Lắng nghe nhu cầu của con
Thay vì phải lo lắng, đau đầu trước bài toán cho con làm gì, chơi ở đâu mỗi khi hè tới thì gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh lại đón nhận mùa hè của các con một cách tự nhiên, thoải mái nhất.
Chị Ngọc Ánh cho biết, kỳ nghỉ hè là dịp để các con nghỉ ngơi, vui chơi, lấy lại sức khỏe và tinh thần sau một năm bận rộn với học hành và thi cử. Vì vậy, khi kỳ nghỉ hè vừa mới bắt đầu, vợ chồng chị đã dành khá nhiều thời gian để tìm hiểu xem hè năm nay các con thích tham gia hoạt động gì, thích đi đâu, học gì, chơi gì.
“Mở đầu mùa hè năm nay của lũ trẻ nhà tôi là một chuyến du lịch Đà Lạt. Chuyến du lịch này vừa là phần thưởng cho sự cố gắng trong năm học đã qua, vừa để động viên khích lệ các con cố gắng hơn trong năm học sắp tới”, chị Ngọc Ánh nói.
Nhờ sự lắng nghe và thấu hiểu sở thích của bố mẹ nên hai con nhà chị Ngọc Ánh không cảm thấy sợ hãi hay chán nản mỗi khi hè về. Hè nào, gia đình chị cũng lập “kế hoạch nhỏ” để tất cả các công việc, dự định của các con sẽ được thực hiện đầy đủ. Cũng giống như mùa hè của những năm trước, năm nay cả hai bé nhà chị Ngọc Ánh đang ấp ủ rất nhiều ý tưởng, dự định cần phải thực hiện trong ngày hè này.
Gia đình chị Ngọc Ánh chào đón kỳ nghỉ hè của các con bằng một chuyến du lịch Đà Lạt. |
Gia Huy - 12 tuổi, con trai chị Ngọc Ánh chia sẻ: “Hè năm nay, con muốn được đi học bóng rổ và bóng đá. Con đã xin phép và đang chờ bố mẹ đồng ý cho theo học cả hai”.
Nếu như anh cả Gia Huy háo hức về một mùa hè thật năng động thì cô em Hương Giang, 8 tuổi, con gái chị Ngọc Ánh lại muốn về quê thăm ông bà ngoại. “Sau đó, con muốn được quay lại để thăm các bạn ở mái ấm tình thương mà mẹ đã dẫn con đi năm trước. Con đã hứa sẽ tặng các bạn những chiếc bút màu và cuốn tập tô rồi ạ! Ngoài ra, con sẽ xin mẹ cho đi học vẽ, múa, đàn với các bạn trong lớp và tham gia thêm các lớp học người mẫu nhí cũng như các hoạt động biểu diễn thời trang cho trẻ em”, Hương Giang nói.
Theo chị Ngọc Ánh, với tất cả những dự định mà các con đưa ra, tính đến nay, đã thực hiện được một nửa số hoạt động cần làm bởi nhờ có kế hoạch cụ thể. Cũng theo chị Ánh, để có được một mùa hè ý nghĩa và khoa học cho các con, các bậc phụ huynh nên ngồi lại với con để lên kế hoạch chi tiết, vì khi đã có kế hoạch thì mọi thứ sẽ được chủ động hóa từ người lớn cho đến con trẻ. Tuy nhiên, kế hoạch này cần phải được xây dựng dựa trên sự dung hòa của cả hai bên, tránh áp đặt suy nghĩ cũng như hành động của mình đối với các con. Cha mẹ chỉ nên đóng vai trò định hướng và tư vấn còn sự quyết định thì vẫn ở các con.
Chơi phải có tư duy, tích cực
Với thầy giáo Lê Nhật Vương Anh (giáo viên môn Toán ở TP Cao Lãnh, Đồng Tháp, quan điểm của anh luôn rõ ràng, chơi là phải có tư duy, mang tính tích cực chứ không phải lao vào những trò nghiện ngập, vô bổ, thiếu lành mạnh.
Hè năm nay, phần lớn thời gian của tôi và mẹ chúng ở trên trường vì phải tập trung luyện thi vào 10 cho các bạn học sinh khối 9 nên các con không được đi chơi xa mà phải tự chơi ở nhà. So với những năm trước, năm nay có phần hơi thiệt thòi”, thầy Vương Anh tâm sự.
Hè về là khoảng thời gian “tạm rời xa sách vở” của cả gia đình thầy Vương Anh. |
Dù không được đón mùa hè ở những nơi mà mình yêu thích, nhưng hai bé nhà thầy Vương Anh vẫn cảm thấy vui và thích thú vì đã khám phá ra thêm được nhiều sở thích của bản thân trong những ngày nghỉ hè ở nhà. Chẳng hạn, các con tìm thấy niềm vui trong việc đọc sách, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, chơi những trò chơi dân gian cùng bạn bè hay các hoạt động thể dục thể thao khác như bơi lội, đá cầu, nhảy dây, thả diều… Ngoài ra, vào những ngày cuối tuần rảnh rỗi, các con lại được theo ba rong ruổi khắp các cung đường ở Đồng Tháp để chụp ảnh.
