Đó là yêu cầu của lãnh đạo Bộ VHTT&DL nêu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 vừa tổ chức.
Theo Tổng cục Du lịch, năm 2020 ngành du lịch Việt Nam vẫn kế thừa và trên đà tăng trưởng cao của giai đoạn 2016-2019. Trong tháng 1, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 2 triệu lượt, mức so sánh cùng kỳ cao nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 bùng phát ngay sau đó đã tác động tiêu cực đến hoạt động du lịch trong cả nước.
Từ cuối tháng 3, hoạt động du lịch quốc tế tại Việt Nam đã ngưng trệ, du lịch nội địa cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu đề ra đều giảm mạnh (khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,7 triệu lượt, giảm 80%; khách nội địa ước đạt 5,6 triệu lượt, giảm 34% và tổng thu từ khách du lịch ước đạt 321.200 tỷ đồng, giảm khoảng 58,7% so với cùng kỳ năm 2019).
Mặc dù vậy, năm 2020, Việt Nam vẫn tiếp tục được bình chọn là điểm đến tiêu biểu trong khu vực châu Á và thế giới (điểm đến di sản hàng đầu, điểm đến văn hóa hàng đầu, điểm đến ẩm thực hàng đầu, điểm đến golf tốt nhất châu Á; lần thứ 2 liên tiếp được tôn vinh là điểm đến di sản hàng đầu thế giới).
Trong khó khăn bộn bề, ngành du lịch đã nỗ lực tập trung triển khai nhiều giải pháp ứng phó để tháo gỡ cho các doanh nghiệp, người lao động trong ngành, đồng thời phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để báo cáo Bộ VHTT&DL đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải pháp nhằm hỗ trợ kịp thời trong khôi phục hoạt động kinh doanh (giảm giá điện áp dụng đối với các cơ sở lưu trú; giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp du lịch, giảm một số phí, lệ phí...).
Bên cạnh đó, ngành đã nghiên cứu, đề xuất và triển khai 2 chương trình kích cầu du lịch sau mỗi đợt dịch được kiểm soát để giảm tối đa tác động tiêu cực của dịch bệnh, góp phần phục hồi hoạt động của các doanh nghiệp.
Ngành du lịch cũng kịp thời định hướng chuyển đổi khai thác từ thị trường từ quốc tế hướng mạnh sang nội địa, xây dựng sản phẩm, dịch vụ mới phù hợp nhu cầu của khách du lịch trong bối cảnh mới, mở ra hướng phát triển bền vững trong thời gian tới…
Theo nhận định của các chuyên gia thì ngành du lịch chỉ có thể phục hồi sau khi dịch bệnh COVID-19 trên thế giới được kiểm soát và các hoạt động giao thương kinh tế thế giới trở lại bình thường.
Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) dự báo khách du lịch quốc tế chỉ có thể bắt đầu quá trình phục hồi từ quý III/2021, tuy nhiên để đạt được mức bằng năm 2019 cần khoảng thời gian từ 2,5 đến 4 năm, tùy tình hình kiểm soát dịch bệnh. Du lịch Việt Nam cũng nằm trong bối cảnh chung của quốc tế, vì vậy cần nhiều thời gian để phục hồi lượng khách du lịch quốc tế.
Trong bối cảnh dịch bệnh tại Việt Nam cơ bản được kiểm soát nhưng tại các thị trường châu Âu, châu Mỹ và cả các nước trong khu vực dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Tổng cục Du lịch cho rằng thị trường nội địa có khả năng phục hồi nhanh hơn. Đây cũng là một trong những yếu tố thuận lợi cho quá trình hồi phục du lịch Việt Nam.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm mà ngành cần tập trung triển khai.
Theo đó, năm 2021 với phương châm “Liên kết, hành động và phát triển”, ngành du lịch hướng vào nhiệm vụ đầu tiên là tăng cường liên kết trong ngành để phát triển các sản phẩm du lịch; triển khai hiệu quả các chương trình liên kết phát triển du lịch đã được ký kết.
Yêu cầu liên kết được đặt ra là khai thác hiệu quả tiềm năng lớn của Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam cùng với việc liên kết với các địa phương, hỗ trợ các địa phương phát triển du lịch. Toàn ngành cùng các địa phương tập trung tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình kích cầu, phát triển mạnh thị trường nội địa.
Các cơ quan, doanh nghiệp nghiên cứu định vị lại thị trường du lịch quốc tế, chuẩn bị cho việc mở cửa thị trường quốc tế khi Chính phủ cho phép. Tiếp tục thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, trong đó tập trung vào phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành du lịch, bản đồ du lịch…
Cùng với đó, cần quan tâm phát triển đội ngũ nhân lực du lịch chất lượng cao ở cả cơ quan quản lý Nhà nước và định hướng cho các địa phương, doanh nghiệp nhằm chuẩn bị tốt cho quá trình phục hồi và phát triển trong thời gian tới./.