Tạo môi trường văn hóa cho thanh thiếu nhi
Để văn hóa thực sự là động lực của sự phát triển, những người trẻ với thế mạnh về ngoại ngữ, khả năng nắm bắt thông tin nhanh nhạy, đã chọn cách lập các kênh truyền thông trên YouTube, Tiktok, Facebook, Instagram… nhằm xây dựng nội dung quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Những bạn trẻ đã không chỉ góp phần quảng bá những giá trị văn hóa của Việt Nam trên trường thế giới, mà còn tạo nên những giá trị kinh tế to lớn từ những sản phẩm văn hóa.
Ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương thanh niên Việt Nam dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ để cải tiến đặc sản địa phương, cũng như khởi nghiệp từ văn hóa, du lịch trên chính quê hương mình…
Chẳng hạn, dự án "Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương" được bắt đầu từ năm 2014 với sứ mệnh truyền cảm hứng về văn hóa nghệ thuật cổ truyền đến với công chúng hiện đại. Đến năm 2017, nhận thấy tầm quan trọng của việc đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với giới trẻ mà đặc biệt là các bạn sinh viên, dự án đã triển khai kế hoạch "Đưa nghệ thuật truyền thống từ sân đình về sân trường".
Chương trình nhận được sự phối hợp thực hiện của Khoa Văn học, Câu lạc bộ Tuyên truyền Văn hóa-Lịch sử, Câu lạc bộ Văn hóa dân gian Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và giáo phường Đình làng Việt. Qua hơn 3 tháng học hỏi, các bạn sinh viên phần nào đã hiểu hơn, yêu thích hơn những nét đẹp của nghệ thuật dân tộc.
Ngoài ra, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức nhiều hoạt động tạo môi trường cho thanh niên tham gia quá trình chuyển đổi giá trị văn hóa thành sức mạnh nội sinh, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa, như tổ chức các cuộc thi ý tưởng sáng tạo thanh niên khởi nghiệp; thúc đẩy và tạo môi trường để thanh niên khởi nghiệp, nhất là trong lĩnh vực văn hoá.
Bên cạnh tạo môi trường số, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh còn có cách giáo dục khá gần gũi. Cụ thể, các bạn trẻ đã thành lập nhiều câu lạc bộ, đội hình tình nguyện hướng dẫn du lịch, giới thiệu danh lam, danh thắng, di sản văn hóa truyền thống của địa phương. Các bạn trẻ cũng nỗ lực đưa âm nhạc dân gian dân tộc đến gần với thanh thiếu nhi qua các MV ca nhạc; hay số hóa các địa điểm di tích giúp thanh niên được tiếp cận dễ dàng hơn về nguồn gốc, ý nghĩa lịch sử của các địa danh, địa chỉ đỏ.
Khẳng định trong Nghị quyết Đại hội Đoàn
Giúp thanh thiếu nhi có cơ hội tìm hiểu và quan tâm nhiều hơn nữa đến các giá trị truyền thống, đạo đức, lối sống văn hoá, lịch sử cách mạng của dân tộc trong bối cảnh hội nhập văn hoá ngày càng sâu rộng là một trong những nội dung mà Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII rất quan tâm, thảo luận, đưa ra giải pháp để đoàn viên thanh niên có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với những kiến thức về lịch sử, văn hóa đất nước.
Theo anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, một trong những giải pháp để tạo điều kiện cho các bạn trẻ tiếp cận nhiều hơn đó là đưa được các nội dung về giáo dục lịch sử, văn hóa đất nước đến gần với thanh niên thông qua những giải pháp về số. Làm sao để hình thức gần gũi, dễ nhớ, dễ tiếp cận, dễ tham gia hơn là vấn đề cần quan tâm và đầu tư. Bằng tình yêu với văn hóa, lịch sử, các bạn trẻ không chỉ tiếp nhận thông tin mà đã từng bước sản xuất nội dung hiện đại, rất gần gũi về các kiến thức, nội dung về văn hóa, lịch sử dân tộc.
Còn anh Bùi Quang Huy, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, khi nhắc đến việc tiếp cận giá trị truyền thống, có 2 hình thức cơ bản: Trực tiếp và trực tuyến. Nếu tiếp cận trực tiếp thì chi phí cao hơn rất nhiều.
Hiện nay, hình thức các cấp bộ Đoàn đang làm để quảng bá văn hóa là giới thiệu di tích lịch sử, thành lập đội tình nguyện để giới thiệu, quảng bá văn hóa. Đã có một số cơ sở làm rất tốt việc này. Với giải pháp trực tuyến, cần làm mạnh mẽ hơn chuyện số hoá các di tích lịch sử, tổ chức các cuộc thi để lan truyền rộng rãi giá trị văn hóa.