Tất cả những hoạt động ấy tưởng chừng rất “nhạt nhẽo” nhưng lại khá bổ ích. “Đây chính là kỹ năng sống, bài học cuộc sống mà các con cần tích lũy cho hành trình làm người của mình sau này. Cần gì phải học đâu xa, học ngay từ trong cuộc sống. Sách vở chỉ dạy cho ta những lý thuyết, còn cuộc sống mới dạy cho ta cách thực hành”, thầy Vương Anh nhấn mạnh.
Thầy Vương Anh không đồng tình với cách ép con học hè của nhiều phụ huynh hiện nay bởi quãng thời gian ba tháng hè vô cùng quý giá, nếu phụ huynh cứ cố gắng “nhốt” con trong bốn bức tường để nhồi nhét kiến thức, ép con học là rất sai lầm. Việc làm này không những không giúp con tiếp thu kiến thức mà vô tình tạo thêm áp lực và gây sợ hãi cho các con. Hơn nữa, không một ai dám chắc, việc nhốt con ở nhà học bài sẽ là giải pháp an toàn cho cả phụ huynh lẫn con trẻ. Nguy cơ về tai nạn, thương tích sẽ xảy ra bất cứ lúc nào ngay trong chính căn nhà của mình.
Để mang lại những ngày hè vui chơi an toàn cho các con, thầy Vương Anh cho rằng, trước hết, phải phụ thuộc vào nhận thức, quan điểm của mỗi gia đình. Các bậc cha mẹ, ngoài việc dành thời gian cho con, cần hướng trẻ tham gia các hoạt động tập thể, giải trí lành mạnh, góp phần giúp các em phát triển và hình thành thể chất, trí tuệ, nhân cách… một cách toàn diện. Ngoài ra, chính quyền địa phương và ngành chức năng cũng cần phải duy tu, tôn tạo, xây dựng mới các điểm vui chơi an toàn, thân thiện cho trẻ em. Cùng với đó là các đoàn thể chính trị xã hội, tổ chức Ðoàn thanh niên cần thể hiện rõ vai trò của mình trong việc tạo ra những hoạt động hè sôi nổi, hấp dẫn, đa dạng hóa hình thức tổ chức để thu hút được đông đảo các em tham gia.
“Việc tạo dựng những sân chơi bổ ích, an toàn, lành mạnh trong dịp hè là để mọi trẻ em đều có cơ hội được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục toàn diện, để có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn”, thầy Vương Anh nhấn mạnh.
Không chơi đánh rơi… tuổi thơ
Theo TS Xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia, hè là thời gian cần thiết để nghỉ ngơi, giải trí sau những tháng học hành, thi cử vất vả, giúp các em lấy lại sức khỏe, học kỹ năng sống cần thiết... Do vậy, việc ép trẻ phải học thêm văn hóa trong dịp hè sẽ gây tâm lý căng thẳng, chán học, ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý của trẻ.
“Suốt chín tháng, học sinh đã ở trong bốn bức tường của trường học, về nhà lại phải “vùi đầu” vào bài tập. Các em rất thiếu những trải nghiệm từ thực tế. Chính vì vậy, nếu ba tháng hè lại phải tiếp tục cái guồng quay ấy thì những đứa trẻ sẽ bị đánh mất tuổi thơ”, TS Thúy nói.
Bên cạnh những kiến thức văn hóa, kiến thức sách vở, kiến thức Toán, Văn, Anh…, các con còn rất nhiều thứ khác có thể học và cần được trang bị trong ba tháng nghỉ hè quý giá - những điều mà trường học hiện nay chưa đủ thời gian để dạy cho các con. Ví dụ như, cha mẹ có thể tìm cho con các khóa học về kỹ năng sinh tồn, tự chủ, kỹ năng tự phục vụ bản thân, các khóa học MC, học kỳ quân đội, kỹ năng chống xâm hại, bạo lực, các khóa âm nhạc, múa, vẽ, võ, học bơi… để trẻ bộc lộ cá tính, năng lực và điểm mạnh. Đây cũng là một cách giúp các con phát triển toàn diện.
Phụ huynh nên đặt mục tiêu làm thế nào để con mình có một tuổi thơ đẹp, một tâm hồn và thể chất khỏe mạnh, trong sáng chứ đừng áp lực hay nặng nề về kiến thức và học lực của các con. Không phải ngẫu nhiên mà người ta đặt ra kỳ nghỉ hè dài cho học sinh. Đây cũng không phải quy định của riêng nước ta mà ở nhiều nước trên thế giới. Vì vậy, kỳ nghỉ hết sức có nghĩa này hãy để cho các em nạp năng lượng chuẩn bị bước vào một năm học mới.
Cũng theo TS Thúy, chúng ta không nên lo sợ rằng nghỉ hè trẻ sẽ quên hết kiến thức bởi bộ não của con người có một dung lượng nhất định, không thể cứ nhồi nhét kiến thức liên tục. Việc vui chơi, tinh thần thoải mái cũng sẽ giúp trẻ tự nhiên khôi phục các kiến thức đã học chứ không phải chơi là quên như lo lắng của nhiều người.