Du khách thích thú với những trải nghiệm sống như….người Cà Mau

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -“Hóa thân” thành người nông dân sống ở Đất Mũi, sáng giăng lưới bắt cá, trưa chèo xuồng đặt lọp cua, chiều bắt nghêu dưới ánh hoàng hôn trên biển, đêm đi soi ba khía trong rừng đước, ngủ trong nhà không cửa…là những trải nghiệm hết sức thú vị dành cho du khách tới Cà Mau.
Du khách thích thú với những trải nghiệm sống như….người Cà Mau

Nhà không cửa, đất “biết đi”

Những ngôi nhà không cửa là nét đặc trưng chỉ có ở đất Mũi. Đây là những ngôi nhà thoáng mát có mái được lợp bằng lá, không có cả cửa trước lẫn cửa sau nên đứng trước nhà có thể nhìn thấu ra phía sau, cũng như thấy hết được mọi đồ đạc, tài sản trong nhà.

Phong tục làm nhà không cửa đã có từ thời xa xưa, khi người dân đi khai hoang, mở đất, chinh phục thiên nhiên nơi tận cùng của tổ quốc. Do đặc thù ở cạnh sông, rạch, nên người dân không làm cửa để ở cho thoáng mát và vận chuyển thủy hải sản lên xuống cho thuận tiện. Hàng trăm năm qua, những ngôi nhà không cửa ở Đất Mũi vẫn hiện diện, trở thành nét đẹp trong lối sống của ông bà tổ tiên để lại, như sự cởi mở, phóng khoáng của con người nơi đây

Du khách tới đất Mũi có thể tới tham quan những ngôi nhà không cửa tại xóm Mũi, hoặc trải nghiệm sinh hoạt trong nhà không cửa được dựng trong rừng đước ngập mặn thuộc Vườn Quốc gia Đất Mũi.

Du khách thích thú với những trải nghiệm sống như….người Cà Mau ảnh 1

Nhà không cửa tại Đất Mũi.

Để tới những ngôi nhà không cửa, du khách tham gia tuyến đi xuyên rừng ngập mặn bằng vỏ lãi hoặc canô. Hiện có bốn tuyến du lịch sinh thái được Vườn quốc gia đưa vào khai thác, bao gồm: Tuyến 1: tham quan rừng ngập mặn – Bãi Bồi (chiều dài 20km); Tuyến 2: tham quan khám phá Giếng Trời – Rừng nguyên sinh (chiều dài 24km); Tuyến 3: tham quan diễn thế rừng tự nhiên – Cồn Ông Trang (chiều dài 55km); Tuyến thứ 4: tham quan Bãi Bồi ven Biển Đông – Rừng ngập mặn – Bãi bồi ven biển tây (chiều dài 23km).

Dù đi tuyến nào, du khách cũng sẽ được trải nghiệm cách di chuyển của người dân đất Mũi trên dòng kênh Lạch Vàm, khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn lớn nhất Việt Nam và lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau rừng A-ma-zôn của Nam Mỹ, tìm hiểu những loài sinh vật dưới tán rừng, chụp ảnh lưu niệm bên những gốc đước nhiều năm tuổi, đời sống của người dân theo tuyến rừng.

Du khách thích thú với những trải nghiệm sống như….người Cà Mau ảnh 2
Du khách thích thú với những trải nghiệm sống như….người Cà Mau ảnh 3

Hành trình xuyên rừng hết sức thú vị.

Hàng năm sông Mê Kông mang theo dòng chảy của mình gần 1 tỷ tấn phù sa. Khi vừa ra biển, dòng chảy Mê Kông liền gặp được dòng hải lưu Nam Thái Bình Dương, cặp sát vào bờ biển miền Trung chảy xuôi về Nam. Vì đụng phải Hòn Khoai ngoài khơi của Mũi Cà Mau ngày nay, nên dòng chảy của phù sa này tạc vào thềm lục địa phía Đông vịnh Thái Lan, tạo nên sự bồi lắng lâu dài, hình thành nên ĐBSCL và còn tiếp tục bồi đắp cho bán đảo Cà Mau rộng, dài ra trong tương lai.

