Tâm trạng bất ngờ và tiếc nuối
Trong khoảng 2 năm trở lại đây, phố đường tàu chạy dọc theo các đường Lê Duẩn, Điện Biên Phủ, Phùng Hưng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã trở thành điểm du lịch tự phát, thu hút rất đông khách du lịch trong nước và quốc tế tới tham quan và chụp ảnh.
Một tấm biển cảnh báo được ngành đường sắt lắp đặt tại điểm giao cắt trên phố Phùng Hưng, lúc này đã có rất đông du khách đổ tới tham quan đường tàu . |
Do đó, các hộ dân quanh khu vực ven đường ray đã mở các quầy hàng bán đồ giải khát để đáp ứng nhu cầu của du khách, điều này vô hình chung đã gây ra tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông, gây cản trở hoạt động của ngành đường sắt. Tuy nhiên, theo một số chia sẻ của khách du lịch, việc có một tuyến đường ray ngay trong lõi đô thị khiến Hà Nội trở nên độc đáo hơn so với các thành phố du lịch khác trên thế giới.
Anh Erez Alkalay từ Israel đã tới Việt Nam khoảng 2 tuần trước và rủ thêm hai người bạn của mình tới Hà Nội để "check-in" khu vực đường tàu nổi tiếng. "Ở thủ đô Tel Aviv của chúng tôi cũng có đường sắt đô thị, nhưng không đi xuyên qua khu dân cư như tại đây. Khi nghe tin nơi này sắp không được kinh doanh cà phê, tôi đã rủ bạn mình tranh thủ tới đây chụp ảnh". |
Đối với Miko Peltoterpi, việc ngồi thưởng thức bia hay cà phê ngay sát đường ray tàu hỏa là một trải nghiệm độc đáo khi tới thăm Hà Nội: “Tôi muốn trải nghiệm cảm giác mạnh khi ngồi thưởng thức bia ngay sát đường ray khi đoàn tàu chạy qua như ở Hà Nội, điều này hoàn toàn khác biệt so với ở quê nhà Phần Lan”. |
Trả lời nhanh câu hỏi của phóng viên, rất nhiều du khách nói rằng họ biết tới đường tàu ở Hà Nội thông qua các phương tiện truyền thông và đặc biệt là qua mạng xã hội Instagram, ai cũng có tâm trạng háo hức chờ đợi đoàn tàu chạy qua để nhanh tay chụp ảnh, không ít người cảm thấy bất ngờ và tiếc nuối khi nghe tin có thể điểm du lịch này sẽ bị dẹp bỏ. |
Các hàng cà phê đều có bảng ghi giờ tàu cụ thể để du khách nắm được. |
Cặp đôi Vannessa Lopes và Jorge Mendes từ Bồ Đào Nha tới Hà Nội lần đầu và cho biết: “Có một chút nguy hiểm khi đi bộ qua đây, nhưng hãy nhìn vào các nét đẹp của nơi này, chúng tôi chọn địa điểm này khi tới thăm Hà Nội bởi chúng tôi đều yêu thích tàu hỏa và các đường ray, nên với tôi đây là một địa điểm rất đẹp và kỳ ảo. Tôi không nghĩ việc dẹp bỏ các quán cà phê là một ý hay bởi đó cũng là một phần của vẻ đẹp nơi đây. Tôi nghĩ giải pháp để đảm bảo an toàn cho du khách đó là các nhà chức trách có thể lắp đặt hàng rào hai bên đường ray”. |
Không chỉ du khách nước ngoài, có rất đông bạn trẻ Việt Nam chọn đường tàu để làm nơi chụp ảnh, khi không có tàu chạy qua, nhiều người thoải mái ngồi giữa đường ray để tạo dáng. |
Các quán cà phê tại đây luôn đông kín du khách cả tầng 1 và tầng 2. |
Không đông người như phố đường tàu ở Phùng Hưng, nhưng các quán cà phê trên đường Lê Duẩn cũng là điểm đến hấp dẫn cho những du khách muốn tìm sự tĩnh lặng khi tới Hà Nội.
Du khách tại đây có thể thoải mái tạo dáng mà không sợ có người lạ chen vào ống kính hoặc có một không gian yên tĩnh để trò chuyện. |
Bà Lan Anh – chủ một hộ kinh doanh cà phê ven đường sắt trên đường Lê Duẩn cho biết: “Chuyện các hộ kinh doanh ven đường tàu bày đồ ra hành lang an toàn giao thông là có thật, nhưng chỉ như ‘con sâu làm rầu nồi canh’. Tôi muốn mọi người nhìn theo cách tích cực, kể từ khi các hộ quanh đây bán hàng ý thức chấp hành được tăng cao do họ phải nhắc nhở khách về giờ tàu chạy qua, cho nên chưa hề có một vụ tai nạn nào xảy ra đối với du khách tại đây".
Bà Lan Anh cho rằng kể từ khi các hộ dân ven đường sắt mở quán, tình hình an ninh trật tự xung quanh hết sức an toàn, người dân tại đây hòa đồng và cởi mở hơn với du khách. |
"Theo tôi thay vì cấm đoán thì mọi người nên ngồi xuống bàn lại giải pháp với người dân để làm phát triển du lịch tại Hà Nội, chính quyền có thể ban hành các quy tắc xử phạt những hộ vi phạm hành lang đường sắt. Nhiều người nước ngoài nói rằng họ tới đây vì cảnh quan khác lạ của đường tàu, họ tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người dân quanh đây, cũng nhờ mở quán nên khu vực này bớt hẳn cảnh nghiện ngập tụ tập quanh khu vực đường ray”, bà Lan Anh nói.
Theo chia sẻ của chị Hồng Tú - chủ một quán cà phê dọc đường ray trên phố Phùng Hưng, kể từ khi rục rịch có thông tin chính quyền thành phố Hà Nội sẽ dẹp bỏ các quán cà phê tại đây, số lượng khách đổ về tăng đột biến.
Mô hình kinh doanh giải khát ven đường tàu tại Hà Nội vốn chỉ là tự phát nhưng đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ dân xung quanh và đáp ứng được nhu cầu của du khách. |
“Nhiều khách cho biết họ rất tiếc nuối và muốn lên đây lần cuối trước khi bị dẹp bỏ. Trước kia khi chưa có hàng quán như bây giờ, mọi người dân ở đây cũng đều phải đi làm để tìm kế sinh nhai. Thế nhưng do lượng khách đổ lên đây rất đông nên nhiều hộ dân nghĩ tới chuyện mở quán kinh doanh, chứ không có chuyện chúng tôi mở quán để hút khách lên đây. Nếu không có những quán cà phê ven đường ray này, rất có khả năng xảy ra nhiều vụ tai nạn bởi xung quanh không hề có biển giờ tàu chạy qua. Trước giờ tàu chúng tôi đều nhắc nhở du khách đi đứng cẩn thận để tàu đi qua".
Chị Tú cho biết các hộ kinh doanh giải khát tại đây đều trang bị còi để mỗi khi tàu chuẩn bị chạy qua có thể nhanh chóng nhắc nhở du khách không cản trở hành lang an toàn đường sắt.
"Hiện nay nếu chính quyền có biện pháp dung hòa lợi ích của người dân và du khách thì nơi này có thể trở thành địa điểm du lịch độc đáo, các hộ kinh doanh tại đây đều cam kết chỉ bán hàng trong nhà, không bày bàn ghế ra ngoài hành lang an toàn giao thông để không xảy ra nguy hiểm”.