân sự, thì những nơi đó sẽ dễ trở thành mục tiêu bị nhắm đến đầu tiên. Nhưng bà Collins thì cho rằng những dữ liệu đó sẽ giúp đẩy nhanh cuộc đàm phán hơn là tạo ra nhiều xung đột khác nữa.