Bãi bồi Đất Mũi là điểm dừng chân lý tưởng để du khách có thể ngắm nhìn những đàn chim di trú và thế giới sinh vật sinh động trên bãi bồi bởi nơi đây là bãi sinh sản của hằng hà, sa số các thủy hải sản đặc trưng của Đất Mũi.

Du khách thích thú với những trải nghiệm sống như….người Cà Mau ảnh 4

Trạm kiểm soát trên vùng đất biết đi, mỗi năm lấn biển 100 mét.

Kết thúc chuyến đi xuyên rừng ngập mặn, du khách có thể lên nhà chòi ở bãi bồi, trên phần đất “biết đi”, mỗi năm lấn ra biển 100 mét, thăm trạm kiểm soát bảo vệ vùng đất ngập nước của VQG Mũi Cà Mau. Nhà giàn hình con tôm sú- biểu tượng của hải sản Cà Mau, chênh vênh giữa sóng nước phù sa, kiêu hùng như nhà giàn DK trên biển Đông, canh giữ, bảo vệ từng tấc đất cho tổ quốc.

Sống như người Đất Mũi

Cuộc sống của người dân vùng đất Cà Mau qua những trang viết của nhà văn Sơn Nam (Hương rừng Cà Mau) hay Đất rừng Phương Nam (Đoàn Giỏi) luôn hấp dẫn và thú vị. Khai thác yếu tố hấp dẫn này, nhiều đơn vị du lịch trên địa bàn đã xây dựng các tour trải nghiệm để du khách được “sống như người Đất Mũi” như giăng lưới bắt cá tại vuông, chèo xuồng đi đặt lọp cua, soi ba khía, thưởng thức nhiều món ăn và đặc sản tươi ngon, đậm chất Miền Tây Nam bộ thời khai hoang, mở cõi.

Đặc biệt, tour tham quan bãi nghêu, tự tay bắt nghêu và ngắm cảnh đẹp của hoàng hôn khi thuỷ triều xuống được nhiều du khách yêu thích, lựa chọn.

Mỏ nghêu này được người dân phát hiện từ năm 2008 tại vùng bãi bồi ngập triều ngay chót Mũi Cà Mau. Khu vực mỏ nghêu giống này kéo dài hơn chục cây số bờ biển, bao gồm toàn bộ bãi Khai Long ở phía Đông, vòng qua Mũi Cà Mau, nối dài sang vùng bãi bồi Gò Công bên biển Tây. Mỏ nghêu giống ở bãi bồi Mũi Cà Mau không chỉ đem lại nguồn sống cho người dân trong vùng, mà còn thu hút rất nhiều dân nghèo ở các địa phương khác đến đây để tìm cơ hội sinh sống. Có những lúc cao điểm, trên bãi biển Khai Long mỗi ngày xuất hiện đến 3.000 lao động cào nghêu. Mỗi lao động ở thời điểm này, có khi chỉ là đứa trẻ chừng 13 tuổi, cũng kiếm được hơn 1 triệu đồng mỗi ngày.

Du khách thích thú với những trải nghiệm sống như….người Cà Mau ảnh 5

Du khách tham gia trải nghiệm bắt nghêu trong ánh hoàng hôn.

Tham gia trải nghiệm bãi nghêu tự nhiên, du khách được mặc trang phục của người nông dân miền sông nước, đi xuồng (vỏ lãi) từ đất liền ra bãi nghêu vào lúc thủy triều xuống. Chỉ cần đặt chân xuống bãi nghêu, du khách dễ dàng bắt được nghêu sống nằm dưới cát và phù sa. Cảm xúc tự tay bắt được nghêu trong ánh nắng chiều và hoàng hôn dần buông xuống trên mặt biển bao la rất đặc biệt. Khi thu hoạch được nghêu, du khách có thể lên các chòi canh nghêu để luộc nghêu thưởng thức tại chỗ, ngắm hoàng hôn trong không khí tươi sạch, trong lành từ biển cả bao la.

