Ngày 6/7, Chính phủ Đức đã nhất trí về gói các biện pháp sửa đổi, mở ra triển vọng về quyền cư trú cho những người đã sống ở Đức 5 năm trở lên, được cấp “giấy tạm dung” – Duldung (cấp cho những người đã bị từ chối tị nạn nhưng không thể trở về quê hương vì nhiều lý do, đe dọa chiến tranh, mang thai hoặc bệnh tật nghiêm trọng, đang học hoặc đang được đào tạo nghề ở Đức. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, họ vẫn được yêu cầu rời khỏi nước này và sống dưới nguy cơ bị trục xuất).
Với việc xem xét lại hệ thống nhập cư, Chính phủ Đức hy vọng sẽ cho phép hơn 130.000 người đang gặp vướng mắc về pháp lý có cơ hội được định cư lâu dài tại nước này. Trên trang Twitter cá nhân, Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser viết: “Chúng tôi là một quốc gia nhập cư đa dạng và hiện chúng tôi muốn trở thành một quốc gia hội nhập tốt hơn”.
Theo gói biện pháp mới, được Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser đề xuất, những người đã có “giấy tạm dung” trong 5 năm (tính đến ngày 1/1/2022), có thể đủ điều kiện cho tình trạng cư trú một năm, trong thời gian đó họ phải chứng minh “sẵn sàng hội nhập”, có nghĩa là học tiếng Đức và tìm một công việc có khả năng đảm bảo thu nhập của mình.
Cũng trên trang Twitter cá nhân, Ủy viên phụ trách hội nhập của chính phủ Reem Alabali-Radovan, viết: “Luật mới sẽ là cầu nối cho khoảng 135.000 người được ở lại Đức”. Ông nói: “Chúng tôi đang định hình lại nước Đức như một quốc gia nhập cư hiện đại”. Cùng quan điểm, đồng lãnh đạo đảng Xanh Omid Nouripour cũng tuyên bố ủng hộ biện pháp này, cho rằng nó sẽ giúp giảm bớt sự thiếu hụt trầm trọng lao động lành nghề.
Mặc dù vậy, phe đối lập đã lên tiếng chỉ trích kế hoạch trên. Phát ngôn viên của Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), phụ trách chính sách trong nước cho biết các kế hoạch của chính phủ sẽ tạo ra “ưu đãi lớn” cho nhập cư bất hợp pháp vào Đức.
Các tổ chức tị nạn đã hoan nghênh việc xem xét sửa đổi luật nhập cư của nhà chức trách Đức, tuy nhiên vẫn hoài nghi về tiến trình thực hiện.