Du khách thích thú với những trải nghiệm sống như….người Cà Mau ảnh 6
Du khách thích thú với những trải nghiệm sống như….người Cà Mau ảnh 7

Khi thủy triều lên cũng là lúc hoàng hôn buông xuống tuyệt đẹp trên mặt nước.

Vào những ngày nước lên, tối trời, du khách sẽ được tham gia trải nghiệm bắt ba khía – một sản vật trứ danh của đất Cà Mau. Du khách được phát găng tay vải loại dày cùng đèn pin đội đầu, rồi xuống xuồng bơi ven kênh. Ba Khía thường leo lên các thân cây, núp sau đám lá, phải nhanh mắt nhìn thấy và thấy rồi thì nhanh tay chộp lấy nếu không chúng sẽ lủi rất nhanh xuống đầm lầy.

Du khách thích thú với những trải nghiệm sống như….người Cà Mau ảnh 8

Những món ăn dân dã từ thời người dân đi khai hoang, mở đất.

Thiên nhiên ưu đãi cho người dân Ðất Mũi hiền hoà, hào sảng nhiều loại thủy hải sản độc đáo. Ngoài Ba Khía, tôm, cua, nghêu… còn có các loại cá, đặc trưng nhất là cá Thòi Lòi- một loại cá biết leo cây, chạy nhảy. Đây là loài động vật lưỡng cư, có thể bò nhanh trên mặt đất, leo cây và di chuyển trên mặt nước với tốc độ khoảng 30km/h. Tổ chức Sinh vật thế giới xem cá Thòi Lòi là một trong 6 loài vật "kỳ lạ nhất hành tinh", chúng rất tinh ranh và nhanh nhẹn trong việc trốn thoát trước sự tấn công của kẻ thù.

Thông thường, khi nước ròng thì cá thòi lòi chui vào hang trú ẩn và nước lớn thì ra ngoài kiếm ăn. Tại Đất Mũi, nhiều gia đình có vuông nuôi cá Thòi Lòi và tổ chức cho chúng “chọi” nhau để du khách tham quan, trải nghiệm. Cá thòi lòi được chế biến ra nhiều món ăn ngon như nướng lào, nướng muối ớt, kho tiêu, nấu lẩu chua, chiên xù…và là món ăn phổ biến khắp các hàng quán từ bình dân đến sang trọng tại vùng đất tận cùng Tổ quốc.

Có đường bay thẳng, Cà Mau trở thành điểm đến hot nhất hè 2023

Du khách thích thú với những trải nghiệm sống như….người Cà Mau ảnh 9

Vùng đất tận cùng của tổ quốc dưới cánh bay Bamboo Airways.

Cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, tuyệt đẹp, trải nghiệm phong phú, hấp dẫn, Cà Mau xứng danh là nơi du khách mong muốn được đến một lần trong đời. Mong muốn đó giờ đây dễ dàng thành hiện thực khi đường bay thẳng Hà Nội- Cà Mau được hãng hàng không Bamboo Airways đưa vào khai thác từ ngày 28/4/2023.

Theo ông Tiêu Minh Tiên – Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, đường bay thẳng từ Hà Nội tới Cà Mau góp phần hiện thực hóa mục tiêu đón 2,8 triệu lượt khách của tỉnh này vào năm 2025, hướng tới mục tiêu đón 4,7 triệu lượt khách, trong đó khách du lịch quốc tế đón 74.000 lượt, tổng thu từ du lịch khoảng 16.000 tỷ đồng vào năm 2030, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của mảnh đất thiêng liêng, cực Nam của Tổ quốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.